Xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch là bắt buộc

08/11/2016

Sáng 8/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về dự án Luật du lịch (sửa đổi).

Tại buổi thảo luận, đa số các đại biểu đều nhất trí sự cần thiết sửa đổi Luật du lịch bởi sau mười năm thực hiện cho thấy, quá trình triển khai Luật du lịch đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng tới hoạt động và sự phát triển của ngành Du lịch. Đặc biệt, trước sự phát triển, thay đổi của hệ thống pháp luật Việt Nam cùng với quá trình hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ đã làm nhiều quy định của Luật du lịch không còn phù hợp và thiếu tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, chưa tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành. Do vậy, việc xây dựng và ban hành Luật du lịch (sửa đổi) là cần thiết, đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật, góp phần tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thúc đẩy du lịch phát triển.

Xếp hạng cơ sở lưu trú là bắt buộc, tái thẩm định cơ sở lưu trú là cần thiết

Một điểm mới của dự thảo Luật du lịch (sửa đổi) lần này đã quy định việc thẩm định, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch được áp dụng theo nguyên tắc tự nguyện, không bắt buộc như quy định tại Luật du lịch. Như vậy, doanh nghiệp có thể đăng ký với Cơ quan quản lý du lịch ở Trung ương hoặc địa phương theo phân cấp để thẩm định, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch hoặc kinh doanh theo quy định của Luật doanh nghiệp và văn bản pháp luật liên quan mà không cần xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch. Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng bỏ quy định tái thẩm định, công nhận lại hạng của các cơ sở lưu trú du lịch sau 3 năm.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ về các dự án Luật                                         Ảnh: Đình Nam

Thảo luận về vấn đề này, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, việc áp dụng nguyên tắc tự nguyện trong xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch quy định tại Điều 61 của dự thảo Luật là không phù hợp, tạo kẽ hở về pháp luật và quản lý dễ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp tự mạo nhận sao, quảng cáo sai thứ hạng, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách du lịch.

Đại biểu Quốc hội Dương Ngọc Hải- TP. Hồ Chí Minh cho rằng, nếu quy định việc xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch trên nguyên tắc tự nguyện sẽ dẫn đến sự tùy tiện, không có sự thống nhất trong quản lý, không kiểm soát được tình trạng các doanh nghiệp mạo nhận thứ hạng sao, quảng cáo sai thứ hạng không đúng với chất lượng của mình, tác động tiêu cực đến quyền lợi của khách du lịch, ảnh hưởng không tốt đến diện mạo và uy tín của ngành du lịch nước ta. Do vậy, đại biểu đề nghị việc xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch phải là bắt buộc.

Bên cạnh đó, việc dự thảo bỏ quy định thẩm định để công nhận lại hạng cơ sở lưu trú cũng không nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu. Đại biểu Quốc hội Văn Thị Bạch Tuyết- TP HCM đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan- TP Hồ Chí Minh cho rằng, nhất định phải duy trì chế độ tái thẩm định sau 3 hoặc 5 năm, thậm chí là kiểm tra đột xuất để đảm bảo chất lượng chung của các cơ sở lưu trú du lịch, đồng thời tạo động lực cạnh tranh, tự nâng cao chất lượng của các cơ sở lưu trú, kích thích doanh nghiệp tái đầu tư.

Ngoài ra, về điều kiện kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch, dự thảo mới chỉ quy định doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh và đáp ứng điều kiện về an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật là đủ điều kiện kinh doanh lưu trú du lịch. Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Tuấn- TP Hà Nội, cần thiết bổ sung thêm vào dự thảo luật các điều, khoản cụ thể về các điều kiện liên quan đến việc đảm bảo sức khỏe cho khách du lịch.

Cùng với đó, nhiều đại biểu cũng chỉ rõ, Điều 59 của dự thảo Luật mới chỉ đề cập đến 7 loại hình cơ sở lưu trú, đó là: khách sạn, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, tàu thủy lưu trú du lịch, bãi cắm trại du lịch, nhà nghỉ, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, còn các loại cơ sở lưu trú khác như tàu hỏa du lịch, xe du lịch nóc nhà... thì không được nhắc đến. Các đại biểu cho rằng, nếu đã liệt kê thì phải liệt kê đầy đủ và quy định toàn bộ trong luật.

Du lịch cần phải có thanh tra chuyên ngành

So với Luật du lịch 2005, dự thảo Luật du lịch (sửa đổi) không đề cập đến nội dung thanh tra chuyên ngành du lịch. Tuy nhiên, hiện nay, ngành du lịch đang phải đối mặt với sự gia tăng cả về số lượng lẫn tính chất, mức độ phức tạp của các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch. Bên cạnh đó, dự thảo có nhiều quy định liên quan đến công tác hậu kiểm (nhất là các nội dung về cơ sở lưu trú), đòi hỏi phải tăng cường kiểm tra, giám sát của lực lượng chuyên ngành. Vì vậy, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định về thanh tra du lịch để kiểm soát, xử lý các vấn đề về du lịch.

Đại biểu Quốc hội Văn Thị Bạch Tuyết- TP Hồ Chí Minh cho rằng, du lịch là một ngành kinh doanh có điều kiện đặc thù, vì vậy cần phải có thanh tra chuyên ngành. Theo đại biểu, nếu để thanh tra của ngành văn hóa, thể thao và du lịch đảm đương kiểm soát chung sẽ có nhiều hạn chế vì mảng văn hóa đã có rất nhiều vấn đề cần xử lý. Do vậy, để đảm bảo chất lượng ngành du lịch và an toàn cho du khách, việc bổ sung quy định về thanh tra chuyên ngành du lịch vào dự thảo luật là rất cần thiết.

Bên cạnh nội dung về thanh tra chuyên ngành du lịch, đại biểu Quốc hội Đào Thanh Hải- Hà Nội cho rằng “cảnh sát du lịch” là một trong những lực lượng rất tích cực góp phần đảm bảo các vấn đề về an ninh, quyền lợi cho khách du lịch, giúp du lịch phát triển đúng định hướng. Theo đại biểu, nếu nước ta có cảnh sát du lịch để xử lý các vấn đề liên quan đến dịch vụ, an ninh, sức khỏe khách du lịch… thì sẽ giúp môi trường du lịch lành mạnh và phát triển bền vững hơn.

Qua nghiên cứu, các đại biểu đánh giá, các chính sách phát triển du lịch quy định tại Điều 5 còn thể hiện chung chung, đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát và quy định cụ thể hơn. Đồng thời, rà soát nội dung và hình thức văn bản, giải thích rõ các khái niệm “môi trường du lịch”, “tài nguyên du lịch”, “sản phẩm su lịch”…để đảm bảo tính chính xác và kỹ thuật văn bản, kỹ thuật lập pháp.

Thu Phương