Buổi sáng, các đại biểu tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2014; sơ kết ba năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 - 2015; phương án phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016. Buổi chiều, các đại biểu thảo luận ở tổ về tình hình triển khai thi hành (trong đó có việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành) các luật, nghị quyết đã được QH khóa XIII thông qua.
Tránh đầu tư dàn trải
Thảo luận sơ kết ba năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2014 - 2016, các đại biểu QH nêu rõ sự cần thiết tiếp tục triển khai chương trình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Tuy nhiên, qua phân tích những hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình, đại biểu Danh Út (Kiên Giang), đại biểu Hà Sơn Nhin (Gia Lai) và đại biểu Nguyễn Văn Học (Lâm Ðồng) kiến nghị thu gọn mục tiêu của chương trình, giảm chi sự nghiệp, bảo đảm nguyên tắc phân bổ kinh phí tập trung, có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, tập trung hoàn thành các dự án, công trình xây dựng cơ bản dở dang trong năm 2014 - 2015, các chương trình đã cam kết với các nhà tài trợ quốc tế, các chương trình có quy mô vùng, miền do Trung ương quản lý... Ðể tránh dàn trải nguồn vốn, nhiều đại biểu đề nghị nên ưu tiên tập trung bố trí vốn cho các lĩnh vực trọng tâm như: xóa đói, giảm nghèo; lao động, việc làm, xây dựng nông thôn mới và một số chương trình có cam kết quốc tế (nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, ứng phó với biến đổi khí hậu). Ðối với Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, nhiều đại biểu nhất trí đề nghị của Chính phủ, cho phép phát hành bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 để tăng cường nguồn lực thực hiện.
Về dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, nhiều đại biểu băn khoăn với mức thâm hụt ngân sách và bội chi hiện nay, do đó đề nghị Chính phủ rà soát và dự báo sát hơn dự toán thu ngân sách Nhà nước trên cơ sở tính toán, xác định rõ các khoản thu từ nội địa, dầu thô, xuất, nhập khẩu... Như vậy, trong giai đoạn khó khăn khi tốc độ tăng thu giảm, bội chi cao hơn kế hoạch, dư nợ công tăng nhanh, nhiều khoản nợ của ngân sách nhà nước chưa được xử lý, các đại biểu kiến nghị cần triệt để tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu, tập trung vào ba nhóm nội dung là chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên và chi Chương trình mục tiêu quốc gia. Trên cơ sở đó, các đại biểu tán thành phương án phân bổ chi thường xuyên của Chính phủ, nhưng đề nghị lưu ý tăng chi cho y tế, tăng mức hỗ trợ trong nông nghiệp. Chú trọng bố trí vốn đầu tư cho lĩnh vực giao thông; bởi vì, bên cạnh xây dựng mới các công trình, dự án giao thông, thủy lợi; công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa là vấn đề cấp bách, đòi hỏi có sự đầu tư phù hợp để kéo dài tuổi thọ công trình, tiết kiệm kinh phí từ ngân sách Nhà nước khi phải đầu tư lại. Liên quan nội dung này, nhiều đại biểu tán thành phương án phát hành bổ sung và sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 để ưu tiên đầu tư cho các dự án thuộc công trình mở rộng Quốc lộ 1A và thi công Quốc lộ 14, nhưng đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát lại tổng mức đầu tư của từng dự án cụ thể, điều chỉnh thiết kế, dự toán, cắt giảm phần dự phòng không hợp lý ở nhiều dự án; bảo đảm tiến độ, chất lượng của dự án, không để phát sinh làm tăng tổng mức đầu tư.
Khắc phục tình trạng luật "khung", luật "ống"
Buổi chiều, các đại biểu thảo luận ở tổ về tình hình triển khai thi hành (trong đó có việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành) các luật, nghị quyết đã được QH khóa XIII thông qua.
