Đại biểu "Quốc hội trẻ em" đề xuất nhiều giải pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường

28/09/2024

Tiếp tục Chuơng trình Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em:” lần thứ II - năm 2024, một trong những nội dung được các đại biểu trẻ em tham gia góp ý sôi nổi tại Phiên thảo luận Tổ chiều 28/9 là vấn đề phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường. Các ý kiến đã đề xuất nhiều giải pháp thiết thực nhằm ngăn chặn và đẩy lùi vấn nạn này, trong đó nhấn mạnh sự phối hợp của các cơ quan chức năng để cấm bán thuốc lá điện tử và chất kích thích cho trẻ vị thành niên.

Khai mạc Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ hai

306 đại biểu “Quốc hội trẻ em” thảo luận tại Tổ về phòng, chống bạo lực học đường và phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ

Tại Phiên thảo luận Tổ về chủ đề “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường” trong khuôn khổ Chương trình Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em:” lần thứ II - năm 2024, các đại biểu trẻ em đã đề xuất nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm ngăn chặn và đẩy lùi vấn nạn này. Đáng chú ý, nhiều ý kiến đề xuất cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, các bộ, ngành để cấm bán thuốc lá điện tử và các chất kích thích cho trẻ vị thành niên; kiểm soát chặt chẽ hơn việc quảng cáo thuốc lá và các chất kích thích trên mạng xã hội... Đồng thời cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của gia đình, nhà trường và nhất là các em học sinh về tác hại của thuốc lá và các chất kích thích.

Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành

Nêu rõ thực trạng lạm dụng các nền tảng mạng xã hội (như facbook, TikTok..) để quảng cáo, lan truyền thông tin nhanh chóng về thuốc lá điện tử, các chất kích thích để tiếp cận với học sinh và giới trẻ về sản phẩm của mình, đại biểu trẻ em Lê Phương Bảo Ngọc - Đoàn TP. Hà Nội đề xuất một số giải pháp cho vấn đề này, trong đó nhấn mạnh tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức cho học sinh, phụ huynh và giáo viên để hiểu được tác hại của thuốc lá và các chất kích thích; tạo môi trường an toàn, tích cực, khuyến khích học sinh tham gia hoạt động ngoại khóa, thể thao để giảm bớt áp lực và gia tăng sự đoàn kết với các bạn, không lôi kéo nhau sử dụng thuốc lá điện tử và các chất kích thích.

Đại biểu trẻ em Lê Phương Bảo Ngọc - Đoàn TP. Hà Nội

Đại biểu trẻ em Lê Phương Bảo Ngọc mong muốn Bộ Y tế và Bộ Công an phối hợp chặt chẽ hơn để cấm ban hành và cấm buôn bán các chất kích thích và thuốc lá điện tử cho trẻ vị thành niên và trẻ em dưới 18 tuổi.

Đồng tình với quan điểm nêu trên, đại biểu trẻ em Nguyễn Hồ Hoài Như - Đoàn TP. Cần Thơ cho rằng có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến việc sử dụng chất thuốc lá và các chất gây nghiện và hiện chưa có hành lang pháp lý để đẩy lùi việc sử dụng các loại này trong môi trường học đường. Vì vậy, đại biểu trẻ em Nguyễn Hồ Hoài Như đề xuất bổ sung các quy định cụ thể trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Đại biểu trẻ em Nguyễn Hồ Hoài Như - Đoàn TP. Cần Thơ

“Tôi đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo Sở Thông tin, các cơ quan báo chí tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức hơn như hình ảnh để lại hậu quả khi sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử và các chất kích thích, đặc biệt đối với học sinh nhằm nâng cao nhận thức, định hướng thay đổi hành vi tích cực, bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và xã hội”, đại biểu trẻ em Nguyễn Hồ Hoài Như kiến nghị.

Cùng với đó, đề nghị Bộ Công thương có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất thuốc lá, rượu bia trong nước, các chính sách quản lý các loại thuốc lá thế hệ mới. Đại biểu trẻ em cho rằng, việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng, nhà trường, gia đình và xã hội sẽ ngăn chặn và quản lý được tốt hơn việc quảng cáo bất hợp pháp và rao bán các sản phẩm trên mạnh như hiện nay.        

Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức

Nêu rõ việc học sinh sử dụng thuốc lá, chất kích thích trong môi trường học đường ngày càng gia tăng, đại biểu trẻ em Vũ Hoàng Phong - Đoàn Lạng Sơn cho biết, trên phạm vi toàn quốc, khoảng 10% học sinh THCS và 20% học sinh THPT đã từng sử dụng thuốc lá, chất kích thích. Tỉ lệ các học sinh sử dụng chất kích thích như cần sa có xu hướng tăng với khoảng 2-3% học sinh đã từng sử dụng.

