Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Bắc Ninh cần phát triển hạ tầng số và nền tảng số đồng bộ, hiện đại

13/04/2025

Phát biểu tại Diễn đàn “Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số - Bắc Ninh đột phá và phát triển", Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Bắc Ninh cần phát triển hạ tầng số và nền tảng số đồng bộ, hiện đại; đặc biệt cần đầu tư xây dựng Trung tâm dữ liệu hiện đại và ưu tiên phát triển Trí tuệ nhân tạo.

Chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Mở rộng hợp tác nghị viện, khai phá tiềm năng hợp tác tại Trung Á và Kavkaz

Toàn cảnh Diễn đàn

Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Hải; Phó Bí thư chuyên trách Đảng ủy Quốc hội Vũ Hải Hà; Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn.

Diễn đàn “Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số - Bắc Ninh đột phá và phát triển" do Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh chủ trì tổ chức tại Trung tâm Văn hoá Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh. Diễn đàn với sự tham gia của trên 300 đại biểu là lãnh đạo các Bộ, ban, ngành liên quan của Trung ương, tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp tiêu biểu, giảng viên và sinh viên một số Trường Đại học, Cao đẳng trong nước và trên địa bàn tỉnh.

Bắc Ninh cần xây dựng Trung tâm dữ liệu hiện đại, đặc biệt là phát triển trí tuệ nhân tạo

Sau khi lắng nghe các tham luận, phát biểu tại Diễn đàn chính sách ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số - Bắc Ninh đột phát phát triển, thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hoan nghênh, đánh giá cao tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức Diễn đàn rất hữu ích, tạo thống nhất chung trong nhận thức và hành động. Điều này thể hiện quyến tâm rất cao của Đảng bộ, chính quyền nhân dân tỉnh Bắc Ninh trong việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Diễn đàn

“Hiện nay Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đang vào cuộc hết sức quyết liệt trong việc thực hiện cuộc cách mạng về ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đây là thời cơ vàng, chín muồi nhất để chúng ta thực hiện. Chúng ta muốn phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững thì không thể không quan tâm tới phát triển giáo dục, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Ngay sau đó, ngày 13/01/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu chỉ đạo quan trọng và Chủ tịch Quốc hội cũng có báo cáo chuyên đề tại Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết 57. Tiếp đó, tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 193 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết thêm, sắp tới, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV sẽ xem xét để thông qua việc sửa đổi Luật Khoa học, Công nghệ và đổi mới sáng tạo; Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số để tạo hành lang pháp lý đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận tỉnh Bắc Ninh đã ban hành kế hoạch để thực hiện Nghị quyết số 57, trong đó xác định rõ quy hoạch, mục tiêu, chỉ tiêu, phân công trách nhiệm rõ ràng, tiến độ cụ thể và tổ chức triển khai với tinh thần khẩn trương, quyết tâm cao nhất.  

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Nghị quyết 57 đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam thuộc top 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, top 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử. Việt Nam kỳ vọng xếp hạng top 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, trung tâm phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số. Đến năm 2045, Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Mục tiêu năm 2030 quy mô kinh tế số sẽ chiếm hơn 30% GDP và tăng lên 50% vào năm 2045.

Gợi mở một số nội dung trọng tâm trong tổ chức, phối hợp thực hiện để đạt được các mục tiêu mà tỉnh Bắc Ninh đề ra, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh phát triển hạ tầng số và nền tảng số đồng bộ, hiện đại gồm nghiên cứu, đầu tư xây dựng Trung tâm dữ liệu hiện đại, đặc biệt là phát triển Trí tuệ nhân tạo (AI), đáp ứng nhu cầu lưu trữ, xử lý dữ liệu ngày càng tăng, nhằm tối ưu chi phí đầu tư, vận hành, tăng cường tính linh hoạt và an toàn bảo mật.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Diễn đàn

“Cần rà soát, đánh giá tổng thể thực trạng hạ tầng số của tỉnh, có giải pháp đầu tư, nâng cấp hạ tầng, thiết bị, nền tảng số phù hợp, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Chia sẻ về chuyến công tác tại Armenia vừa qua, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Đoàn công tác đã tới tham quan Trung tâm Công nghệ sáng tạo TUMO tại Yerevan. Trung tâm miễn phí hoàn toàn cho học sinh từ 12 đến 18 tuổi; được mệnh danh là một “lò đào tạo công nghệ cao” cho thanh thiếu niên và được ví như “thung lũng Silicon” của giới trẻ Armenia.

Chủ tịch Quốc hội đã giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nghiên cứu khả năng xây dựng những trung tâm công nghệ sáng tạo tương tự tại Việt Nam. Việc tạo ra môi trường giáo dục mở, sáng tạo và thực hành cho thanh thiếu niên sẽ góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng về khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số. Đây chính là một trong những nền tảng quan trọng để phát triển nguồn nhân lực số, phục vụ cho mục tiêu vươn mình mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới của dân tộc.

Về phát triển kinh tế số và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, theo Chủ tịch Quốc hội, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh và các Sở, ngành, hiệp hội liên quan cần xây dựng và triển khai các chương trình, gói giải pháp toàn diện đồng hành cùng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn.

Ưu tiên nghiên cứu, cung cấp các giải pháp chuyển đổi số chuyên sâu, ứng dụng công nghệ mới cho các ngành kinh tế mũi nhọn, có lợi thế của Tỉnh như: sản xuất công nghiệp, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, góp phần đạt và vượt mục tiêu về tỷ trọng kinh tế số trong GRDP.

