Các “tư lệnh” ngành làm rõ băn khoăn của ĐB Quốc hội

02/11/2013

Sáng 1/11, Quốc hội làm việc tại hội trường, tiếp tục thảo luận về kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2013, kế hoạch năm 2014 và 5 năm (2011-2015).

Các vấn đề về an sinh xã hội, việc điều hành các gói tín dụng, nợ xấu và mua bán nợ, hệ lụy của việc quy hoạch thủy điện tràn lan... tiếp tục là mối quan tâm của nhiều đại biểu.

Trong buổi thảo luận cuối cùng về phát triển kinh tế-xã hội này, Quốc hội đã dành nhiều thời gian để các “tư lệnh” ngành giải trình thêm những vấn đề mà các đại biểu Quốc hội còn băn khoăn.

Dành quyền chủ động cho địa phương trong giảm nghèo

Đánh giá cao các chính sách giảm nghèo của Chính phủ, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 58,1% năm 1993 xuống còn 9,6% vào năm 2012, trong kết quả chung đó có kết quả giảm nghèo ở đồng bào dân tộc miền núi, ở nhóm dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao, nhất là với nhóm đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và Tây Nguyên.

Đại biểu Lò Văn Muôn (Điện Biên), Y Mửi (Kon Tum) cho rằng tỷ lệ đói nghèo lớn, tái nghèo lớn đã, đang và sẽ làm cho quá trình giảm nghèo nhóm dân cư dân tộc thiểu số ngày càng dai dẳng, khó khăn. Đây là thách thức lớn đối với công cuộc xóa đói giảm nghèo ở nước ta và với các địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Để các dân tộc thiểu số phát triển cùng cả nước, các thế lực thù địch, các phần tử xấu không thể lợi dụng tình hình đói nghèo và sự chênh lệch mức sống, thu nhập để mua chuộc lôi kéo đồng bào tham gia các hoạt động sai trái vi phạm pháp luật như xảy ra ở một số nơi vừa qua, các ý kiến cho rằng việc đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách thu nhập, mức sống giữa các vùng miền, giữa các nhóm dân cư là đòi hỏi bức thiết hiện nay.

Đại biểu Lò Văn Muôn đề nghị Chính phủ quan tâm rà soát tổng thể các chính sách xóa đói giảm nghèo đã ban hành, đánh giá xem các chính sách đó đã đủ để giải tỏa, khắc phục nguyên nhân, thúc đẩy giảm nghèo, đặc biệt đối với nhóm dân tộc thiểu số chưa.

Trên cơ sở tổng thể các chính sách đó, tính toán chi phí cần thiết hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo theo kế hoạch hàng năm, trung hạn, từ đó Chính phủ cấp cho các địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số một khoản tiền tổng thể để thực hiện chính sách chứ không giao theo từng chính sách một, địa phương sẽ chủ động quyết định lựa chọn nhóm chính sách và thời gian thực hiện theo yêu cầu thực tế. Đại biểu đề nghị cần kiên trì và đẩy mạnh hơn nữa phát triển giáo dục vùng dân tộc miền núi, vì đây là một giải pháp giảm nghèo bền vững.

Chung quan điểm này, đại biểu Y Mửi cho rằng để thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số, cần tập trung nguồn lực và đầu mối trong quá trình triển khai, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương quản lý, thực hiện. Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành sớm thực hiện việc đo đạc các mốc rừng, qua đó rà soát diện tích những nông, lâm trường làm ăn không hiệu quả để giao lại cho người dân quản lý, đó cũng là giải pháp quan trọng góp phần giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Cần xây dựng niềm tin đối với tăng trưởng kinh tế

Trước những băn khoăn của đại biểu về số liệu thống kê và cách tính GDP có phần “tô hồng,” Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định đó là những con số hoàn toàn có căn cứ, cơ bản chính xác và có thể chứng minh được.

Phân tích tình hình tăng trưởng GDP qua các quý và tình hình kinh tế-xã hội những tháng qua, Bộ trưởng cho biết quý 1, GDP tăng 4,76%; quý II, tăng 5%; quý 2 tăng 5,54%, quý 4 dự báo tăng 5,6%-5,7%. Như vậy, cả năm tăng trưởng GDP đạt mức 5,3%-5,4%, so với mức tăng của năm 2012 là 5,25% thì không có vấn đề gì đặc biệt.

