Phiên họp quan trọng này được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.
Tiếp tục thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát
Qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với nhận định trong Báo cáo của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Trong điều kiện kinh tế thế giới và trong nước còn khó khăn nhưng với sự định hướng, chủ trương kịp thời của Đảng và nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế-xã hội đã có chuyển biến tích cực, đúng hướng và cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát năm 2013 là “tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012” và “bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.”
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn và phải tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và quốc phòng an ninh, đạt được kết quả nêu trên là cố gắng lớn của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.
Bên cạnh việc nhấn mạnh các kết quả đã được, nhiều đại biểu Quốc hội đã đi sâu phân tích về những mặt còn hạn chế, yếu kém. Đó là kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát nhưng chưa vững chắc. Sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn. Nợ xấu còn cao; số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn lớn; tăng trưởng GDP chưa đạt kế hoạch (5,4% so với kế hoạch 5,5%). Tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm so với yêu cầu. Triển khai thực hiện 3 đột phá chiến lược còn chậm. Cải cách thể chế chưa đồng bộ, chưa có cơ chế chính sách đột phá thúc đẩy phát triển.
Nhiều ý kiến cũng đánh giá lĩnh vực văn hóa, xã hội còn nhiều hạn chế, yếu kém. Giải quyết việc làm chưa đạt kế hoạch. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Khoảng cách giàu-nghèo còn lớn. Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân nhiều mặt còn hạn chế, một số vụ việc gây bức xúc trong xã hội. Việc khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện còn chậm...
Các ý kiến cơ bản tán thành với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế xã hội năm 2014-2015, trong đó tiếp tục thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; phục hồi tăng trưởng và nâng cao chất lượng hiệu quả sức cạnh tranh; đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân...
Làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội
Đại biểu Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá thành công nổi bật nhất của năm 2013 là kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi, kiểm soát được lạm phát... Tuy nhiên, đại biểu cũng nêu sự lo lắng vì nền kinh tế có phục hồi tuy chậm và kinh tế vĩ mô ổn định hơn nhưng niềm tin thị trường chưa phục hồi. Thể hiện cụ thể là nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà vay vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh, tâm lý làm ăn cầm chừng, trông ngóng; thâm hụt ngân sách và nợ phải trả bị dồn toa do nhiều năm gần đây vay trung hạn…
Thể hiện sự tán thành cao với phương hướng, nhiệm vụ Chính phủ đề ra trong năm 2014, đặc biệt là hai chỉ số quan trọng: tăng trưởng GDP khoảng 6% và lạm phát mục tiêu là khoảng 7%, đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh sự đồng tình với việc chuyển từ kiềm chế lạm phát sang kiểm soát lạm phát mục tiêu.
Thống nhất với quan điểm không nóng vội thúc đẩy tăng trưởng để gây lại lạm phát không cần thiết, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng cần thực hiện hai nhóm vấn đề về chính sách tiền tệ cố gắng xử lý chính sách linh hoạt, mức tăng tín dụng ở khoảng 14%, 18% trong năm 2014, 2015 và tiếp tục nâng lĩnh vực ưu tiên như ngân hàng đã làm.
Đại biểu kiến nghị tạo điều kiện để doanh nghiệp vướng nợ nhưng có điều kiện làm ăn trả nợ được vay vốn để tiếp tục sản xuất. Về chính sách tài khóa, trên cơ sở tán thành với các chính sách đang được áp dụng, đại biểu nhấn mạnh tới việc sử dụng nguồn vốn hiệu quả…
Trên cơ sở thống nhất với mục tiêu và giải pháp năm 2014-2015, đại biểu Phạm Quang Khải (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng Chính phủ và Quốc hội cần có những giải pháp mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo điều hành. Tán thành mức bội chi ngân sách 2013 là 5,3%, tuy nhiên đại biểu nhấn mạnh tới việc tìm ra các giải pháp khắc phục bội chi trong những năm tiếp theo.
