Khắc phục hạn chế của Luật Công chứng hiện hành

14/11/2013

Chiều 12/11, tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa; thảo luận tại hội trường về dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phát triển giao thông đường thủy

Thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày cho thấy sau 7 năm thực thi, Luật giao thông đường thủy nội địa đã góp phần tích cực trong việc thúc đẩy hoạt động giao thông đường thủy nội địa ở Việt Nam.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Luật đã bộc lộ một số hạn chế liên quan đến các lĩnh vực phát triển và quản lý kết cấu hạ tầng, các phương tiện tham gia giao thông đường thủy, việc bảo đảm an toàn và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động giao thông đường thủy nội địa...

Việc sửa đổi, bổ sung Luật lần này là cần thiết nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc đầu tư, tổ chức quản lý, khai thác và phát triển giao thông đường thủy theo hướng ngày càng hiện đại, đáp ứng các điều kiện mới của quá trình phát triển kinh tế- xã hội nói chung, xây dựng kết cấu hạ tầng và bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nói riêng.

Dự án Luật đã sửa đổi, bổ sung 33 điều trong tổng số 103 điều của Luật giao thông đường thủy nội địa 2004. Phạm vi sửa đổi, bổ sung tập trung vào những bất cập nhất của Luật hiện hành.

Dự án Luật được xây dựng trên cơ sở đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm thực tiễn thi hành Luật giao thông đường thủy nội địa năm 2004 và những yêu cầu đặt ra trong quản lý hoạt động giao thông đường thủy nội địa, khắc phục được những hạn chế, tồn tại của Luật hiện hành, bổ sung, cập nhật các quy định mới đáp ứng yêu cầu phát triển. Nội dung Dự án Luật về cơ bản bảo đảm tính khả thi.

Khắc phục hạn chế, bất cập của Luật Công chứng hiện hành

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Công chứng (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội nhất trí cao với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật công chứng nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật công chứng hiện hành; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động công chứng; đồng thời bảo đảm tính thống nhất với các luật khác như: Luật đất đai, Bộ luật dân sự, Luật nhà ở... Tuy nhiên, một số nội dung cụ thể của Luật công chứng (sửa đổi) còn nhiều ý kiến khác nhau.

Góp ý vào Chương II về đội ngũ công chứng viên, các đại biểu nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật nhằm nâng cao chất lượng và bảo đảm sự phát triển bền vững của đội ngũ công chứng viên như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Minh Lâm (Long An) băn khoăn về cơ sở để sửa đổi, bổ sung quy định kéo dài thời gian đào tạo nghề công chứng từ 6 tháng lên 12 tháng và quy định công chứng viên được hành nghề đến khi đủ 65 tuổi vì điều này không thống nhất với quy định của Luật viên chức, Bộ luật Lao động.

Về lời chứng của công chứng viên, đại biểu Nguyễn Xuân Thủy (Phú Thọ) cho rằng, quy định như dự án luật là không đảm bảo tính khả thi, bởi trình độ ngoại ngữ của công chứng viên hiện nay còn nhiều hạn chế. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo xem xét, cân nhắc kỹ nếu quy định: Lời chứng của công chứng viên đối với bản dịch giấy tờ phải ghi rõ thời gian, địa điểm công chứng, họ, tên công chứng viên, tên tổ chức hành nghề công chứng; chứng nhận người dịch được phép hành nghề dịch thuật, chữ ký trong bản dịch đúng là chữ ký của người dịch, giấy tờ được dịch là hợp pháp; có chữ ký của công chứng viên và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng... cần làm rõ trách nhiệm của người dịch với văn bản dịch theo hợp đồng ký kết với tổ chức công chứng.

Đề cập đến quy định về tổ chức, xã hội nghề nghiệp của công chứng viên, đa số các đại biểu tán thành với chủ trương khuyến khích thành lập các tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên để tập hợp, đoàn kết hội viên, phát huy vai trò tự quản của các tổ chức này, đồng thời hỗ trợ cơ quan nhà nước trong việc quản lý hành nghề công chứng.

Tuy nhiên các đại biểu: Nguyễn Xuân Thủy (Phú Thọ), Đinh Thị Mai Lan (Cao Bằng), Tô Văn Tám (Kon Tum), Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) đều cho rằng, việc thành lập các tổ chức này trước hết phải dựa trên nhu cầu tự nguyện, tự quản của công dân, tổ chức và nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên; đồng thời phải phù hợp với quy định chung về trình tự, thủ tục cũng như nguyên tắc quản lý đối với các tổ chức, hội nghề nghiệp nói chung.

Xung quanh quy định về người được miễn đào tạo nghề công chứng, các đại biểu cho rằng quy định như trong dự án luật là thiếu nhất quán, không phù hợp với thực tế.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) và một số đại biểu khác nêu ra một thực tế tỷ lệ công chứng viên có vi phạm phần lớn rơi vào nhóm được miễn đào tạo nghề công chứng. Do đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo tổng kết, rà soát kỹ lưỡng nhằm thu gọn phạm vi các đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng, bảo đảm những người được miễn đào tạo phải có đủ kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cần thiết cho việc hành nghề công chứng viên.

Liên quan đến quy định giải thể, chuyển đổi Phòng công chứng, các đại biểu đều không đồng tình với quy định tại Khoản 1 Điều 41 dự án luật. Đại biểu Đinh Thị Mai Lan (Cao Bằng) nhìn nhận quy định như vậy là không hợp lý, bởi lẽ, hiện nay trình độ phát triển của các vùng miền trên cả nước chưa đồng đều, nhận thức và nhu cầu về hoạt động công chứng trong dân cư có sự khác biệt.

Các địa bàn nông thôn xa trung tâm, vùng núi, hải đảo khó có điều kiện phát triển thêm các Văn phòng công chứng tư nhân. Đại biểu đề nghị cần thiết phải duy trì các Phòng công chứng nhà nước ở các địa bàn này.

Các đại biểu cũng đã thảo luận, cho ý kiến về các nội dung: phạm vi điều chỉnh của dự án Luật; giá trị pháp lý của văn bản công chứng; chuyển nhượng văn phòng công chứng, Phòng công chứng; sửa đổi, bổ sung quy định công chứng của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.../

Khiếu Tư (TTXVN)

(http://www.vietnamplus.vn/)