Kinh tế Việt Nam đang có những chuyển biến, ngành công nghiệp chế biến thủy sản 9 tháng năm 2013 đã tăng thêm 6,8% so với năm trước, các ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại đều có mức tăng, đây là những con số đo đếm được. Xuất nhập khẩu năm 2012 khu vực FDI tăng nhưng khu vực sản xuất trong nước giảm, năm nay song song với tăng khu vực nước ngoài, xuất khẩu trong nước đã tăng 4,4%. Những con số đó chứng minh được rằng sản xuất đang phục hồi, trong các lĩnh vực đều có chuyển biến tốt, mặc dù chưa nhiều, chưa căn bản, chưa thật sự bền vững.

Bộ trưởng cho rằng trong điều kiện hiện nay niềm tin là quan trọng, cần xây dựng niềm tin để vươn tới, chúng ta không bôi hồng nhưng cũng đừng tô đen.

Đây là thời điểm quan trọng của đất nước, đánh giá kết quả giữa nhiệm kỳ của Đại hội Đảng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất muốn lắng nghe để hoàn chỉnh báo cáo trình Quốc hội, Chính phủ, mong muốn các đại biểu Quốc hội phân tích kỹ tình hình 2013, những đề xuất cho các năm 2014, 2015 và đặc biệt chuẩn bị cho nhiệm kỳ 2016- 2020, bàn bạc các giải pháp trong hai năm tới, chuẩn bị những gì cho trung hạn, dài hạn cho đất nước, nếu không đổi mới, chắc chắn đất nước sẽ khó khăn - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

Tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 11,2%

Giải đáp những lo ngại của đại biểu về tăng trưởng tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, 10 tháng năm 2012 tăng trưởng tín dụng cả hệ thống ngân hàng ở mức gần 3%, nhưng cả năm 2012 mức tăng trưởng đã là 8,9%. 10 tháng năm nay, tăng trưởng tín dụng đã đạt 6,8%, nếu tính cả dư nợ tín dụng đã được xử lý, thực tế tăng trưởng tín dụng mới của nền kinh tế 10 tháng đã tăng lên mức 7,89%.

Hàng tuần, Ngân hàng Nhà nước đều giao ban với các ngân hàng thương mại và giám đốc ngân hàng nhà nước ở các tỉnh để nắm bắt kế hoạch tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng, trên cơ sở các kết quả đạt được năm qua và đặc biệt là năm 2013, cũng như tăng trưởng 2 tháng còn lại, hoàn toàn có cơ sở khẳng định mục tiêu tăng trưởng tín dụng chung của năm nay là 11,2%. Hiện nay, đã có một số vốn tương ứng dự trữ để sẵn sàng cho tăng trưởng tín dụng nên sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch cung tiền của Ngân hàng nhà nước.

Về tăng trưởng tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn, Thống đốc cho biết năm 2013, tăng trưởng tín dụng toàn ngành còn ở mức khiêm tốn nhưng tăng trưởng tín dụng cho nông nghiệp đã tăng thêm 15% và theo kế hoạch có thể đạt từ 15%-18%. Điều đặc biệt là nợ xấu trong nông nghiệp, nông thôn ở mức thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung hệ thống.

Báo cáo của các tổ chức tín dụng cho thấy, hiện nay, nợ xấu của toàn hệ thống là 4,64% nhưng nợ xấu trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ là 3%. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với chính quyền địa phương các cấp tiến hành sơ kết lại Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn nhằm đánh giá tồn tại của Nghị định này cũng như hướng sửa đổi trong thời gian tới để phù hợp chủ trương của Đảng, Nhà nước trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt phù hợp với thực tế hiện nay trong hoạt động nông nghiệp cũng như phù hợp với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Nợ xấu của ngân hàng và nợ xấu của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) - một trong những vấn đề được đại biểu hết sức quan tâm trong 1 ngày rưỡi thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giải đáp kỹ càng. Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, đến nay tổng số nợ các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại cho các khoản vay lên tới trên 300 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 10% tổng số nợ.

Trong số này, có tới 60% các khoản nợ nếu không được cơ cấu lại đã thành nợ xấu. Năm 2012, hệ thống ngân hàng đã trích lập, xử lý nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro khoảng 70 nghìn tỷ đồng. Trong 9 tháng 2013 đã trích lập và xử lý nợ xấu thêm 32 nghìn tỷ đồng, theo kế hoạch năm sẽ trích lập xử lý nợ xấu thêm 70 nghìn tỷ đồng. Từ khi bắt tay chính thức vào mua nợ xấu, VAMC đã mua được 10 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Cộng với các con số đã thực hiện, có thể thấy nếu không triển khai ngay các giải pháp này, nợ xấu trong các tổ chức tín dụng đã tăng thêm trên 10%.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, để xử lý được nợ xấu phải có nhiều giải pháp đồng bộ hơn nữa - như các đại biểu đã nêu, nếu giải quyết được nợ đọng trong lĩnh vực xây dựng cơ bản sẽ giải quyết được rất nhiều khoản nợ xấu. Vấn đề lớn nhất là phải có các giải pháp tổng thể để tăng tổng cầu của nền kinh tế để nền kinh tế có triển vọng tốt hơn, góp phần giải quyết một cách căn bản nợ xấu. Thời gian tới, ngoài các giải pháp đã triển khai, Ngân hàng Nhà nước tích cực phối hợp với các bộ, ngành, có giải pháp tháo gỡ, liên kết “4 nhà” để đảm bảo việc mua bán hàng hóa được thông thoáng hơn, giảm tồn kho.

Báo cáo thêm về VAMC, Thống đốc cho biết trên cơ sở Nghị định 53/2013/NĐ-CP của Chính phủ và các hướng dẫn, việc mua bán nợ của Công ty không sử dụng tiền của ngân sách. Bán nợ, các doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi hơn, các khoản nợ được VAMC mua lại đều không tính thành nợ xấu, do vậy, doanh nghiệp có điều kiện để tiếp cận với các nguồn vốn mới của các tổ chức tín dụng. Các khoản nợ sau khi được VAMC mua lại sẽ tiến hành cơ cấu lại lãi suất, đưa lãi suất cao trước đây về mặt bằng lãi suất hiện nay, cơ cấu về tính chất nguồn vốn, thời hạn cho vay đảm bảo khả năng quy định. Về phía các tổ chức tín dụng cũng có nhiều thuận lợi, được bảo đảm các quyền lợi hợp pháp.

Tạo động lực phát triển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Trong buổi thảo luận, nhiều đại biểu tiếp tục thể hiện sự quan tâm đối với dự án "Luồng cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu" và mong muốn Chính phủ sớm triển khai. Làm rõ hơn về dự án này, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho biết Dự án được đưa vào danh mục các dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải và được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt năm 2007, đưa vào triển khai từ năm 2008, sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ.

Dự án là tuyến thủy giao thông huyết mạch phục vụ ổn định và phát triển kinh tế- xã hội toàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Để tiết kiệm chi phí đầu tư, Bộ đã thống nhất với Tập đoàn Điện lực Việt Nam kết hợp dự án này với dự án trung tâm điện lực duyên hải. Hiện phía Bắc đã được triển khai, nếu không triển khai phía Nam và tuyến luồng vào cảng, cảng của trung tâm điện lực duyên hải không hoạt động được. Do vậy, việc tiếp tục triển khai dự án Luồng sông Hậu là cấp bách và cần thiết.

Về cơ sở khoa học và tính ổn định của dự án, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết Dự án có tính khả thi cao, đáp ứng được các yêu cầu về môi trường sinh thái, biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn. Vấn đề ổn định cửa ra, cửa vào của dự án được các nhà tư vấn đặt ra và tiến hành nghiên cứu, đánh giá, phân tích kỹ.

Theo kết quả nghiên cứu tư vấn, vị trí lựa chọn cửa ra là nơi có tính ổn định, cùng với mô hình đê chắn sóng sau khi hoàn thành sẽ đảm bảo yêu cầu ổn định tổng thể khu vực. Dự án cũng đã được đánh giá đầy đủ về tác động môi trường, tác động xâm nhập mặn, ảnh hưởng biến đổi khí hậu theo quy định hiện hành, đảm bảo sự phát triển bền vững của dự án.

Mong muốn nhận được sự chia sẻ, ủng hộ của các đại biểu Quốc hội về dự án quan trọng này, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: Dự án "Luồng cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu" hoàn thành và đi vào sử dụng có ý nghĩa quan trọng trong việc ổn định, phát triển kinh tế- xã hội chung của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; tạo động lực thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế; giảm chi phí vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ từ Đồng bằng sông Cửu Long lên các cảng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh; tăng sức cạnh tranh hàng hóa; nâng cao hiệu quả khai thác kết cấu hạ tầng đường biển trong khu vực./.

 

(http://www.vietnamplus.vn/)