Theo đại biểu, việc đầu tư cho các công trình trọng điểm cần trình Quốc hội và quá trình triển khai phải có sự giám sát của Thường vụ Quốc hội để đầu tư thực sự đúng mục đích và chống đầu tư dàn trải.
Để đánh giá đúng thực trạng hiện nay, theo đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai), Chính phủ cần quan tâm bổ sung làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn vừa qua.
Đại biểu cho rằng để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực hiện mục tiêu giải pháp thời gian tới cần nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác lập và thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch. Chính phủ phải chỉ đạo quyết liệt, nhất quán, có lộ trình rõ ràng, hợp lý, khả thi trong tổ chức lập, quản lý theo quy hoạch 3 vùng kinh tế trọng điểm phục vụ yêu cầu tái cơ cấu ngành đến từng địa phương; coi trọng quy hoạch kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế gắn với quy hoạch ngành trong từng địa phương và từng địa phương trong mối liên kết vùng.
Quan tâm đầu tư nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Đại biểu Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình) cho rằng tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn, làm ảnh hưởng đến an ninh nông nghiệp. Tốc độ tăng trưởng giảm từ 3,3% năm 2010 xuống còn 2,8% năm 2013. Thực tế hiện nay khả năng tái sản xuất của nông dân giảm, giá nông sản tăng cao, sức mua thấp, nông dân bỏ hoang đất canh tác xảy ra nhiều...
Đại biểu đề nghị Chính phủ, Quốc hội quan tâm tăng mức đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; có chính sách khuyến khích nông dân tâm huyết với đồng ruộng, đồng thời đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, tập trung vào các chính sách, cơ chế tiêu thụ nông sản, kích thích sản xuất, đảm bảo chính sách giá cả hợp lý...
Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thanh Hùng (Đồng Tháp) nhấn mạnh Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, kịp thời đề ra những chủ trương, chính sách hỗ trợ, chỉ đạo sâu sát và đã đạt nhiều kết quả đáng mừng trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, hai năm qua, đặc biệt trong năm 2013, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn xuất hiện nhiều khó khăn, đó là tốc độ tăng trưởng giảm dần và đạt thấp; giá cả mặt hàng nông sản chủ lực giảm, tiêu thụ sụt giảm, giá bán thấp hơn giá thành sản xuất... dẫn tới đời sống nông dân ngày càng khó khăn thêm.
Trên cơ sở phân tích thực trạng, đại biểu cho rằng tái cơ cấu nông nghiệp là yêu cầu cấp thiết vì nó không chỉ giúp nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững mà còn là động lực nâng cao thu nhập đời sống nông dân.
Để tái cơ cấu nông nghiệp đạt mục tiêu đề ra, đại biểu cho rằng Chính phủ cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong đó, cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn hiện nay là chất lượng các hợp tác xã nông nghiệp và chính sách thu hút đầu tư doanh nghiệp vào nông nghiệp.
Theo đại biểu tái cơ cấu nông nghiệp cần dựa vào hợp tác xã và đơn vị tiêu thụ nông sản. Do vậy, Nhà nước nên chuyển dần từ hỗ trợ cho nông dân sang hỗ trợ cho các hợp tác xã để nâng cao hiệu quả sản xuất của hợp tác xã và đa dạng hóa dịch vụ nông nghiệp.
Đối với hợp tác xã, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần ban hành Nghị định riêng về hợp tác xã nông nghiệp trong việc hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã sửa đổi năm 2012, trong đó, nhấn mạnh ưu đãi đối với hợp tác xã nông nghiệp; Chính phủ sớm có chính sách hỗ trợ sản xuất gắn với tiêu thụ thông qua xây dựng cánh đồng mẫu lớn; có chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng phát triển công nghiệp phụ trợ để từng bước thay thế nhập khẩu...
Chiều nay, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về nội dung này./.