Rút ngắn thủ tục, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sớm đưa hàng hóa ra thị trường

25/03/2025

Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, sáng 25/3, tại Nhà Quốc hội, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tiến hành thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan điều hành nội dung phiên họp.

Xem xét, bổ sung quy định trách nhiệm xử lý hóa chất không đạt chuẩn sau khi lưu thông trên thị trường

Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã được Quốc hội thảo luận tại tổ và tại hội trường trong Kỳ họp thứ 8. Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan hữu quan, các chuyên gia nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật cùng với các tài liệu hồ sơ kèm theo.

Tại phiên họp thứ 41, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật; trên cơ sở thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan đã phối hợp tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, hoàn thiện hồ sơ gửi xin ý kiến Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và 63 Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, tiếp tục chỉnh lí dự thảo luật theo ý kiến góp ý, hoàn thiện hồ sơ để đưa ra thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

Đại biểu Lê Hữu Trí, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa phát biểu

Thảo luận tại Hội nghị, đại biểu Lê Hữu Trí, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa cho biết, khoản 2 Điều 45 và khoản 2 Điều 48 của Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hiện đang quy định rằng "Tổ chức, cá nhân công bố hợp chuẩn, hợp quy phải đăng ký bản công bố hợp chuẩn, hợp quy tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền". Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực tế việc tiếp nhận đăng ký bản công bố hợp chuẩn, hợp quy từ các tổ chức, cá nhân, đại biểu cho rằng việc yêu cầu đăng ký bản công bố đối với trường hợp tổ chức, cá nhân công bố dựa trên kết quả chứng nhận sự phù hợp từ các tổ chức chứng nhận đã được chỉ định hoặc đăng ký hoạt động là không cần thiết.

Theo đại biểu, việc này gây tốn kém thời gian, công sức và chi phí cho các tổ chức, cá nhân, vì các tổ chức chứng nhận này đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đánh giá, cấp phép hoạt động và quản lý, kiểm soát. Do đó, kết quả chứng nhận của họ đã có sự đảm bảo về tính chính xác và sự phù hợp của sản phẩm, hàng hóa, không cần thiết phải qua thêm một cơ quan quản lý địa phương khác xem xét hoặc quản lý lại.

Nếu vẫn tiếp tục duy trì quy định về việc đăng ký bản công bố hợp chuẩn, hợp quy, đại biểu đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng: tổ chức, cá nhân công bố hợp chuẩn, hợp quy dựa trên kết quả chứng nhận sự phù hợp của tổ chức chứng nhận sẽ được miễn việc đăng ký bản công bố tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Chỉ những tổ chức, cá nhân công bố hợp chuẩn, hợp quy dựa trên kết quả tự đánh giá của mình mới cần thực hiện việc đăng ký bản công bố tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang phát biểu

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Lê Thị Thanh Lam, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang cho biết, dự thảo Luật có nêu: "Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thẩm định dự thảo tiêu chuẩn quốc gia theo quy định tại Điều 18 của luật này. Thời hạn thẩm định không quá 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ". Tuy nhiên, việc quy định thủ tục hành chính trong dự thảo luật như vậy là chưa phù hợp với thực tế và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.

Đại biểu đề nghị đối với quy định này, về trình tự, thủ tục, nên giao Chính phủ quy định chi tiết tại nghị định hoặc thông tư hướng dẫn của Bộ sau khi luật được thông qua, để đảm bảo tính khả thi cao hơn. Đồng thời, cần nghiên cứu giảm thời hạn thẩm định, nhằm rút gọn trình tự, thủ tục và thời gian, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sớm đưa hàng hóa ra thị trường.

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng cần thiết quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Ban Kỹ thuật Tiêu chuẩn Quốc gia, để nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế và bảo vệ lợi ích quốc gia cho các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình phát biểu

Đại biểu cho biết, dự thảo luật hiện chỉ quy định về nhiệm vụ, mà chưa đề cập đến trách nhiệm và quyền hạn của Ban. Do đó, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung các quy định rõ ràng về trách nhiệm và quyền hạn, nhằm giúp Ban Kỹ thuật Tiêu chuẩn Quốc gia hoạt động hiệu quả hơn và đảm bảo tính minh bạch.

Đối với nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 20 về xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về thời hạn hiệu lực của bảng công bố tiêu chuẩn cơ sở và yêu cầu doanh nghiệp phải niêm yết công khai tại nơi sản xuất, kinh doanh. Việc quy định thời hạn hiệu lực sẽ đảm bảo chất lượng sản phẩm được công bố, đáp ứng kịp thời các tiêu chuẩn áp dụng và duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp qua thời gian. Bởi lẽ, các yếu tố cấu thành sản phẩm có thể thay đổi theo từng giai đoạn. Nếu không có quy định cụ thể, chất lượng sản phẩm không đảm bảo có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người tiêu dùng.

Ngoài ra, để thích ứng với công nghệ mới, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định linh hoạt, nhằm hỗ trợ việc xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật cho các ngành nghề mới, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cảm ơn các ý kiến tâm huyết của các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Nhấn mạnh đây là các ý kiến rất xác đáng, Bộ trưởng cho biết cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ nghiên cứu kỹ và tiếp thu tối đa để hoàn thiện dự thảo luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan phát biểu kết luận

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan cho biết, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách bày tỏ sự đồng thuận cao với nội dung tiếp thu và chỉnh lý, đồng thời tích cực đóng góp ý kiến sâu sắc vào các chính sách và điều khoản cụ thể của dự thảo luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, hoàn chỉnh dự thảo Luật trình Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua Kỳ họp thứ 9 sắp tới.

Hồ Hương - Phạm Thắng