Nhiều ý kiến phát biểu ghi nhận những nỗ lực của QH trong việc ban hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết, nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ công tác quản lý Nhà nước, đồng thời ghi nhận cố gắng của Chính phủ và các cơ quan liên quan trong việc xây dựng và ban hành các văn bản chi tiết hướng dẫn thi hành để các luật, pháp lệnh, nghị quyết của QH nhanh chóng đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng nêu những hạn chế, yếu kém, như việc chậm ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn và đưa ra một số giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Ðại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) cho rằng, từ đầu nhiệm kỳ QH khóa XIII đến nay, việc triển khai thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết của QH có bước tiến bộ hơn so với những năm trước. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành kịp thời và nhanh chóng đi vào cuộc sống, được cử tri và nhân dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng ban hành luật "khung", luật "ống" và nhiều nội dung quan trọng vẫn chưa quy định trực tiếp trong luật mà giao cho Chính phủ quy định hướng dẫn chi tiết dẫn đến nhiều luật, pháp lệnh phải chờ nghị định mới có thể thi hành. Trong khi đó, việc ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn vẫn chậm được ban hành gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Theo thống kê, từ đầu nhiệm kỳ QH khóa XIII đến nay, QH, Ủy ban Thường vụ QH đã ban hành 46 luật, pháp lệnh, nghị quyết, nhưng việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện mới đạt 50% tổng số văn bản phải ban hành. Ðến nay, còn tới 142 văn bản hướng dẫn thi hành mà Chính phủ và các bộ, ngành liên quan chưa ban hành hoặc ban hành chậm so với quy định, gây ảnh hưởng đến công tác điều hành. Các đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Ðà Nẵng), Ðào Thị Xuân Lan (Hưng Yên) đề nghị, trong thời gian tới, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, trong khi xây dựng luật cần quy định cụ thể, chi tiết các điều khoản ngay trong luật, tránh tình trạng những vấn đề khó, phức tạp lại giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành như thời gian qua.
Một số đại biểu cho rằng, nguyên nhân của việc nhiều luật, pháp lệnh khó đi vào cuộc sống một phần do chất lượng các văn bản này còn hạn chế. Ðại biểu Lê Văn Hoàng (Ðà Nẵng) nêu, mặc dù chúng ta còn thiếu nhiều luật, nhưng không nên vì thế mà cố gắng đẩy nhanh tiến độ xây dựng và ban hành, dẫn đến không bảo đảm chất lượng. QH cần xem xét lại quy trình xây dựng và ban hành luật theo hướng nâng cao chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi khi thi hành. Bên cạnh đó, cần có chế tài xử lý các đơn vị để xảy ra tình trạng chậm ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn, trong đó quy trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu các đơn vị để xử lý.
Ðại biểu QH Phạm Quang Khải (Bà Rịa - Vũng Tàu): Ðầu tư dàn trải gây hậu quả xấu
Việc đầu tư dàn trải đã để lại những hệ quả xấu khiến chúng ta phải giải quyết làm tăng mức bội chi ngân sách, tăng nợ công... Ðây là mối lo ngại của đất nước về quy hoạch và phát triển. Hiện nay, chúng ta đã có quy hoạch vùng, vùng trọng điểm nhưng thiếu và chưa rõ nguồn lực thực hiện, thiếu tính đột phá, chưa cân đối được ngân sách trung hạn, dài hạn, vì vậy nhiều nơi thực hiện đầu tư dàn trải, lãng phí nguồn lực, nhiều dự án thiếu vốn kéo dài nên chậm phát huy hiệu quả.
Ðại biểu QH Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình): Trích nguồn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ các tỉnh bị bão lũ
Chính phủ cần trích từ nguồn trái phiếu Chính phủ sẽ thông qua tại kỳ họp này, một gói hỗ trợ đầu tư nâng cấp, tu sửa các công trình đê, kè, hồ chứa, các dự án chống xói lở bờ sông, bờ biển khẩn cấp, cứu hộ, cứu nạn. Tu sửa, xây dựng các trường học, trạm xá đã bị hư hỏng nặng do bão lụt nhằm giúp các tỉnh miền trung từng bước phục hồi nền kinh tế. Bên cạnh đó, chương trình xây dựng nông thôn mới được bố trí từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ không được đề cập đầu tư đối với địa bàn các tỉnh miền trung bị bão, lụt mà chỉ đề cập đến một số vùng miền khác.
Ðại biểu QH Nông Thị Bích Liên (Hà Giang): Sử dụng hiệu quả nguồn trái phiếu Chính phủ
Trong tổng số 170 nghìn tỷ đồng trái phiếu của Chính phủ phát hành bổ sung giai đoạn 2014 - 2016, Chính phủ đề xuất 102.319 tỷ đồng để đầu tư quốc lộ 1A và quốc lộ 14. Trong dự án quốc lộ 1A, có 40 đoạn tiểu dự án nhỏ, trong đó có 23 đoạn tiểu dự án đầu tư bằng trái phiếu Chính phủ, ước dự toán khoảng 50.702 tỷ đồng. Tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ rà soát lại các tiểu dự án nhỏ và cắt bỏ các hạng mục không cần thiết, giảm bớt chi phí dự phòng gần 50% giá trị xây lắp để chuyển sang đầu tư cho y tế, giáo dục. Tập trung ưu tiên có trọng điểm đối với các bệnh viện còn đang dở dang, xóa bỏ các phòng học tạm bợ tranh, tre, vách nứa và đường ô-tô đến trung tâm các xã biên giới chưa láng nhựa hoặc bê-tông.