Đại biểu trẻ em Vũ Hoàng Phong - Đoàn Lạng Sơn

Để phòng, chống tác hại của thuốc lá và các chất kích thích trong môi trường học đường, đại biểu trẻ em Vũ Hoàng Phong cho rằng, cần tăng cường giáo dục sức khỏe thông qua các chương trình sinh động, hấp dẫn, tổ chức các hoạt động ngoại khóa lành mạnh hoặc khuyến khích sự tham gia của gia đình cũng rất quan trọng. Ngoài ra cần xây dựng môi trường an toàn, thiết lập quy định nghiêm ngặt và liên kết với cộng đồng để nâng cao nhận thức; theo dõi và can thiệp kịp thời nếu học sinh có dấu hiệu sử dụng các chất kích thích và thuốc lá trong môi trường học đường.

“Cần áp dung các biện pháp đổi mới hơn như phát triển ứng dụng di động dành cho học sinh để theo dõi sức khỏe, tham gia thử thách về lối sống lành mạnh, nhận được các phần thưởng cho những nỗ lực phòng chống tác hại của thuốc lá và chất kích thích; tổ chức các sự kiện như vẽ, diễn kịch… về tác hại của các chất này, tạo cơ hội cho học sinh bộc lộ cảm xúc”, đại biểu trẻ em Vũ Hoàng Phong đề nghị.

Nhấn mạnh các học sinh ở vùng sâu, vùng xa đang có xu hướng sử dụng chất kích thích ngày càng nhiều, đại biểu trẻ em Vũ Hoàng Phong kiến nghị cần có các giải pháp quan trọng hơn đối với các trẻ em ở vùng sâu, vùng xa; có các giải pháp sáng tạo và tích cực từ giáo dục và xã hội tạo ra môi trường an toàn, kết nối và khuyến khích học sinh tham gia vào các hoạt động lành mạnh, qua đó giúp nâng cao nhận thức và bảo vệ sức khỏe.

Các đại biểu tham dự Phiên thảo luận tại Tổ

Nhấn mạnh trong những năm gần đây, việc sử dụng thuốc lá điện tử và các chất kích thích trong môi trường học đường là vấn đề nổi cộm, gây ra lo ngại về sức khỏe và ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi, thái độ học tập và sự phát triển toàn diện của giới trẻ, đại biểu trẻ em Nguyễn Hà Anh - Đoàn TP. Hà Nội cho rằng, thực tế một số học sinh còn tìm đến các chất kích thích như ma túy tổng hợp, cần sa và các chất gây nghiện khác. Điều này dẫn đến giảm hiệu suất học tập, thậm chí gây ra các hành vi vi phạm pháp luật.

Để xuất giải pháp cho vấn đề này, đại biểu trẻ em Nguyễn Hà Anh cho rằng, Bộ Tài chính cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá để ngăn chặn sự gia tăng sức mua thuốc lá, hạn chế thanh niên tiếp cận với thuốc lá giá rẻ. “Thuế và giá là giải pháp có chi phí thấp nhưng mang lại hiệu quả cao đối với việc giảm tiêu dùng thuốc lá và là giải pháp hữu hiệu đã được Tổ chức Y tế thế giới và Ngân hàng Thế giới khuyến cáo các quốc gia áp dụng”, đại biểu trẻ em nêu rõ.

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước và toàn xã hội, cần tích cực truyền thông nâng cao hiểu biết về tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các chất kích thích và nâng cao trách nhiệm của giáo viên, phụ huynh, học sinh trong bảo vệ trẻ em.

Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận Tổ:

Đại biểu trẻ em Lê Ngọc Bảo Tiên - Đoàn TP. Cần Thơ, Tổ trưởng Tổ 6 điều hành nội dung thảo luận

Phó Vụ trưởng Vụ Phục vụ hoạt động giám sát (VPQH) Nguyễn Thanh Hà (trái) và Giám đốc Truyền thông khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Tổ chức Plan International Việt Nam Trần Thu Quỳnh (giữa) tham dự Phiên họp

Các đại biểu "Quốc hội trẻ em" dự Phiên họp

Đại biểu trẻ em Trần Thảo Mi - Đoàn Quảng Bình tham gia góp ý tại Phiên thảo luận Tổ

Đại biểu trẻ em Đặng Kim Thiên Kim - Đoàn TP. Hà Nội 

Đại biểu trẻ em Lâm Mai Linh - Đoàn Lạng Sơn

Đại biểu trẻ em Đỗ Cát Tường - Đoàn Sóc Trăng phát biểu tại Phiên họp

Đại biểu trẻ em Trần Minh Đăng - Đoàn Quảng Bình

Đại biểu trẻ em Nguyễn Phan Quỳnh Như - Đoàn TP. Cần Thơ

Đại biểu trẻ em Lê Thị Kiều Uyên - Đoàn Quảng Bình phát biểu tại Phiên thảo luận Tổ.

Phó Vụ trưởng Vụ Phục vụ hoạt động giám sát Nguyễn Thanh Hà phát biểu tại Phiên họp

Các đại biểu "Quốc hội trẻ em" chụp ảnh lưu niệm./.

Bích Ngọc - Phạm Thắng

Các bài viết khác