Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội làm việc với tỉnh Đồng Nai về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT

04/05/2017

Thực hiện Chương trình giám sát chuyên đề của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng- kinh doanh- chuyển giao (BOT), ngày 4/5, Đoàn công tác do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát Nguyễn Đức Kiên làm Trưởng Đoàn đã đi giám sát một số tuyến giao thông được đầu tư theo hình thức BOT trên địa bàn Đồng Nai.

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Đồng Nai, hiện nay trên địa bàn có 9 dự án phát triển theo hình thức BOT. Trong đó, Bộ Giao thông- Vận tải triển khai 5 dự án, toàn bộ dự án đã đưa vào khai thác. UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện 4 dự án trong đó, 1 dự án đã đưa vào sử dụng từ năm 2005, 1 dự án đang trong quá trình vừa xây dựng vừa triển khai thu phí (đường BOT 768), 2 dự án đang triển khai xây dựng. Theo đánh của UBND tỉnh Đồng Nai, các dự án BOT góp phần giảm áp lực cho nguồn đầu tư công lĩnh vực giao thông đường bộ của cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng. Nhờ nguồn vốn BOT, trên địa bàn đã được đầu tư nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1, Quốc lộ 51, tuyến Quốc lộ tránh thành phố Biên Hoà, Quốc lộ 1K, xây dựng cầu Đồng Nai mới... Các dự án trên góp phần phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát Nguyễn Đức Kiên giám sát tại tỉnh Đồng Nai        Ảnh: Báo Nhân dân

Các tuyến đường được đầu tư nâng cấp, xây mới đã mang lại nhiều lợi ích, quan trọng nhất là giảm ùn tắc giao thông, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hoá và hành khách, tiết kiệm nhiên liệu, giảm chi phí sửa chữa, khấu hao nhiên liệu, mang lại lợi ích cho người sử dụng. Bên cạnh đó, các dự án BOT đảm bảo hài hoà lợi ích 3 bên gồm nhà nước- nhà đầu tư- người dân, thông qua việc nhà nước thực hiện quyền giám sát nhà đầu tư và người dân được hưởng thụ lợi ích dự án. Tuy nhiên, UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng hạn chế của các dự án BOT giao thông là hiện chưa có quy định cụ thể về việc công khai minh bạch nguồn thu phí. Công tác quản lý nguồn thu phí hiện nay chỉ có thể quản lý thông qua việc đăng ký số lượng vé thu phí của nhà đầu tư với cơ quan thuế. Mặt khác, công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thực hiện dự án còn gặp khó khăn vướng mắc. Việc xác định thời gian thu phí, mức phí, trạm thu phí các dự án BOT giao thông thời gian qua còn nhiều bất cập, thiếu sót, mức thu phí cao gây bức xúc trong dư luận… 

Tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần phát triển đường cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu Đinh Hồng Hà kiến nghị, đối với các địa phương trên các tuyến BOT, khi phê duyệt quy hoạch phát triển khu dân cư, các cụm công nghiệp có kết nối với tuyến BOT phải yêu cầu chủ đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật thu - thoát nước, đường gom trên tuyến; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các phương tiện quá tải gây trồi lún mặt đường, phá hủy kết cấu mặt đường bê tông nhựa.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát Nguyễn Đức Kiên cho rằng, thời gian qua, những đóng góp của các dự án BOT trên địa bàn Đồng Nai là rất lớn, giúp tăng trưởng kinh tể ở mức cao, đặc biệt là tăng trưởng công nghiệp, thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Ngoài ra, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương cũng thể hiện vai trò rất lớn trong việc đầu tư các dự án BOT. Chính quyền địa phương đảm nhiệm được hai vai trò, đó là trách nhiệm đối với xã hôi trong việc phát triển hạ tầng giao thông, tạo thuận lợi cho người dân đi lại; đồng thời nhà nước còn là đối tác của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư BOT.

Trong lúc giám sát dự án xây dựng tuyến đường chuyên dụng vận chuyển vật liệu xây dựng tại xã Phước Tân, TP. Biên Hoà, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát Nguyễn Đức Kiên cho rằng mặc dù đây là dự án BOT công nghiệp chuyên dụng nhưng cũng không vì mục đích phục vụ công nghiệp mà xem nhẹ lợi ích của người dân địa phương. Do đó, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát đề nghị chủ đầu tư BOT, chính quyền tỉnh Đồng Nai cần đảm bảo hài hoà lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền.

Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát Nguyễn Đức Kiên cũng cho rằng, các tuyến đường xây dựng bằng hình thức BOT không phải là đường của doanh nghiệp mà phải hiểu đây là công trình nhượng quyền đầu tư, nhượng quyền khai thác cho đơn vị đầu tư. Do đó, đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường hơn nữa công tác giám sát, đồng thời cũng tạo điều kiện để các nhà đầu tư thực hiện tốt các dự án BOT.

Sỹ Tuyên