GIẢI DIÊN HỒNG: KHUYÊN KHÍCH CÁC CƠ QUAN BÁO CHÍ TÍCH CỰC TUYÊN TRUYỀN VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN DÂN CỬ

05/01/2023

Được phát động trọng thể vào cuối năm 2022 với sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Quốc hội, Giải Diên Hồng dự kiến sẽ góp phần khuyến khích phóng viên các cơ quan báo chí ở trung ương và địa phương tích cực tham gia tuyên truyền về hoạt động, kết quả hoạt động của cơ quan dân cử, nhất là hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội.

PHÁT BIỂU CỦA PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN TẠI LỄ PHÁT ĐỘNG ''GIẢI DIÊN HỒNG LẦN THỨ NHẤT''

Toàn cảnh buổi lễ phát động Giải Diên Hồng

Giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân (Giải Diên Hồng) được tổ chức nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Quốc hội và HĐND theo Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội khóa XV thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đưa Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống. Tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của Quốc hội, cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; vai trò của HĐND, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Việc tổ chức Giải báo chí sẽ góp phần tạo động lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội và HĐND.

Các tác phẩm báo chí đạt giải sẽ giúp tăng cường vai trò cầu nối quan trọng giữa báo chí với đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; củng cố mối quan hệ hợp tác, gắn bó mật thiết giữa cơ quan dân cử, đại biểu dân cử với các cơ quan thông tấn, báo chí nhằm chuyển tải kịp thời, đầy đủ, chính xác, phong phú, sinh động “hơi thở cuộc sống”, tăng cường thông tin hai chiều giữa đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND với cử tri và Nhân dân cả nước, tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần đưa chính sách và pháp luật đi vào cuộc sống. Tạo điều kiện thuận lợi để các nhà báo, phóng viên được trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, khai thác kiến thức chuyên sâu về vị trí, vai trò, tổ chức, hoạt động của cơ quan dân cử trong hệ thống chính trị.

Các đại biểu tham dự buổi lễ phát động Giải Diên Hồng

Vừa qua, Ban tổ chức giải đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-BTC ban hành Thể lệ Giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân (Giải Diên Hồng) lần thứ nhất. Theo đó, về điều kiện tham dự, các tác phẩm dự Giải Diên Hồng lần thứ nhất được viết bằng tiếng Việt (hoặc tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài được dịch ra tiếng Việt), đã đăng tải, phát sóng trong thời gian từ 01/3/2021 đến 30/4/2023 trên các báo, đài được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động báo chí. Những tác phẩm đã được trao giải thưởng ở các cuộc thi của địa phương, ngành hoặc liên ngành Trung ương được quyền dự Giải Diên Hồng lần thứ nhất nhưng cần ghi rõ mức giải và đơn vị đã tổ chức cuộc thi. Ban Tổ chức không nhận các tác phẩm đã đoạt giải của Giải báo chí quốc gia.

Tác phẩm tham dự Giải phải bảo đảm đúng quy định Thể lệ Giải Diên Hồng lần thứ nhất; bảo đảm đúng chủ đề, nội dung, sự nghiêm túc, trung thực (đúng địa chỉ, sự việc, số liệu, thời gian) và có giá trị tuyên truyền cao. Tác phẩm tham dự Giải phải bảo đảm không có tranh chấp về bản quyền; tác giả gửi tác phẩm dự Giải tự chịu trách nhiệm về các vấn đề pháp lý liên quan đến tác phẩm. Nghiêm cấm các trường hợp sao chép, nếu tác phẩm có sao chép hoặc lợi dụng tác phẩm dự Giải để vu khống, bịa đặt, xuyên tạc thì tác giả phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.

