Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính họp về dự thảo Nghị quyết Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam

14/04/2025

Chiều tối 14/4, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính họp cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, nhằm chuẩn bị nội dung báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 44.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh làm việc với Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính

Toàn cảnh phiên họp

Tham gia cuộc họp có Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh, các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Vũ Thị Lưu Mai, Nguyễn Vân Chi, Đoàn Thị Thanh Mai, các Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, UBND Tp. Đà Nẵng, UBND Tp. HCM cùng đại diện một số cơ quan hữu quan.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Bích Ngọc trình bày một số nội dung về dự thảo Nghị quyết về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam

Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Bích Ngọc trình bày một số nội dung về dự thảo Nghị quyết về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.

Tham gia ý kiến tại phiên họp, các đại biểu nhất trí rằng, việc xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính là chủ trương đúng đắn, là quyết tâm của cả hệ thống chính trị; có đủ căn cứ chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, phù hợp với tiến trình phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho ý kiến về hồ sơ, thời điểm trình Dự thảo Nghị quyết; quan điểm, nguyên tắc ban hành Nghị quyết; phạm vi quy định, nguyên tắc áp dụng pháp luật; văn bản hướng dẫn thi hành, trách nhiệm ban hành…

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết, việc thành lập và triển khai hoạt động của Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam là một vấn đề mới, đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế và vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tế của nước ta.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho rằng, cần phân tích rõ những thuận lợi, khó khăn và vướng mắc có thể phát sinh trong quá trình triển khai các cơ chế, chính sách đột phá dự kiến áp dụng cho Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam. Các cơ quan cần chủ động rà soát, nghiên cứu sâu kinh nghiệm quốc tế, đối chiếu với điều kiện thực tế của Việt Nam để đưa ra những lựa chọn tối ưu trong quá trình hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính, để Trung tâm tài chính quốc tế có thể thu hút đầu tư và hoạt động hiệu quả, việc xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá, phù hợp với thông lệ quốc tế là yếu tố then chốt. Nếu chỉ áp dụng các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam, việc triển khai mô hình này sẽ gặp nhiều thách thức. Đồng thời, việc học tập kinh nghiệm tốt và tránh những hạn chế của các trung tâm tài chính trên thế giới sẽ giúp chúng ta tận dụng hiệu quả lợi thế của người đi sau.

Cho biết các chuyên gia quốc tế đã chỉ ra những lợi thế nhất định của Việt Nam, đặc biệt là chi phí cạnh tranh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính nhấn mạnh, chúng ta cần đặc biệt chú trọng phát huy những lợi thế này, tạo ra những cơ chế, chính sách khác biệt, vượt trội so với pháp luật hiện hành, tiệm cận với thông lệ quốc tế để thu hút các nhà đầu tư và tổ chức tài chính lớn.

Kết luận nội dung cuộc họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh, các ý kiến thảo luận tại cuộc họp đồng thuận cao về sự cần thiết phải thành lập và triển khai Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam. Để đạt được sự đồng thuận cao nhất và đảm bảo tính thuyết phục, Bộ Tài chính cần tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp của các đại biểu trong cuộc họp để hoàn thiện Tờ trình.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Vũ Thị Lưu Mai phát biểu kết luận

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính nêu rõ, dự thảo Nghị quyết cần kiến tạo được những cơ chế, chính sách mang tính đột phá, đồng thời có tính hệ thống và đảm bảo tính khả thi cao khi triển khai trên thực tế. Đối với các chính sách, cơ chế có tính chất vượt trội so với quy định pháp luật hiện hành, cần thiết phải xin ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền. Nghị quyết cần tập trung quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc, định hướng lớn. Đối với những vấn đề cụ thể, chi tiết, đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết trong các văn bản hướng dẫn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị cơ quan soạn thảo sớm hoàn thiện hồ sơ để nhanh chóng tiến hành quy trình thẩm tra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp thứ 44.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Quang cảnh cuộc họp

Các đại biểu tại cuộc họp

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi phát biểu

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Nguyễn Vân Chi phát biểu

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Minh Hiếu phát biểu

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Trịnh Xuân An phát biểu

Đại biểu Phạm Văn Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang phát biểu

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách Ủy ban Kinh tế và Tài chính Nguyễn Hải Nam phát biểu

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu.

Hồ Hương - Nghĩa Đức

Các bài viết khác