Thẩm tra, cho ý kiến đối với các nội dung thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách

25/10/2024

Chiều 25/10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Tài chính-Ngân sách tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 26 để thẩm tra, cho ý kiến đối với các nội dung thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8. Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Mạnh chủ trì Phiên họp.

Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân đầu tư công

Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật

Toàn cảnh Phiên họp

Tham dự Phiên họp có các thành viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách; đại biểu đại diện cho Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cùng đại diện các Bộ ngành, cơ quan liên quan.

Tại Phiên họp, các đại biểu đã thẩm tra, cho ý kiến đối với dự án 3 dự án Luật, gồm: Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia (1 Luật sửa 7 Luật) theo trình tự, thủ tục rút gọn và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

5 nhóm vấn đề lớn trong sửa đổi dự án Luật Đầu tư công

Dự án Luật Đầu tư công năm 2019 được Quốc hội khóa XIV ban hành, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/1/2020. Luật đã kế thừa, phát huy những quan điểm, nội dung chính, mang tính cải cách của Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 về xây dựng, thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, yêu cầu quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án, nghiêm cấm phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn

Luật Đầu tư công có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ và hoàn chỉnh để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý hoạt động đầu tư và sử dụng vốn đầu tư công; khắc phục tình trạng quyết định đầu tư vượt quá khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách Nhà nước, đầu tư dàn trải, phân tán phần nâng cao hiệu quả đầu tư theo đúng mục tiêu, định hướng của chiến lược là kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Thời gian qua, việc triển khai thực hiện các quy định của Luật là một bước tiến lớn, đảm bảo công khai, minh bạch, hạn chế tình trạng xin - cho trong quản lý, sử dụng nguồn lực của Nhà nước, góp phần và tạo điều kiện để đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm trong đầu tư xây dựng cơ bản.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, sau gần 5 năm thực hiện, Luật Đầu tư công năm 2019 cũng đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, vướng mắc có tính cấp bách cần xử lý, tháo gỡ, một số quy định chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Do vậy, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính-Ngân sách nhất trí về sự cần thiết nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét Luật Đầu tư công (sửa đổi) nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật.

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Về phạm vi sửa đổi Luật Đầu tư công, Chính phủ trình nhiều nội dung quan trọng, bao gồm 5 nhóm vấn đề lớn: (i) nhóm chính sách thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; (ii) nhóm chính sách về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; (iii) nhóm chính sách về nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp Nhà nước; (iv) nhóm chính sách về thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài và (v) nhóm chính sách về đơn giản hóa trình tự, thủ tục và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế trong lĩnh vực tài chính, ngân sách

Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách Nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia (1 Luật sửa 7 Luật), Ủy ban Tài chính-Ngân sách và Ủy ban Kinh tế nhất trí sự cần thiết sửa đổi, bổ sung dự án Luật này để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế trong lĩnh vực tài chính, ngân sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút tối đa các nguồn lực nhà nước, ngoài nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước và trong tổ chức triển khai thực hiện.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà

Kết luận số 97-KL/TW ngày 5/10/2024 của Ban Chấp hành Trung ương kết luận Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về kinh tế - xã hội năm 2024 - 2025 yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng dự án 1 luật sửa 7 luật trong lĩnh vực tài chính để giải quyết các vấn đề cấp bách. Do đó, việc xây dựng dự án Luật báo cáo Quốc hội xem xét, có ý kiến là có cơ sở chính trị.

Đề xuất sửa đổi 10/11 điều của Luật Thuế TTĐB hiện hành

Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) số 27/2008/QH12 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2009, đã được sửa đổi, bổ sung 4 lần để góp phần khắc phục các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, bảo đảm phù hợp với các cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập.

Sau 16 năm thực hiện, Luật Thuế TTĐB đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng, ổn định nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, qua tổng kết, đánh giá, bên cạnh kết quả đạt được, nhiều quy định của Luật hiện hành đã bộc lộ những bất cập, hạn chế. Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Chính phủ nghiên cứu, rà soát Luật Thuế TTĐB để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật, Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội đã giao Chính phủ xây dựng phương án tăng thuế TTĐB đối với một số mặt hàng cần hạn chế tiêu dùng. Do đó, Ủy ban Tài chính-Ngân sách nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế TTĐB để thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương của Đảng, góp phần khắc phục các vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành, phù hợp với mục tiêu, định hướng trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ và xu hướng cải cách thuế TTĐB của các nước; đồng thời, xác lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ và thuận lợi hơn cho quá trình thực hiện, thể hiện rõ nết hơn vai trò điều tiết sản xuất, tiêu dùng của thuế TTĐB, góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước.

Chính phủ đề xuất sửa đổi 10/11 điều của Luật Thuế TTĐB hiện hành đồng thời, bổ sung 01 điều quy định về thời điểm xác định thuế TTĐB. Đa số ý kiến cho rằng, các nội dung Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung về cơ bản là những nội dung quan trọng của Luật Thuế TTĐB nhằm khắc phục, giải quyết các vướng mắc, bất cập được chỉ ra trong quá trình tổng kết, đánh giá thực thi Luật như quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuê, căn cứ tính thuế, giá tính thuế, thuế suất, hoàn thuế, khấu trừ thuế,... Do vậy, thống nhất với phạm vi sửa đổi và tên gọi là Luật Thuế TTĐB (sửa đối).

Một số ý kiến cho rằng, các nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật chủ yếu là để đồng bộ với quy định của pháp luật chuyên ngành hoặc luật hóa các nội dung đã được quy định tại các văn bản dưới Luật, nội dung sửa đổi, bổ sung có nội hàm mới so với quy định hiện hành không nhiều, chưa tương xứng với quy mô của Luật sửa đổi toàn diện.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh 

Ghi nhận các ý kiến, đề xuất tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh khẳng định sẽ rà soát kỹ lưỡng và tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp đối với 3 dự án Luật trên vào báo cáo thẩm tra trước khi trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 này.

Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Toàn cảnh Phiên họp

Các đại biểu và đại diện các Bộ ngành tham dự Phiên họp

Đại biểu Nguyễn Thị Yến - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan

Đại biểu Trần Chí Cường - Đoàn ĐBQH Tp. Đà Nẵng

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Đại biểu Trịnh Xuân An  - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai 

Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc./.

Bích Lan - Phạm Thắng

Các bài viết khác