Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất việc sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2006 để tháo gỡ ngay những điểm nghẽn, những nút thắt ghi nhận trong 17 năm triển khai thực hiện để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm chất lượng hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, bảo vệ và nâng cao sức cạnh tranh của nền sản xuất trong nước, trong đó tập trung vào một số vấn đề như sau:
1. Tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 30/7/2024 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng quốc gia đến năm 2030 và những năm tiếp theo để quản lý tốt chất lượng sản phẩm hàng hóa theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; phát triển Hạ tầng chất lượng quốc gia; thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng và phát triển công nghệ trong quản lý chất lượng; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường phân công, phân cấp trong quản lý, khắc phục tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giảm thiểu thủ tục hành chính.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phất biểu tại Phiên họp
2. Phạm vi sửa đổi của dự án Luật thống nhất tập trung vào 04 chính sách đã được Quốc hội thông qua để xử lý triệt để các bất cập hiện nay; tiếp tục đánh giá đầy đủ tác động của việc thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên để thể chế hóa tối đa các cam kết quốc tế; rà soát kỹ sự cần thiết, sự phù hợp, bảo đảm tính thống nhất với các luật khác hiện hành như Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Thanh tra, Luật Quy hoạch, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Viễn thông, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số; bảo đảm phù hợp với quan điểm đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật.
3. Nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của Cơ quan chủ trì thẩm tra về cơ sở phân loại hàng hóa nhóm 2; thể chế hóa nguyên tắc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo 04 nhóm chính sách Chính phủ trình dựa trên nền tảng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, có đánh giá sự phù hợp, có kiểm tra, kiểm chứng, giám định, thực thi; bổ sung một số chính sách và luật hóa thành các điều luật trong dự thảo Luật như: tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong hoạt động quản lý chất lượng, đặc biệt công nghệ AI, công nghệ chuỗi khối trong quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm; chính sách quản lý chất lượng đối với sản phẩm hàng hóa trọng điểm, chiến lược quốc gia; làm rõ định nghĩa, nội hàm hạ tầng chất lượng quốc gia, lựa chọn những nội dung lớn, cần thiết để quy định mang tính nguyên tắc trong Luật, xác định rõ trách nhiệm cơ quan nhà nước, vai trò, sự tham gia của doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong xây dựng Hạ tầng chất lượng quốc gia.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan điều hành Phiên họp
4. Làm rõ nội dung trọng tâm, cơ chế tài chính, cách tiếp cận hỗ trợ, lộ trình trong ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, khai thác triệt để thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư như công nghệ chuỗi khối, Internet vạn vật, trí thông minh nhân tạo trong quá trình quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm để giảm chi phí quản lý, thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và gắn trách nhiệm của doanh nghiệp với tiêu chuẩn, quy chuẩn công bố áp dụng; rà soát các quy định công bố hợp chuẩn, hợp quy theo hướng áp dụng các công nghệ mới trong quản lý nhằm tiết kiệm chi phí; đảm bảo thực hiện thống nhất việc công bố hợp quy ở các bộ chuyên ngành.
Làm rõ sự cần thiết của quy định về đánh giá sự phù hợp phục vụ quản lý nhà nước, lựa chọn tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định, về việc kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa, đặc biệt đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Rà soát việc quy định về thoả thuận thừa nhận lẫn nhau, thừa nhận đơn phương kết quả đánh giá sự phù hợp để bảo vệ nền sản xuất và người tiêu dùng trong nước để người dân tin tưởng tiêu thụ, ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tránh việc trục lợi chính sách.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy thay mặt cơ quan thẩm tra cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa
5. Rà soát bỏ các quy định trong dự thảo Luật về áp dụng pháp luật, thanh tra chuyên ngành, kiểm soát viên chất lượng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trách nhiệm quản lý nhà nước… bảo đảm tinh thần đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật, không quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ trong dự thảo Luật; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cần quy định rõ trách nhiệm của Bộ, ngành, cơ quan quản lý để bảo đảm nguồn lực khi phân cấp. Nghiên cứu bổ sung quy định quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử; nghiên cứu các hình thức hàng hóa mới hình thành, hàng hóa vô hình ảnh hưởng đến văn hóa, đạo đức con người.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo thẩm tra của Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường để hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm tra chính thức trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.