Ngày làm việc thứ 20, Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII: Thảo luận về hai dự án luật

15/11/2013

*Phê chuẩn bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Văn Nên giữ chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

Ngày 14-11, Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội (QH) khóa XIII bước sang ngày làm việc thứ 20. Buổi sáng, QH tiến hành bỏ phiếu phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm nhân sự giữ chức Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; nghe Tờ trình của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng về việc tăng số Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc (HĐDT), Phó Chủ nhiệm một số Ủy ban của QH.

Buổi chiều, QH thảo luận tại tổ về dự án Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Quyết định công tác nhân sự Đầu giờ làm việc buổi sáng, QH nghe Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, thay mặt Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH) báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu QH về phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự giữ chức Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đối với đồng chí Nguyễn Văn Nên. Sau đó, QH tiến hành bỏ phiếu phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Văn Nên giữ chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Kết quả, có 362 phiếu đồng ý, chiếm tỷ lệ 72,69% tổng số đại biểu QH.

Tiếp đó, QH nghe Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Văn phòng QH, Trưởng Đoàn Thư ký kỳ họp Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm nhân sự giữ chức Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. QH tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đối với đồng chí Nguyễn Văn Nên, với 428 phiếu đồng ý, chiếm tỷ lệ 85,94% tổng số đại biểu QH.

Cũng trong phiên làm việc buổi sáng, QH nghe Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, thay mặt UBTVQH đọc Tờ trình về việc tăng số Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ nhiệm một số Ủy ban của QH (trong đó có báo cáo QH về việc bầu bổ sung Ủy viên UBTVQH, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật).

Hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân Buổi chiều, các đại biểu QH làm việc ở tổ, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và dự án Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi).

Về quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế (khoản 1, Điều 1), tại các đoàn đại biểu QH các tỉnh Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, có đại biểu đề nghị giữ như quy định hiện hành về việc mọi đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT, nhưng phải bổ sung cơ chế tham gia BHYT phải theo hộ gia đình, để tránh tình trạng chỉ người ốm mới tham gia BHYT. Tuy nhiên, có ý kiến đồng ý như dự thảo Luật do Chính phủ trình. Theo đó, mọi người bắt buộc phải tham gia BHYT, bởi vì loại hình bảo hiểm này do Nhà nước tổ chức thực hiện, được Nhà nước bảo hộ, với mức mệnh giá không cao, nhằm bảo đảm cho mọi người dân được hưởng thụ các dịch vụ y tế cơ bản, mang lại lợi ích cho người dân. Để thúc đẩy người dân tham gia BHYT bắt buộc, Nhà nước sử dụng cơ chế hỗ trợ ngân sách trực tiếp cho một bộ phận người dân tham gia BHYT.

Đối với thanh toán khám, chữa bệnh BHYT trái tuyến, vượt tuyến (khoản 12, Điều 1, sửa đổi Điều 22), một số đại biểu cho rằng, vượt tuyến, trái tuyến là nguyên nhân chính gây quá tải ở bệnh viện tuyến trên, hiện đang là vấn đề bức xúc của dư luận xã hội. Tuy nhiên, giải quyết vấn đề này đòi hỏi những giải pháp căn cơ, bài bản và cần có thời gian để vừa bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT, vừa hạn chế quá tải ở các bệnh viện. Có đại biểu tán thành với dự thảo do Chính phủ trình, quỹ BHYT sẽ chi trả cho trường hợp khám chữa bệnh BHYT trái tuyến, vượt tuyến với các ca bệnh điều trị nội trú, còn với người đi khám ngoại trú thì quỹ BHYT chỉ chi trả một số bệnh, mức chi cụ thể giao cho Chính phủ quy định. Bên cạnh đó, cũng có đại biểu đề nghị quy định chặt chẽ hơn theo hướng quỹ BHYT chỉ chi trả khám, chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến với điều trị nội trú, không chi trả với khám ngoại trú, giao Chính phủ quy định mức chi cụ thể.

Không thừa nhận quan hệ hôn nhân đồng giới Về Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi), Luật quy định điều kiện tuổi kết hôn là nam, nữ phải "đủ mười tám tuổi trở lên". Về vấn đề này, nhiều đại biểu tán thành quy định như trên vì cho rằng, đây là tuổi đã trưởng thành, bảo đảm về thể chất, trí tuệ và tâm, sinh lý đối với cả nam và nữ. Quy định này cũng bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của Luật Hôn nhân và Gia đình trong hệ thống pháp luật, bảo đảm quyền công dân không phân biệt nam, nữ, đủ 18 tuổi là tuổi đã thành niên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới và tương thích với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Về quy định giải quyết hậu quả của việc chung sống giữa những người cùng giới tính (Điều 16) là vấn đề được dư luận xã hội quan tâm.

Dự thảo Luật bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính, đồng thời, khẳng định, Nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa họ và bổ sung quy định giải quyết hậu quả của việc chung sống giữa những người cùng giới tính về quan hệ tài sản, xác định cha, mẹ, con và quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ và con... Một số đại biểu đồng ý với quy định như dự thảo Luật, vì hiện nay, quan niệm và nhận thức của xã hội về vấn đề trên đã thay đổi so với thời điểm thông qua Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000. Ở góc độ quyền con người, việc bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính thể hiện tính nhân văn, góp phần giảm sự kỳ thị đối với nhóm người này và là cơ sở pháp lý giải quyết hậu quả trên thực tế đối với tình trạng chung sống của một bộ phận người cùng giới tính. Tuy nhiên, có đại biểu đề nghị giữ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính như hiện hành vì cho rằng, kết hôn là xác lập quan hệ vợ chồng giữa nam và nữ, việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính là không phù hợp với đạo đức xã hội, thuần phong mĩ tục, truyền thống gia đình Việt Nam cũng như không bảo đảm chức năng của gia đình về duy trì nòi giống.

Bên cạnh đó, có đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo cần đánh giá đầy đủ việc thực hiện quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính trong luật hiện hành, nghiên cứu thực tế cũng như kinh nghiệm của các nước trong khu vực, các nước có các điểm tương đồng về truyền thống văn hóa với Việt Nam, đồng thời, đánh giá tác động về mặt xã hội, văn hóa, tâm lý... đối với việc sửa đổi quy định này phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Bốn bộ trưởng, trưởng ngành sẽ trả lời chất vấn

Trao đổi với phóng viên sáng 14-11, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại kỳ họp này có bốn vị bộ trưởng, trưởng ngành tham gia trả lời chất vấn, gồm: Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát; Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình; Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son và Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình. Sau đó, theo thông lệ các kỳ họp QH vào dịp cuối năm, Thủ tướng Chính phủ sẽ báo cáo làm rõ thêm các nội dung đại biểu QH quan tâm và sẽ trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu QH. Dự kiến, trước khi tiến hành chất vấn, QH sẽ dành một buổi để một đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ báo cáo trước QH kết quả việc thực hiện Nghị quyết của QH về vấn đề chất vấn tại các kỳ họp thứ ba, thứ tư và thứ năm, QH khóa XIII. Sau đó, các đại biểu sẽ thảo luận tại hội trường. Đây là nội dung mới trong hoạt động chất vấn của QH

(http://www.nhandan.com.vn/)