Giám sát tại Vĩnh Phúc, Đoàn công tác dành nhiều thời gian để đi khảo sát thực tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm như cơ sở trồng rau sạch, cơ sở chăn nuôi lợn thịt, cơ sở chế biến thịt, giám sát bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp và bếp ăn tập thể của trường học. Chiều cùng ngày, Đoàn công tác đã nghe báo cáo và trao đổi về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc.
Chính quyền địa phương đóng vai trò quyết định trong bảo đảm an toàn thực phẩm
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2011- 2016, chính quyền địa phương đã ban hành 29 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm. Công tác tuyên truyền, giáo dục về an toàn thực phẩm được triển khai đồng bộ, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân, người sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Công tác thanh, kiểm tra được tăng cường, toàn tỉnh thành lập được 865 lượt thanh tra liên ngành, 510 lượt đoàn kiểm tra chuyên ngành; thanh kiểm tra 38.734 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực phẩm. Qua kiểm tra,đã phạt tiền 756 cơ sở với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng; 193 cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm; 63 cơ sở bị đóng cửa và 1.342 cơ sở bị cảnh cáo. Tỷ lệ cơ sở đạt tiêu chuẩn về điều kiện an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh tăng từ 69,3% (năm 2011) lên 83,1% (năm 2016). Hoạt động giám sát ô nhiễm thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm được chỉ đạo triển khai quyết liệt; bước đầu đã ngăn chặn được việc sử dụng chất cấm Salbutamol; chất vàng O trong chăn nuôi; tỷ lệ mẫu thực phẩm được giám sát tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật giảm đáng kể.
Khẳng định việc bảo đảm an toàn thực phẩm là vấn đề quan trọng của tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì cho biết, thời gian qua, địa phương đã chỉ đạo cương quyết, quyết liệt trong triển khai thi hành pháp luật về an toàn thực phẩm. Các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước đều được địa phương cụ thể hóa và tích cực triển khai. Nhiều cơ chế thực hiện bảo đảm an toàn thực phẩm được xây dựng và triển khai như sản xuất sạch, nuôi trồng, chăn nuôi, giết mổ tập trung. Bên cạnh đó, địa phương cũng đã đề ra chủ trương gắn trách nhiệm thực hiện an toàn thực phẩm của người đứng đầu với công tác cán bộ, thi đua khen thưởng; đồng thời nâng cao trách nhiệm của Mặt trạn tổ quốc, người dân hướng đến thay đổi từ nhận thức đến hành động.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực, kết quả của tỉnh trong thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm, cũng như việc tuân thủ quy định pháp luật về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, bếp ăn tập thể của địa phương; cho rằng Vĩnh Phúc là một trong những địa phương thực hiện tốt nhất công tác xậy dựng, ban hành văn bản pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, các đại biểu cũng chỉ ra, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế, tồn tại như việc kiểm soát, giám sát ô nhiễm thực phẩm từ khâu nuôi trồng đến vận chuyển, chế biến tại các cơ sở nhỏ lẻ chưa được kiểm soát thường xuyên, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường và mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện xử lý vi phạm chưa nhiều. Việc triển khai thực hiện cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm và cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm tại một số địa bàn cơ sở thực hiện còn chậm.
Các đại biểu cho rằng, chính quyền địa phương đóng vai trò quyết định trong kiểm soát bảo đảm an toàn thực phẩm, đặc biệt là chính quyền cấp xã, phường và khu vực dân cư. Do vậy, vấn đề đặt ra là phải tăng cường quản lý ở cấp cơ sở để triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, pháp luật, hướng dẫn chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh.
Trưởng Ban Dân nguyện, Trưởng đoàn công tác Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại buổi làm việc
Đánh giá cao kết quả triển khai, thực hiện chính sách an toàn thực phẩm trên địa bàntỉnh Vĩnh Phúc, đặc biệt là công tác phối hợp của các cấp, ngành, đảm bảo không xảy ra chồng chéo trong kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm và việc kiểm tra, xử lý công vụ, xử lý kỷ luật đối với đơn vị, cá nhân để xảy ra các vụ việc mất an toàn thực phẩm, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Phó trưởng Đoàn giám sát, Trưởng đoàn công tác Nguyễn Thanh Hảiđề nghị, trong thời gian tới, tỉnh cần tăng cường tỷ lệ thanh, kiểm tra về an toàn thực phẩm, tăng cường thanh tra đột xuất; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm, công khai các cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm; nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các cấp; tăng cường nguồn lực cho công tác đảm bảo an toàn thực phẩm; nâng cao vai trò giám sát, phản biện của các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền tăng cường nhận thức của người dân, phát huy vai trò của nhân dân và các tổ chức đoàn thể trong thực hiện an toàn thực phẩm.
Tổ công tác số 1 giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm tại Công ty TNHH Vineco-Tam Đảo
Trước đó, buổi sáng cùng ngày, Tổ công tác số 1 Đoàn công tác của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Trần Văn Minh làm Tổ trưởng đã có buổi giám sát việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm tại một số đơn vị trên địa bàn tỉnh. Tổ công tác đã tiến hành giám sát quy trình sản xuất, phân phối, chất lượng sản phẩm, chứng nhận đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, nguồn gốc vật tư đầu vào... tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Thảo dược Tam Đảo (thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo); Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên Vineco- Tam Đảo (thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên); giám sát việc đảm bảo an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể của công tycông ty trách nhiệm hữu hạn Haesung Vina (Khu công nghiệpKhai Quang, thành phố Vĩnh Yên). Cùng với việc khảo sát, kiểm tra thực tế, tổ công tác cũng ghi nhận những khó khăn, kiến nghị của các đơn vị; đề nghị các đơn vị tiếp tục chấp hành tốt các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trong sản xuất sản phẩm và đảm bảo bữa ăn cho người lao động.
Tại Tổ công tác số 2 thuộc Đoàn công tác của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Trương Minh Hoàng làm Tổ trưởng đã có buổi giám sát thực tế việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm tại Công ty TNHH Trung Anh, Công ty TNHH MTV sản xuất và thương mại Phát Đạt (thị xã Phúc Yên), Công ty TNHH Ong Tam Đảo (Bình Xuyên) và bếp ăn bán trú của Trường tiểu học Liên Minh (thành phố Vĩnh Yên).Tổ công tác đã nghe đại diện lãnh đạo các công ty, cơ quan báo cáo tình hình hoạt động, công tác bảo đảm thực hiện quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, xem xét các giấy tờ, chứng từ liên quan đến an toàn thực phẩm và kiểm tra thực tế quy trình sản xuất, kinh doanh.
Ghi nhận và đánh giá cao việc các cơ sở đã cơ bản đáp ứng đầy đủ những yêu cầu về an toàn thực phẩm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Trương Minh Hoàng đề nghị các cơ sở cần triển khai nghiêm túc và hiệu quả hơn các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; đẩy mạnh phối hợp giữa chi cục thu y địa phương với các cơ sở chăn nuôi, giết mổ động vật trong kiểm soát quy trình chăn nuôi, giết mổ bảo đảm chất lượng đầu ra của sản phẩm;kiểm soát chặt chẽ đầu vào của các đơn vị sản xuất, kinh doanh, phục vụ cho các bếp ăn tập thể; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nâng cao ý thức bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm của người sản xuất, kinh doanh và để người tiêu dùng hiểu đúng về tình hình an toàn thực phẩm trên địa bàn.