Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại khảo sát tại Tiểu đoàn công binh 93 phục vụ việc thẩm tra luật

Toàn cảnh buổi làm việc
Tham gia Đoàn khảo sát có Trung tướng Đỗ Quang Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại; các Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại gồm: Thiếu tướng Trần Đức Thuận, Đại tá Vũ Huy Khánh, ông Trịnh Xuân An, bà Thái Quỳnh Mai Dung. Tham gia Đoàn khảo sát còn có ông Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội; đại diện Ban soạn thảo, Tổ biên tập 2 dự án Luật gồm: Luật Tình trạng khẩn cấp và Luật Tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc.
Lắng nghe thực tiễn, củng cố cơ sở xây dựng luật
Phát biểu mở đầu, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội, Trưởng đoàn khảo sát cho biết, để phục vụ việc thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý các dự án Luật, Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại tổ chức khảo sát làm việc với các đơn vị, địa phương về 2 dự án Luật gồm: Luật Tình trạng khẩn cấp và Luật Tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc, trong đó, Luật Tình trạng khẩn cấp sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 10; Luật Tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc sẽ được Quốc hội cho ý kiến, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9 nếu đủ điều kiện.

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội, Trưởng đoàn khảo sát
Cuộc khảo sát thực tế và làm việc với Bô Tư lệnh Binh chủng Công binh để nắm rõ thực tế; lắng nghe trực tiếp từ cán bộ chiến sỹ và báo cáo của đơn vị về việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến các nội dung trong 2 dự thảo luật, từ đó củng cố cơ sở chính trị, lý luận và thực tiễn, làm cơ sở để các ĐBQH tham gia cho ý kiến về các dự án Luật, tạo đồng thuận, đạt tỷ lệ cao khi Quốc hội xem xét, thông qua Luật, đặc biệt, sau khi các luật được Quốc hội ban hành thông qua sẽ có tính khả thi cao. Trên cơ sở đó, Trưởng đoàn khảo sát cũng đề nghị Binh chủng Công binh báo cáo rõ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về tình trạng khẩn cấp và kết quả công tác tham gia gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc trong thời gian qua, trong đó nêu rõ những khó khăn, bất cập, có những đề xuất, kiến nghị về xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp và Luật Tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Đại tá Nguyễn Ngọc Trung, Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Công binh
Báo cáo với Đoàn khảo sát, Đại tá Nguyễn Ngọc Trung, Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Công binh cho biết, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong việc thực thi pháp luật về tình trạng khẩn cấp được thực hiện nghiêm túc, kịp thời; các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo được ban hành đầy đủ, kịp thời. Cấp ủy, chỉ huy, cơ quan các cấp quán triệt, triển khai có hiệu quả Đề án “Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc giai đoạn 2014 – 2020 và những năm tiếp theo”. Quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, xác định “đây là nhiệm vụ quan trọng của quốc gia giao cho Quân đội, Binh chủng Công binh trực tiếp thực hiện”, là cụ thể hóa quan điểm, đường lối hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng của Đảng, Nhà nước và Quân đội trong tình hình mới. Qua đó, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường Quốc tế, kiến tạo môi trường hòa bình, ổn định, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới của đất nước. Công tác huấn luyện, tập huấn, diễn tập… được thường xuyên tổ chức, bồi dưỡng, sát với thực tiễn và các tình huống xảy ra; công tác đào tạo, tuyển chọn được chú trọng, bảo đảm đáp ứng các tiêu chí, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra…

Các đại biểu tại buổi làm việc
Từ thực tế triển khai thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, Binh chủng Công binh cũng nêu ra 1 số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện pháp luật về Tình trạng khẩn cấp. Đồng tình với việc cần thiết ban hành Luật Tình trạng khẩn cấp, BTL Binh chủng Công binh cũng kiến nghị cần có Quyết định thành lập, quyết định hưởng chế đô phụ cấp đặc thù riêng đối với Đội Chống khủng bố, Đội Cứu sập ASEAN của Binh chủng Công binh; bổ sung, mua sắm các trang thiết bị chuyên dùng hiện đại cho lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm của Binh chủng Công binh và lực lực lượng công binh tại chỗ; tăng cường mở các khóa huấn luyện ngoại ngữ, tập huấn, diễn tập đối với nhân viên làm nhiệm vụ ứng phó với các TTKC. Ngoài ra, Binh chủng Công binh cũng đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật Tham gia gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc làm cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện; đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều thực hiện Nghị định số 162/2016/NĐ-CP cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Chỉ rõ những đề xuất, kiến nghị xuất phát từ kinh nghiệm thực tiễn
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn khảo sát đánh gia cao với những kết quả mà lực lượng công binh tham gia lực lượng GGHB của LHQ trong thời gian qua, trong đó, Trung tướng Đỗ Quang Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại đánh giá cao về kết quả huấn luyện đối với lực lượng công binh, đồng thời đề nghị Binh chủng Công binh cũng báo cáo rõ hơn những khó khăn, có những kiến nghị đặc thù gì không khi xây dựng Luật Tham gia lực lực Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, sửa đổi các quy định cụ thể trong Nghị định số 162/2016/NĐ-CP để phát huy tốt hơn hiệu quả tham gia thực hiện nhiệm vụ Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đối với lực lượng Công binh nói riêng cũng như các lực lượng khác nói chung.

