Hội thảo Kinh nghiệm tổ chức phiên họp giải trình tại Ủy ban của QH

23/01/2015

Ngày 22-23.1, trong khuôn khổ Dự án hợp phần Sự tham gia của người dân và trách nhiệm giải trình thuộc Chương trình Quản trị công và Cải cách hành chính (GOPA II) do Chính phủ Đan Mạch tài trợ cho Việt Nam giai đoạn 2012-2015, VPQH đã tổ chức Hội thảo Kinh nghiệm tổ chức phiên họp giải trình tại Ủy ban của QH.

Giải trình là một phương thức hoạt động của QH được quy định tại Điều 77, Hiến pháp 2013, đồng thời được cụ thể hóa tại Điều 38 Luật Tổ chức QH. Trước đó, Điều 27 Luật Hoạt động giám sát của QH, Điều 31 Quy chế hoạt động của UBTVQH, Điều 30 Quy chế hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH đã quy định phương thức này. Theo đó, các cơ quan của QH có quyền yêu cầu Chính phủ, các bộ, các cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao giải trình về những vấn đề mà Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban quan tâm.

Giải trình cung cấp thông tin nhiều chiều để các ĐBQH có cơ sở đánh giá, xem xét các vấn đề được đưa ra thảo luận ở Hội đồng Dân tộc hoặc ở Ủy ban, cung cấp những chứng cứ, luận cứ có sức thuyết phục phục vụ cho việc đưa ra các quyết định của Hội đồng Dân tộc hoặc Ủy ban. Tăng cường tính công khai, minh bạch trong quá trình hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật của QH. Giúp các cơ quan nhà nước xem xét lại trách nhiệm, hoạt động của mình để khắc phục hạn chế, tồn tại trong hoạch định, ban hành và thực thi chính sách, pháp luật. Tranh thủ được sự ủng hộ, đồng tình của người dân đối với chính sách, pháp luật sẽ ban hành cũng góp phần thúc đẩy việc tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật. Góp phần tạo sự hiểu biết, chia sẻ giữa Quốc hội với Chính phủ và với nhiều chủ thể khác có liên quan đến vấn đề đang được ủy ban xem xét, góp phần giải tỏa, làm dịu những bức xúc của dư luận, công chúng liên quan đến những vấn đề chính sách cũng như việc thực thi chính sách, pháp luật.

Tại hội thảo, các đại biểu đã phân tích, chỉ ra những khó khăn trong thực hiện hoạt động giải trình. Hiện nay, chưa có cách hiểu thống nhất về giải trình, cũng như chưa có quy trình, thủ tục pháp lý cụ thể. Vì thế, cách thức tổ chức, nội dung, thành phần mỗi phiên giải trình còn có sự khác biệt. Để nâng cao chất lượng hoạt động giải trình, nhiều đại biểu kiến nghị sớm hoàn thiện khung pháp lý về cơ chế, quy trình, thủ tục, thành phần tham gia để thống nhất cách hiểu, nhận thức và hình thành quy trình chuẩn, rõ ràng về pháp lý. Nâng cao kiến thức, kỹ năng phục vụ cho các vụ, đơn vị chuyên môn giúp việc cho Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH... về hoạt động này.

(Theo Đại biểu Nhân dân)