Ngày làm việc thứ 22, Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII: Bầu bổ sung một số chức danh trong các cơ quan của Quốc hội

18/11/2013

Ngày 16-11, Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội (QH) khóa XIII sang ngày làm việc thứ 22. Buổi sáng, QH tiếp tục xem xét công tác nhân sự; nghe Tờ trình về dự án Luật Ðầu tư công; biểu quyết thông qua Luật Việc làm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua-Khen thưởng. Buổi chiều, QH thảo luận về dự án Luật Hải quan (sửa đổi).

Xem xét công tác nhân sự

Ðầu giờ làm việc buổi sáng, sau khi nghe Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng thay mặt Ủy ban Thường vụ QH báo cáo kết quả thảo luận tại Ðoàn đại biểu QH về dự kiến nhân sự bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ nhiệm một số Ủy ban của QH, các đại biểu biểu quyết thông qua danh sách để QH bầu các chức danh nói trên.

Tiếp đó, QH tiến hành bỏ phiếu. Kết quả, ông Nguyễn Ðức Hiền, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ QH, đại biểu QH tỉnh Nghệ An, được bầu giữ chức Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH với 414 phiếu đồng ý, chiếm tỷ lệ 83,14% tổng số đại biểu QH; ông Nguyễn Lâm Thành, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của QH, đại biểu QH tỉnh Lạng Sơn, được bầu giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH với 405 phiếu đồng ý, chiếm tỷ lệ 81,33% tổng số đại biểu QH; ông Phạm Trí Thức, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của QH, đại biểu QH tỉnh Thanh Hóa, được bầu giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH với 310 phiếu đồng ý, chiếm tỷ lệ 62,25% tổng số đại biểu QH; ông Nguyễn Văn Tuyết, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH, đại biểu QH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, được bầu giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH với 413 phiếu đồng ý, chiếm tỷ lệ 82,94% tổng số đại biểu QH; ông Ðặng Thuần Phong, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH, đại biểu QH tỉnh Bến Tre, được bầu giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH với 408 phiếu đồng ý, chiếm tỷ lệ 81,93% tổng số đại biểu QH; ông Vũ Hải Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Ðối ngoại của QH, đại biểu QH tỉnh Ðồng Nai được bầu giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Ðối ngoại của QH với 358 phiếu đồng ý, chiếm 71,89% tổng số đại biểu QH.

Sau khi công bố kết quả kiểm phiếu, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu ý kiến chúc mừng các đại biểu đã trúng cử vào các chức vụ thuộc các cơ quan của QH, đồng thời mong muốn các vị phấn đấu hoàn thành tốt nhất trọng trách mà QH giao phó.

Tiếp đó, QH nghe Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Bùi Quang Vinh trình bày Tờ trình về dự án Luật Ðầu tư công và nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật nói trên.

Cũng trong phiên làm việc buổi sáng, QH đã biểu quyết thông qua Luật Việc làm với 420 phiếu tán thành, chiếm tỷ lệ 84,34% tổng số đại biểu QH và biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua-Khen thưởng với 425 phiếu tán thành, chiếm tỷ lệ 85,34% tổng số đại biểu QH.

Tăng cường kiểm tra, giám sát trong hoạt động hải quan

Buổi chiều, thảo luận về dự án Luật Hải quan (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, sửa đổi Luật Hải quan là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc hiện nay trong hoạt động hải quan. Một số ý kiến cho rằng, cùng với cải cách thủ tục hải quan, cần có các biện pháp kiểm tra, giám sát hữu hiệu, tránh việc lợi dụng sự thông thoáng trong hoạt động hải quan để buôn lậu, trốn thuế. Ðại biểu Ðỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng, thời gian qua xuất hiện nhiều trường hợp lợi dụng sự đơn giản hóa thủ tục hành chính, trong đó có thủ tục hải quan để trục lợi như khai khống, buôn lậu, hoặc chuyển giá gây thất thu thuế và thiệt hại cho nền kinh tế. Do vậy, cùng với việc cải cách, đơn giản hóa thủ tục, góp phần tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong hoạt động xuất, nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, dự án luật cần quy định cụ thể các biện pháp kiểm tra, giám sát, tránh lợi dụng việc đơn giản hóa thủ tục để trục lợi. Một số đại biểu đề nghị, cùng với cải cách thủ tục hành chính, cần kiện toàn lại lực lượng hải quan, nâng cao trình độ nghiệp vụ của cán bộ hải quan nhằm đáp ứng nhu cầu công việc trong quá trình hiện đại hóa hải quan. Bên cạnh đó, cần có chế tài xử lý nghiêm đối với cán bộ hải quan thực hiện sai quy trình, có biểu hiện tiêu cực trong khi làm nhiệm vụ.

Ðề cập chế độ ưu tiên trong việc làm thủ tục hải quan, các đại biểu Ðào Thị Xuân Lan (Hưng Yên), Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi) cho rằng, dự án luật quy định những doanh nghiệp có uy tín, hằng năm xuất khẩu lượng hàng hóa lớn được ưu tiên trong việc làm thủ tục hải quan là điều cần thiết, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần có biện pháp hậu kiểm chặt chẽ, tránh rủi ro trong việc thực hiện thủ tục hải quan. Về vấn đề hậu kiểm, một số đại biểu đề nghị, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương và phân định rõ trách nhiệm của các ngành, tránh tình trạng chồng chéo trong hoạt động kiểm tra, giám sát, nhưng không có đơn vị nào chịu trách nhiệm khi để xảy ra các vụ việc vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hải quan.

Liên quan tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Ðịnh) cho rằng, hoạt động hải quan liên quan đến nhiều ngành, nhiều văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành khác nhau. Do vậy, Ban soạn thảo cần nghiên cứu để Luật Hải quan (sửa đổi) phù hợp các văn bản pháp luật hiện hành và phù hợp thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

 

(http://www.nhandan.com.vn)