Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chỉ đạo công tác xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân

01/11/2024

Thời gian qua, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 là cơ sở pháp lý quan trọng, toàn diện cho việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát, góp phần đổi mới căn bản chất lượng hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử (từ Quốc hội tới Hội đồng nhân dân các cấp) trên nhiều lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội.

Để tiếp tục hoàn thiện thể chế trong công tác giám sát cho phù hợp với bối cảnh, tình hình thực tiễn hiện nay, cụ thể đối với Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Hội đồng Dân tộc là Cơ quan chủ trì lập đề nghị, soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương trực tiếp tham gia chỉ đạo xuyên suốt, “từ sớm từ xa” trong công tác xây dựng dự án Luật này.

Ngày 26/2, tại Nhà Quốc hội, Hội đồng Dân tộc tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến về Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân để tiếp tục hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo. Hội thảo có sự tham dự của Thường trực Hội đồng Dân tộc; các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập; đại diện Thường trực các Ủy ban của Quốc hội: Ủy ban Pháp Luật, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Xã hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục…

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Hội thảo này là bước đầu để cho ý kiến về Tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân cũng như Đề cương chi tiết dự thảo Luật, làm cơ sở để tổ chức các hội thảo tiếp theo và lập Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý các Hội thảo được tổ chức tiếp theo (tại tỉnh Hòa Bình, Thừa Thiên Huế và TP. Hồ Chí Minh) cần tham vấn thêm nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học một cách cẩn trọng, kỹ lưỡng.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo tham vấn ý kiến về Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND diễn ra sáng 29/2 tại Hòa Bình, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương khẳng định, đây là nhiệm vụ lập pháp đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV mà giao cho Cơ quan của Quốc hội chủ trì lập đề nghị soạn thảo xây dựng dự án Luật là Hội đồng Dân tộc và giao cho Ủy ban Pháp luật là Cơ quan chủ trì thẩm tra. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ban Chỉ đạo lập đề nghị xây dựng Luật rà soát toàn bộ bố cục và nội dung dự thảo Tờ trình, trong đó bám sát vào các chủ trương lớn của Đảng, đó là: Hoạt động giám sát phải trở thành khâu trọng tâm, then chốt trong hoạt động của Quốc hội, giám sát là để kiến tạo, giám sát là truy đến cùng nhưng cũng phải kiến tạo đến cùng…

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện lãnh đạo tỉnh Hòa Bình; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp; các Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội và Đại biểu Quốc hội các tỉnh phía Bắc và TP. Hà Nội; đại diện Hội đồng nhân dân các tỉnh phía Bắc; đại diện lãnh đạo Văn phòng Quốc hội; một số thành viên Ban chỉ đạo, Tổ biên tập tại khu vực phía Bắc, các chuyên gia Thường trực, nguyên Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, các chuyên gia của các cơ sở nghiên cứu và cơ sờ đào tạo.

Tại Hòa Bình, phát biểu tại Hội thảo tham vấn ý kiến về Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm - Trưởng Ban Chỉ đạo lập đề nghị xây dựng Luật cho biết, trên cơ sở kết quả tổng kết thi hành Luật, Hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật đã được hoàn thiện và đăng tải lấy ý kiến rộng rãi trên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội (từ ngày 01/12/2023), gửi lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức hữu quan, đối tượng chịu tác động theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời gửi lấy ý kiến Chính phủ. Các ý kiến của các cơ quan hữu quan đã được tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ và Hồ sơ lập đề nghị được chỉnh lý, hoàn thiện trước khi gửi cho Cơ quan thẩm tra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Chủ trì Phiên họp thứ nhất Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (tháng 6/2024) tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đề nghị các nội dung Tờ trình và dự thảo Luật cần phải thống nhất, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, nội dung sửa đổi phải phản ánh được các vấn đề của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Đại diện các Ủy ban của Quốc hội, đại diện Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố tham dự Phiên họp thứ nhất Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Tại Phiên họp thứ hai Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (tháng 8/2024) tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, vấn đề nâng cao chất lượng Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, nâng cao chất lượng hoạt động giải trình và giám sát văn bản quy phạm pháp luật chính là 3 yêu cầu quan trọng trong Nghị quyết số 27-NQ/TW. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần bám sát vào 3 yêu cầu này để sửa đổi, bổ sung một số điều của dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tháng 10/2024), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của Hội đồng Dân tộc - Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đã nghiên cứu, chuẩn bị Hồ sơ dự án Luật nghiêm túc, công phu. Nhấn mạnh tầm quan trọng, yêu cầu đổi mới đối với hoạt động giám sát, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, giám sát phải có trọng tâm, trọng điểm những vấn đề Đảng đặt ra cho Quốc hội, những vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm. Thông qua giám sát phải chỉ ra được điểm mạnh, vấn đề còn hạn chế; đặc biệt đưa ra kiến nghị/giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Đồng thời, quan tâm tới hậu giám sát, đảm bảo các kiến nghị sau giám sát được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần đảm bảo sự phù hợp của dự thảo Luật với chủ trương, đường lối của Đảng; giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân không chồng chéo với giám sát, thanh tra, kiểm tra của các cơ quan khác. Hoạt động giám sát của Quốc hội vừa phải bám sát, đáp ứng được nhu cầu xã hội, tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của Nhân dân, cử tri, đồng thời vừa phải gắn với công tác lập pháp.

Kết luận Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Đồng thời, đánh giá cao Hội đồng dân tộc đã tích cực nghiên cứu, chuẩn bị Hồ sơ nghiêm túc, công phu, bảo đảm đầy đủ tài liệu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đủ điều kiện để trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ủy ban Pháp luật đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội tổ chức thẩm tra bảo đảm chất lượng để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến. 

Phạm Hải - Bích Ngọc - Nghĩa Đức - Phạm Thắng

Các bài viết khác