Nghị quyết nêu rõ, Ban Tổ chức không xem xét tác phẩm dự Giải của tác giả vi phạm Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, Luật Báo chí và các quy định khác của pháp luật; các tác phẩm mang tính hư cấu (thơ, tranh vẽ, tiểu phẩm, truyện ngắn, câu chuyện văn nghệ, kịch truyền thanh); tác phẩm đang chờ ý kiến thẩm định của cơ quan chức năng. Mỗi tác phẩm là một tin hoặc một chùm không quá 05 tin, một bài hoặc một loạt bài sẽ không quá 05 kỳ của cùng tác giả hoặc Nhóm tác giả cùng đứng tên về cùng một sự kiện, đề tài. Ban Tổ chức không xét loạt bài ghép từ những bài độc lập của các tác giả đứng tên riêng lẻ ở các thời điểm đăng báo khác nhau, không có tên loạt bài.

Tác phẩm dự Giải phải ghi rõ họ tên tác giả (tên khai sinh và bút danh nếu có); tên tác phẩm, thể loại báo chí, đơn vị, địa chỉ, điện thoại của tác giả; ngày, tháng, năm đăng báo, tạp chí, phát sóng của tác phẩm. Nếu là tập thể tác giả, phải ghi tên từng tác giả, nếu sử dụng bút danh phải ghi rõ tên thật (trong hồ sơ). Những tác phẩm bị coi là phạm quy (bị loại) là tác phẩm không đáp ứng các quy định đã nêu trong Thể lệ này. Ban Tổ chức không hoàn trả tác phẩm dự Giải và được quyền sử dụng bản quyền tác phẩm dự Giải để tuyên truyền.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu bấm nút phát động

Cũng theo Nghị quyết, cơ quan báo chí được trao Giải Diên Hồng cần bảo đảm các điều kiện sau: Được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép hoạt động trong lĩnh vực báo chí, truyền thông; Tích cực tham gia hưởng ứng Giải Diên Hồng; Tổ chức phát động Giải tại cơ quan bài bản, khoa học, sáng tạo, thu hút nhiều phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên tham gia và đạt nhiều kết quả tuyên truyền về Quốc hội và HĐND; Là cơ quan có số tác giả, tác phẩm dự Giải trong số các cơ quan tham dự nhiều nhất và có chất lượng nhất; Là cơ quan có tác giả, tác phẩm đoạt Giải hoặc được vào vòng chung khảo.

Về hình thức tác phẩm dự giải, loại hình báo chí dự Giải bao gồm: Báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình.Thể loại báo chí dự Giải gồm: Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, chuyên luận, chính luận, phóng sự, phóng sự điều tra, ghi chép, bút ký báo chí, giao lưu, tọa đàm, phim tài liệu truyền hình, ảnh báo chí…Tác phẩm dự Giải cần đảm bảo sự chính xác, có tính thuyết phục cao về nội dung và hình thức thể hiện.

Về cách thức tham dự giải, đối với tác phẩm báo in: cần gửi phần tác phẩm được đăng cắt từ các báo, tạp chí hoặc photo từ tác phẩm gốc. Trên tác phẩm ghi rõ tên đơn vị, tác giả, tác phẩm, thể loại, thời gian đăng tải, kèm theo xác nhận của đơn vị, cơ quan chủ quản. Bản in phải sạch, đẹp, rõ ràng. Nếu tác phẩm có sự tiếp nối nhỏ, lẻ, phải cắt dán phần tiếp nối trên giấy trắng khổ A4 hoặc A3 và đánh số trang rõ ràng phần tiếp nối. Không nhận tác phẩm đánh máy lại.

Đối với tác phẩm báo nói, cần gửi phần thuyết minh và kịch bản, lời bình kèm theo đĩa CD hoặc USB ghi nội dung tác phẩm. Mỗi đĩa chỉ ghi 01 tác phẩm và trên đĩa phải ghi rõ tên đơn vị, tác giả, tác phẩm, thể loại, thời lượng và thời gian phát sóng; kèm theo xác nhận của đơn vị chủ quản. Nếu là tiếng dân tộc thiểu sổ phải có bản dịch ra tiếng Việt. Thời lượng tác phẩm phát thanh tối đa 60 phút/tác phẩm.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu tại buổi lễ phát động Giải Diên Hồng

Đối với tác phẩm báo hình, cần ghi lên đĩa VCD/USB hoặc DVD, mỗi đĩa chỉ ghi 01 tác phẩm và trên nhãn đĩa ghi rõ tên đơn vị, tên tác phẩm, tác giả, thể loại, thời lượng và thời gian phát sóng; kèm theo xác nhận của đơn vị chủ quản. Nếu là truyền hình tiếng dân tộc thiểu sổ phải dịch ra tiếng Việt, có phụ để tiếng Việt. Các tác phẩm truyền hình phải gửi kèm theo đường link tác phẩm trên trang điện tử của Đài (nếu có). Thời lượng tác phẩm truyền hình tối đa 90 phút/tác phẩm.

