
Toàn cảnh cuộc làm việc
Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng là cơ quan trực thuộc UBND thành phố Hải Phòng, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải và các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng; là đầu mối quản lý trực tiếp hoạt động đầu tư trong các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn thành phố; thực hiện nhiệm vụ của cơ quan đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư đối với dự án đầu tư trong các khu công nghiệp, khu kinh tế; xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác xúc tiến đầu tư, đánh giá hiệu quả thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Trường Giang chủ trì cuộc làm việc
Báo cáo Đoàn giám sát, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng Đào Phú Thùy Dương cho biết, lũy kế đến nay các khu công nghiệp, khu kinh tế tại Hải Phòng đã thu hút gần 47,8 tỷ USD, gồm 617 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 30,5 tỷ USD và 244 dự án trong nước với tổng vốn 404.958 tỷ đồng. Tổng số doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế là 773 doanh nghiệp. Tổng số lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu kinh tế là 215.368 người. Trong đó, lao động Việt Nam là 210.182 người; lao động nước ngoài là 5.186 người. Thu nhập bình quân của người lao động ước đạt 11,59 triệu đồng/người/tháng. Ngoài tiền lương, người lao động còn được chi trả các khoản phụ cấp: Làm thêm giờ, lương thưởng tháng thứ 13, các chế độ phúc lợi khác.

Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng Đào Phú Thùy Dương báo cáo với Đoàn giám sát
Thời gian qua, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã triển khai nhiều chương trình phối hợp, Biên bản ghi nhớ với các cơ sở đào tạo lớn trong và ngoài thành phố, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với các trường Đại học, Cao đẳng nhằm cung ứng nguồn lao động là sinh viên tốt nghiệp từ các trường, đồng thời tổ chức đào tạo lại, đào tạo nâng cao đội ngũ lao động hiện có.
Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng Đào Phú Thùy Dương cho biết, thời gian tới, Ban sẽ tiếp tục tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức gắn với công cuộc chuyển đổi số quốc gia; đẩy mạnh việc sử dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ các hoạt động công vụ, hướng đến 100% cán bộ công chức làm việc trên môi trường mạng từ ngày 1/6/2025. Đối với lực lượng lao động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, Ban sẽ tập trung thu hút đầu tư các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất có hàm lượng khoa học công nghệ cao. Đồng thời, thường xuyên chỉ đạo, hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức đào tạo, nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động; đảm bảo các chính sách tiền lương, chính sách an sinh xã hội cho công nhân…

Các đại biểu tại cuộc làm việc
Trong thời gian tới, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng mong muốn HĐND thành phố tiếp tục nghiên cứu bổ sung, mở rộng thêm đối tượng, danh mục ngành nghề hỗ trợ đào tạo tại Nghị quyết số 03/2024/NQ- HĐND quy định chính sách hỗ trợ đào tạo một số nghề trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2024-2030, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên, người lao động Thành phố được tham gia học tập, đào tạo phù hợp với xu thế phát triển; UBND thành phố tăng cường thu hút, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới đặt trụ sở đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại Thành phố, tạo động lực thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn Thành phố.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Lâm Văn Đoan
Các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao Báo cáo của Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng; cho rằng Báo cáo đã được chuẩn bị đầy đủ, đảm bảo chất lượng, bám sát nội dung theo yêu cầu, cung cấp cho Đoàn nhiều thông tin cần thiết về nhu cầu cũng như thực trạng nguồn nhân lực của các doanh nghiệp đang hoạt động tại Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải. Qua báo cáo và trao đổi tại cuộc làm việc, Ban đã quản lý tốt lao động với số liệu cụ thể, đầy đủ, trong đó có lao động người nước ngoài. Tuy nhiên, Đoàn giám sát cho rằng, cần làm rõ thêm về mức thu nhập của lao động người nước ngoài và người Việt có chênh lệch nhau hay không; trình độ của các lao động nước ngoài làm việc tại Khu kinh tế. Bên cạnh đó, các thành viên Đoàn giám sát cũng cho rằng, Báo cáo cần bổ sung cụ thể về những chính sách để giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao tại Khu kinh tế, nhất là các chính sách hỗ trợ về nhà ở cho người lao động.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Trường Giang
Thay mặt Đoàn giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Trường Giang ghi nhận và biểu dương nỗ lực Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng trong thời gian qua. Sau cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Trường Giang đề nghị Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng tổng hợp lại ý kiến của các doanh nghiệp gửi lại Đoàn giám sát. Đối với các kiến nghị của Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Trường Giang cho biết, Đoàn giám sát sẽ tổng hợp, tiếp tục nghiên cứu và đưa ra những đánh giá, kiến nghị phù hợp nhất, phục vụ quá trình rà soát và hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến việc sử dụng và phát triển nguồn nhân lực, để các khu kinh tế, khu công nghiệp hoạt động hiệu quả hơn nữa, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới.
Một số hình ảnh tại cuộc làm việc:

Toàn cảnh cuộc làm việc

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Trường Giang chủ trì cuộc làm việc


Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Văn hóa và Xã hội Đỗ Chí Nghĩa


Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Hoàng Trung Hiếu


Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên

Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng Đào Phú Thùy Dương

Đại diện Công đoàn Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng




Đại diện các doanh nghiệp làm rõ các vấn đề mà Đoàn giám sát quan tâm








Các đại biểu tại cuộc làm việc