Tham dự phiên họp còn có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Đặng Xuân Phương, các thành viên Ban soạn thảo và chuyên viên các vụ đơn vị của Văn phòng Quốc hội.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trước yêu cầu thể chế hóa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6, Ban chấp hành Trung ương khóa XII thì việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội là cần thiết.
Thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Phiên họp lần thứ nhất của Ban soạn thảo nhằm xem xét thông qua quy chế làm việc và kế hoạch của Ban soạn thảo, thảo luận cho ý kiến một số nội dung của Luật Tổ chức Quốc hội.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh phiên họp:
Chiều 18/3, Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội tiến hành phiên họp lần thứ nhất.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng Ban soạn thảo Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu khai mạc phiên họp.
Trình bày Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó trưởng Ban soạn thảo Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội gồm 2 điều, trong đó điều 1 tập trung vào sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Điều 2 quy định về hiệu lực thi hành.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ban soạn thảo tập trung thảo luận các nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào một số vấn đề liên quan đến việc kiện toàn tổ chức bộ máy, quy định cụ thể số lượng cấp phó và Ủy viên Thường trực, Ủy viên Chuyên trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Về đại biểu Quốc hội, có ý kiến đề nghị giữ quy định của Luật hiện hành và xác định những nội dung liên quan đến tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và cơ cấu đại biểu Quốc hội tại các Đề án bầu cử đại biểu Quốc hội trong từng nhiệm kỳ.
Về bộ máy giúp việc của Quốc hội, có ý kiến cho rằng, Nghị quyết số 18-NQ/TW đề ra nhiệm vụ “sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bên trong của Văn phòng Quốc hội theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Thực tế cho thấy, một số cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội như Ban Công tác đại biểu, Ban Dân nguyện đã hoạt động ổn định và hiệu quả từ hơn 15 năm nay nên cũng cần có sự ghi nhận vào Luật Tổ chức Quốc hội.
Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Đặng Xuân Phương phát biểu tại phiên họp.
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị Tổ biên tập tiếp thu các ý kiến đóng góp tại phiên họp thứ nhất, sau đó chỉnh lý, hoàn thiện Tờ trình về dự án Luật cũng như dự thảo Luật trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.