Đối với tác phẩm báo điện tử, phải là tác phẩm sáng tác lần đầu, thực hiện riêng cho báo điện tử, không phải là phiên bản của báo in. Tác phẩm báo điện tử cần in trên giấy khổ A4, ghi rõ tên báo, tên tác giả và thời gian đăng tải, có hình giao diện của báo, đường link của bài, kèm theo xác nhận của đơn vị chủ quản (không nhận tác phẩm đánh máy lại). Hội đồng chấm giải chấm theo đường link tác phẩm.

Đối với Ảnh báo chí, phải là tác phẩm ảnh gốc, không chấp nhận ảnh chụp/photo lại từ ảnh gốc. Trên tác phẩm ghi rõ tên đơn vị, tác phẩm, thể loại, thời gian đăng tải, kèm theo xác nhận của đơn vị chủ quản. Mỗi ảnh cần kèm theo chú thích rõ ràng, thời gian chụp, địa điểm chụp.

Tác phẩm ảnh báo chí bao gồm ảnh đơn, chùm ảnh hoặc phóng sự ảnh. Đối với chùm ảnh hoặc phóng sự ảnh về một nội dung đăng báo có nhiều ảnh, chỉ tuyển chọn mỗi chùm ảnh hoặc phóng sự ảnh không quá 10 ảnh, đăng trên cùng một số báo hoặc cùng thời điểm xuất bản (đối với báo điện tử).

Nghị quyết cũng nêu rõ các nguyên tắc chấm giải như sau: Chính xác, trung thực, khách quan, công bằng; Đúng Thể lệ Giải, tiêu chí, thang điểm do Ban Tổ chức công bố; Đề cao trách nhiệm, tính độc lập của các thành viên Hội đồng chấm giải; Giám khảo chấm điểm theo từng tiêu chí do Ban Tổ chức Giải quy định; Hội đồng chung khảo tổ chức họp toàn thể bỏ phiếu bầu chọn các tác phẩm trao giải A, B, C, Khuyến khích. Việc bỏ phiếu thực hiện theo Thể thức bỏ phiếu do Hội đồng Chung khảo quy định.

Thời gian nhận tác phẩm là từ ngày phát động Giải Diên Hồng đến 30/4/2023(theo dấu Bưu điện). Địa chỉ nhận tác phẩm là: Văn phòng Quốc hội (Vụ Thông tin): số 22 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội. ĐTCQ: 080.46764. DĐ: 0912602767- 0989792626. Đối với hồ sơ gửi qua đường bưu điện, ngoài phong bì ghi rõ: Giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Ban Tổ chức Giải không chịu trách nhiệm nếu tác phẩm tham dự Giải bị thất lạc hoặc hư hỏng do lỗi của bưu điện.

Giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân (Giải Diên Hồng) lần thứ nhất dự kiến được trao vào tháng 6/2023. Giải thưởng được trao cho các tác phẩm báo chí xuất sắc thuộc các thể loại báo chívới số lượng và giá trị giải thưởng như sau: 01 Giải Đặc biệt: 95 triệu đồng; 06 Giải A, mỗi giải 45 triệu đồng; 12 Giải B, mỗi giải 30 triệu đồng; 16 Giải C, mỗi giải 20 triệu đồng; 30 Giải Khuyến khích, mỗi giải 10 triệu đồng. Đối với tập thể, Ban Tổ chức sẽ trao Giải “Xuất sắc” cho 05 cơ quan báo chí tiêu biểu, mỗi giải 10 triệu đồng.

Minh Hùng