Đối với phát triển hệ sinh thái Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Phát triển Khu Công nghiệp công nghệ cao, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tỉnh Bắc Ninh xây dựng và phát triển hiệu quả Trung tâm Đổi mới sáng tạo, Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ… đặt hàng nghiên cứu với các trường đại học, cao đẳng, doanh nghiệp khoa học công nghệ để ứng dụng các công nghệ mới. Cùng với đó kết nối, mời gọi, thu hút các nhà đầu tư công nghệ lớn, các tập đoàn đa quốc gia uy tín trong và ngoài nước, hình thành các cụm liên kết ngành công nghệ cao.

Lưu ý về việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Bắc Ninh phải thu hút các kỹ sư phần mềm đầu ngành làm việc cho tỉnh, áp dụng công nghệ số và trả lương cao.

Cùng với đó, một nhiệm vụ khác hết sức quan trọng theo Chủ tịch Quốc hội là Bắc Ninh cần phát triển Dữ liệu số - xây dựng Chính quyền số - Xã hội số, với mục tiêu là cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, giải quyết cho người dân, doanh nghiệp, quản lý chuyên ngành, kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia, phục công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành  trên địa bàn.

“Trong điều kiện hiện nay chúng ta tinh gọn bộ máy thì không có cách nào khác hơn là phải ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành từ Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể nhằm xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Nhắc lại những chỉ đạo, chia sẻ gợi mở của Tổng Bí thư Tô Lâm về phong trào “bình dân học vụ số”; về “học tập suốt đời”, trên tinh thần mọi người trong xã hội, không phân biệt tuổi tác, địa vị xã hội, trình độ học vấn, ai thiếu kiến thức, kỹ năng nào thì có trách nhiệm học tập để bù lại sự thiếu hụt đó; Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ tin tưởng với sự quyết tâm của tỉnh, sự đồng hành của các đối tác là tổ chức, doanh nghiệp, tỉnh Bắc Ninh sẽ tiến nhanh trong hành trình phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đưa tỉnh Bắc Ninh sớm trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước về chuyển đổi số với ba trụ cột: Chính quyền số - Kinh tế số - Xã hội số, đóng góp tích cực vào sự phát triển nhanh và bền vững của địa phương và cả nước.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chứng kiến Ký kết hợp tác và các Biên bản ghi nhớ về đào tạo, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số 

Tại Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chứng kiến Ký kết hợp tác và các Biên bản ghi nhớ về đào tạo, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số giữa tỉnh Bắc Ninh với Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, Trường Đại học Bách khoa, Học viện Bưu chính viễn thông. Sự hợp tác đào tạo và đặt hàng đào tạo nguồn nhân lực số giữa các trường Đại học, Cao đẳng trong tỉnh với các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh, như Geortek, ITM, Armko, Foxconn. Đồng thời, chứng kiến ra mắt “Quỹ Đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo, ươm tạo công nghệ và chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh”. Đây là minh chứng cho thấy tỉnh Bắc Ninh đã sẵn sàng đáp ứng yêu cầu trong đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Bắc Ninh xác định 4 nhiệm vụ đột phá để phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo

Trước đó, phát biểu khai mạc Diễn đàn “Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số - Bắc Ninh đột phá và phát triển", Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn cho biết, thời gian vừa qua, thực hiện các chỉ đạo về Nghị Quyết 57 của Bộ Chính trị, Nghị Quyết số 193 của Quốc hội, tỉnh Bắc Ninh đã xác định rõ 4 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trước mắt để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn

Một là, quán triệt xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị Quyết 57 của Bộ Chính trị, đồng thời yêu cầu các cấp ủy, chính quyền các sở ngành Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội quán triệt chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm coi nhiệm vụ đột phá về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là nhiệm trọng tâm, cấp bách góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của tỉnh.

Hai là, xác lập một số nội dung cần triển khai ngay trong thời gian tới, trong đó trọng tâm là lựa chọn các nhà đầu tư tại Khu công nghệ thông tin tập trung theo hướng ưu tiên doanh nghiệp có hàm lượng khoa học – công nghệ cao, doanh nghiệp tư nhân trong nước; Ưu tiên nguồn lực đầu tư cho hạ tầng số, hạ tầng khoa học công nghệ, các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm tính toán hiệu năng cao, các khu đô thị đại học như quy hoạch đã xác định dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Thúc đẩy mạnh mẽ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nâng cao hiệu quả chính quyền số, đẩy mạnh cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; đồng thời đảm bảo an toàn, an ninh mạng. Thành lập Quỹ “Đầu tư mạo hiểm khởi nghiệp sáng tạo, ươm tạo công nghệ và chuyển đổi số”.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Diễn đàn

Ba là, phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ lõi như bán dẫn, AI; có chính sách đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước. Tập trung triển khai phong trào “Bình dân học vụ số”; tổ chức hội thi STEM trong các trường từ cấp Tiểu học đến Trung học phổ thông; triển khai ngay Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tại khu công nghiệp VSIP Từ Sơn đảm bảo kịp thời, hiệu quả…

Bốn là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách địa phương một cách đồng bộ, thông thoáng, vận dụng sáng tạo các cơ chế thí điểm đột phá mà Nghị quyết 193 của Quốc hội đã cho phép, tạo môi trường thuận lợi nhất cho hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Dương Dung

Các bài viết khác