Phân định rõ trách nhiệm và cơ chế phối hợp trong quản lý, sử dụng hóa chất

08/11/2024

Sáng 8/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội nghe báo cáo của Chính phủ và cơ quan thẩm tra về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi). Theo đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần phân định rõ trách nhiệm và cơ chế phối hợp trong quản lý Nhà nước; bổ sung quy định trách nhiệm của các Bộ thực hiện một số hoạt động về quản lý, sử dụng hóa chất cụ thể...

Quy định rõ trách nhiệm của Bộ ngành, địa phương trong quản lý hóa chất

Phân công quản lý, quy định rõ hóa chất độc hại

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung Kỳ họp

Đề cập về sự cần thiết ban hành Luật Hóa chất (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Luật Hóa chất được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2007. Sau 16 năm thi hành, Chính phủ nhận thấy, so với thời điểm ban hành, hệ thống pháp luật hiện nay đã có nhiều thay đổi.

Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn liên quan đến lĩnh vực hóa chất. Nhiều Luật mới có liên quan cũng đã được Quốc hội ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung. Cùng với đó, Việt Nam đã gia nhập nhiều Hiệp định Thương mại tự do và một số Công ước, Điều ước quốc tế mới về quản lý hóa chất.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh

Mặt khác, thực tiễn thi hành luật cũng cho thấy, một số quy định của Luật Hóa chất hiện hành đã bộc lộ những bất cập, vướng mắc, không còn phù hợp với tình hình thực tế. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Hóa chất là cần thiết nhằm kịp thời thể chế hóa các đường lối, chủ trương mới của Đảng trong lĩnh vực hóa chất và khắc phục một số vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với bối cảnh trong nước, quốc tế hiện nay và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) bám sát 04 chính sách lớn được Chính phủ thống nhất trình Quốc hội thông qua, bao gồm: (i) Phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại; (ii) Quản lý hóa chất đồng bộ trong toàn bộ vòng đời; (iii) Quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm; (iv) Nâng cao hiệu quả đảm bảo an toàn hóa chất.

Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trình bày Tờ trình về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi)

Dự thảo Luật gồm 09 chương, 89 điều (giảm 01 chương và tăng 18 điều so với Luật Hóa chất hiện hành). Việc tăng các điều, khoản trong dự thảo Luật chủ yếu và thực chất là các quy định mới về phát triển công nghiệp hóa chất, quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm và phân định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành về quản lý hóa chất.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, do yêu cầu cần thiết phải sửa đổi toàn diện, đồng bộ Luật Hóa chất như đã báo cáo ở phần trên, Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật tại Kỳ họp này và xem xét, thông qua tại Kỳ họp tới.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Sau kỳ họp này, trên cơ sở ý kiến thảo luận của các ĐBQH và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), bảo đảm thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng trong lĩnh vực hóa chất; đồng thời rà soát, xử lý các mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập (nếu có) với các luật khác để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, phù hợp với bối cảnh trong nước, quốc tế hiện nay và tương thích với các điều ước quốc tế và các công ước về hóa chất mà Việt Nam tham gia, nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa chất phát triển hiệu quả, bền vững.

Nghiên cứu, hoàn thiện quy định trách nhiệm về quản lý và sử dụng hóa chất

Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy khẳng định, Ủy ban cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Hóa chất (sửa đổi). Hồ sơ dự án Luật đã đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 này. Ủy ban đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát dự thảo Luật với các luật khác, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật.  

Về chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực hóa chất (Điều 6): Có ý kiến đề nghị bổ sung khoản 1 để thể chế hóa Kết luận số 36-KL/TW của Bộ Chính trị và bảo đảm tính tổng thể của chính sách từ phạm vi cả nước đến các vùng kinh tế và từng địa phương.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy 

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị làm rõ chính sách do Nhà nước ưu đãi và do Nhà nước đầu tư; có chính sách đầu tư thích đáng, chọn lọc, trọng tâm, trọng điểm để phát triển công nghiệp hóa chất; làm rõ tiêu chí cụ thể về quy mô nguồn vốn, tiến độ giải ngân quy định trong dự thảo Luật hoặc giao Chính phủ quy định. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về đầu tư phát triển, đào tạo, tuyển dụng nguồn nhân lực chuyên môn cao; khuyến khích đầu tư nghiên cứu, ứng dụng các loại hóa chất ít độc hại cho môi trường và sức khỏe con người, hướng tới tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Về phát triển công nghiệp hóa chất (Chương II): Có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật chỉ có 06 Điều là chưa đầy đủ để phát triển ngành công nghiệp hóa chất, đề nghị nghiên cứu, bổ sung các nội dung về: (i) Đầu tư hạ tầng kỹ thuật; (ii) Thương mại và thị trường; (iii) Nguyên liệu, sản phẩm, dịch vụ; (iv) Nhân lực khoa học và công nghệ; (v) Nâng cao năng lực cạnh tranh.

Về Chiến lược phát triển công nghiệp hóa chất (Điều 9) và trách nhiệm xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất (Điều 10): Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị làm rõ tính tương đồng giữa quy hoạch tỉnh và quy hoạch không gian của các địa phương, vùng lãnh thổ; nội dung định hướng của chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất; mối quan hệ giữa chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất với hệ thống quy hoạch quốc gia; nội dung phát triển ngành công nghiệp hóa chất trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị rà soát bảo đảm sự đồng bộ về thời kỳ giữa Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất với hệ thống quy hoạch.

Các ĐBQH tham dự Kỳ họp

Về ưu đãi đầu tư đối với lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm (Điều 12): Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị rà soát quy định này với Luật Đầu tư, bảo đảm phù hợp với Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Về hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm hàng hóa (Chương V): Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị làm rõ chức năng của cơ quan liên quan như các Bộ: Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên quan đến quản lý hóa chất trong sản phẩm chứa hóa chất; nghiên cứu, thể hiện lại các quy định cho phù hợp với Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Về quản lý Nhà nước về hóa chất (Chương VIII): Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị nghiên cứu, hoàn thiện quy định chi tiết, đầy đủ hơn, phân định rõ trách nhiệm và cơ chế phối hợp trong quản lý Nhà nước; bổ sung quy định trách nhiệm của các Bộ thực hiện một số hoạt động về quản lý, sử dụng hóa chất cụ thể; đánh giá nội dung phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để đảm bảo tính khả thi.

Bên cạnh các nội dung trên, Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị rà soát các thủ tục hành chính (quy định tại các Điều 24, 25, 31, 32, 34 và 38...) để cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết. Đề nghị bổ sung quy định về một số nội dung chuyển tiếp để phù hợp với Luật Đầu tư, rà soát tránh bỏ sót các trường hợp cần chuyển tiếp./.

Bích Lan-Nghĩa Đức-Phạm Thắng

Các bài viết khác