Thành viên Đoàn Giám sát tại buổi làm việc
Về dự án Luật Tình trạng khẩn cấp, các thành viên Đoàn khảo sát cho rằng, từ thực tiễn tham gia phòng chống Covid-19, đề nghị Binh chủng Công binh báo cáo rõ việc huy động tham gia có gì khó khăn, vướng mắc về pháp lý? Khi xảy ra thảm họa sự cố thường có nhiều lực lượng tham gia, vậy việc chỉ đạo, chỉ huy điều hành giữa các lực lượng vừa qua có gì khó khăn, việc phân công, phân nhiệm tham gia CHCN có gì vướng mắc cần được quy định trong Luật để tháo gỡ. Từ kinh nghiệm tham gia phòng chống thiên tai của lực lượng Công binh trong nước cũng như cứu hộ, cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ, Myanmar…, các thành viên Đoàn khảo sát cũng đề nghị Binh chủng Công binh phân tích thêm việc cần thiết tham gia các cuộc diễn tập, tập huấn và có cần bổ sung quy định gì vào luật hay không, nếu bổ sung thì bổ sung những gì đối với lực lượng chuyên trách, nòng cốt tham gia lực lượng này. Từ sự việc hồ thủy điện Thác Bà dâng cao sau cơn bão số 3 năm 2024, có ý kiến cũng đề nghị Binh chủng Công binh cho biết thêm quan điểm, khi nào cần chuyển từ tình huống khẩn cấp sang việc ban bố Tình trạng khẩn cấp; vấn đề điều phối khi có Tình trạng khẩn cấp...
Báo cáo giải trình một số nội dung mà Đoàn khảo sát quan tâm, Đại tá Nguyễn Hồng Giang, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Binh chủng Công binh cũng cho rằng, để đáp ứng yêu cầu trong Tình trạng khẩn cấp, lực lượng Công binh hiện cũng có những khó khăn về trang bị; khẳng định việc xây dựng, ban hành Luật Tình trạng khẩn cấp và Luật Tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là rất cần thiết. “Có những vấn đề mà Đoàn khảo sát cần báo thêm, Binh chủng Công binh sẽ làm rõ thêm vì trách nhiệm xây dựng luật, cũng có một phần trách nhiệm của Binh chủng Công binh. Chúng tôi thấy rằng, việc xây dựng các luật nêu trên là cần thiết để đi vào thực tiễn và cùng đó là những văn bản hướng dẫn chi tiết, để chúng ta là những người được hưởng những tiện ích của luật”, Đại tá Nguyễn Hồng Giang nêu rõ.

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại, Trưởng đoàn khảo sát phát biểu
Phát biểu kết thúc hội nghị, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại, Trưởng đoàn khảo sát nhấn mạnh, Đoàn khảo sát chúc mừng và đánh giá cao những kết quả mà Binh chủng Công binh đã đạt được trong thực hiện chính sách, pháp luật về Tình trạng khẩn cấp và tham gia lực lượng GGHB của LHQ trong thời gian qua. Với nhiều khó khăn phức tạp của thiên tai, các hoạt động an ninh phi truyền thống, Công binh đã xác định là lực lượng nòng cốt tham gia phòng chống, khắc phục hậu quả tại nhiều nơi như: Rào Trăng, khắc phục hậu quả cơn bão số 3, tham gia nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn quốc tế tại Thổ Nhĩ Kỳ, Myanmar. Đây là các hoạt động liên quan trực tiếp đến các nội dung của 2 dự thảo luật là Luật Tình trạng khẩn cấp và Luật Tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc. “Bộ Tư lệnh Binh chủng Công binh tiếp tục nghiên cứu, tham gia đóng góp nhiều ý kiến cụ thể về 2 dự thảo Luật, bởi khi luât ban hành và đi vào thực tiễn, chính các quân nhân, đơn vị như Công binh sẽ là đối tượng chịu sự tác động và thụ hưởng chính sách”, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng nhấn mạnh.
Trưởng đoàn khảo sát cũng ghi nhận các ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội thành viên và trả lời giải trình của đơn vị tại buổi làm việc, trong đó có vấn đề như: cơ chế phối hợp các lực lượng; thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, lực lượng trong luật. Đoàn khảo sát sẽ nghiên cứu, tổng hợp những đề xuất, kiến nghị của Binh chủng Công binh để phục vụ việc thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo luật, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 tới đây./.
Một số hình ảnh tại cuộc làm việc:

Đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội do Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm Trưởng đoàn làm việc với Bộ Tư lệnh lệnh Binh chủng Công binh.

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại chủ trì cuộc làm việc


Trung tướng Đỗ Quang Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại đánh giá cao về kết quả huấn luyện đối với lực lượng công binh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Trường Giang phát biểu tại cuộc làm việc.

Thiếu tướng Trần Đức Thuận, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại phát biểu tại cuộc làm việc.

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Thái Quỳnh Mai Dung phát biểu tại cuộc làm việc.

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Trịnh Xuân An phát biểu tại cuộc làm việc.

Đại tá Nguyễn Hồng Giang, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Binh chủng Công binh báo cáo giải trình một số nội dung mà Đoàn khảo sát quan tâm.

Trung tá Đỗ Văn Dũng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Công binh 93 phát biểu tại cuộc làm việc.

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại tặng quà lưu niệm Tiểu đoàn Công binh 93.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm.