Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân đầu tư công

16/10/2024

Cho ý kiến về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 tại phiên họp thứ 38, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, một trong các tồn tại, hạn chế là tiến độ giải ngân đầu tư công còn chậm, chưa đạt yêu cầu. Các ý kiến đề nghị cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn, tháo gỡ vướng mắc, khắc phục khó khăn để triển khai nguồn vốn hợp lý, nhanh chóng tạo ra hiệu quả tích cực với tình hình kinh tế xã hội.

UBTVQH cho ý kiến về Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2025

Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, về đầu tư công, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp hướng dẫn xử lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Tăng cường hoạt động, phát huy vai trò của các Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và các đoàn công tác của Thành viên Chính phủ để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Chính phủ đã tổng kết, đánh giá, đề xuất sửa đổi Luật Đầu tư công theo tinh thần đột phá, cải cách trong quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư công, tháo gỡ ngay các vướng mắc, điểm nghẽn, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng tính chủ động cho bộ, ngành, địa phương, đồng thời cá thể hóa, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện gắn với nâng cao năng lực thực thi và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát. Tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy giải ngân gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; sửa đổi Chương trình theo hướng quy định mức lãi suất ưu đãi hơn cho người mua nhà.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng đầu năm đạt 40,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 (đạt 42,35%). Việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu còn chậm, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Đề ra giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Chính phủ sẽ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, 03 CTMTQG, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đẩy mạnh đầu tư trong các ngành sản xuất kinh doanh chính. Có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm và 3 CTMTQG; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún; kiên quyết loại bỏ những dự án không thật sự cần thiết; trong đó ưu tiên bố trí nguồn lực của ngân sách trung ương thực hiện các công trình kết nối các tỉnh, kết nối vùng, kết nối quốc gia, quốc tế; các địa phương phải chủ động cân đối nguồn lực của địa phương để đầu tư các dự án thuộc phạm vi tỉnh với tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 111/2024/QH15 của Quốc hội, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các CTMTQG. Bảo đảm cân đối đủ nguồn vốn NSTW để hoàn thành Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực ngoài nhà nước; thu hút và thực hiện hiệu quả FDI; nâng cao vai trò và phát huy hiệu quả nguồn lực của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước. Tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là hạ tầng giao thông, năng lượng.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, ước thanh toán giải ngân vốn kế hoạch năm 2024 từ đầu năm đến ngày 31/8/2024 là 274.501 tỷ đồng, đạt 37,01% kế hoạch và đạt 40,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Con số này thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 về tỷ lệ (đạt 39,55% kế hoạch và đạt 42,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao) cũng như thấp hơn khoảng 25.000 tỷ đồng về số giải ngân tuyệt đối. Tính theo tỷ lệ giải ngân, có 13/44 bộ, cơ quan trung ương và 35/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên mức bình quân chung cả nước; tuy nhiên, vẫn còn 31/44 bộ, cơ quan trung ương và 28/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng đầu năm 2024 dưới mức trung bình chung của cả nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, có giải pháp hiệu quả đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, cần có giải pháp cụ thể, hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, công trình trọng điểm quốc gia; rà soát và có giải pháp hiệu quả để thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công tư.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, tình hình giải ngân vốn đầu tư công trong 9 tháng qua đang chậm, chỉ đạt 55,7% kế hoạch. Điều đáng lo ngại là tốc độ giải ngân tại các địa phương còn thấp hơn so với trung ương và so với cùng kỳ các năm trước, kể cả giai đoạn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Thậm chí, một số địa phương còn có tỷ lệ giải ngân dưới 10%. Mặc dù Chính phủ đã đặt ra mục tiêu cao là đạt 95% kế hoạch giải ngân trong năm nay, nhưng để đạt được mục tiêu này đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt và đồng bộ, đặc biệt là tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ tại những địa phương còn chậm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu

Tình hình giải ngân vốn đầu tư công chậm đã đặt ra yêu cầu cấp bách về việc hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý đầu tư công. Cần có những cơ chế, chính sách linh hoạt, hiệu quả hơn để khuyến khích các địa phương và các đơn vị chủ động, tích cực trong việc giải ngân vốn. Bên cạnh đó, đối với các dự án chậm tiến độ, cần xem xét điều chỉnh kế hoạch vốn, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án có khả năng giải ngân nhanh.

Tham gia ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, qua quá trình làm việc và trao đổi với các Bộ, ngành, có thể thấy vấn đề giải ngân vốn đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực văn hóa, xã hội đang tồn tại một số bất cập đáng chú ý. Mặc dù nhu cầu về nguồn vốn cho các hoạt động trong lĩnh vực này rất lớn, song tỷ lệ giải ngân lại còn khá thấp, dẫn đến tình trạng nguồn lực chưa được khai thác hiệu quả.

Phân tích nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, công tác xây dựng dự toán tại một số địa phương còn chưa sát thực với nhu cầu và khả năng thực hiện. Quá trình chuẩn bị đầu tư cho các dự án còn nhiều hạn chế, dẫn đến các vướng mắc về quy hoạch, giải phóng mặt bằng phát sinh trong quá trình giải ngân. Việc hướng dẫn về định mức kinh tế - kỹ thuật chưa được thực hiện một cách kịp thời và đầy đủ, gây khó khăn cho các đơn vị trong quá trình lập dự toán và giải ngân.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu

Để khắc phục những tồn tại trên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng cần nâng cao chất lượng công tác lập dự toán, hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư; cập nhật định mức kinh tế - kỹ thuật. Cụ thể, cần xây dựng dự toán một cách khoa học, chặt chẽ, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả. Rà soát kỹ lưỡng các yếu tố liên quan đến quy hoạch, giải phóng mặt bằng trước khi triển khai dự án. Tổ chức các lớp tập huấn thường xuyên để nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ, công chức làm công tác kế hoạch, tài chính. Sớm ban hành và cập nhật định mức kinh tế - kỹ thuật để phục vụ cho công tác lập dự toán và giải ngân. Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tin tưởng tình hình giải ngân vốn đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực văn hóa, xã hội sẽ được cải thiện, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và thực hiện thành công các nhiệm vụ phát triển.

Hồ Hương

Các bài viết khác