306 đại biểu “Quốc hội trẻ em” thảo luận tại Tổ về phòng, chống bạo lực học đường

28/09/2024

Trong khuôn khổ Chương trình Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II - năm 2024, chiều 28/9, tại Nhà Quốc hội, 306 đại biểu trẻ em tham gia Phiên thảo luận tại Tổ với hai chủ đề: “Phòng, chống bạo lực học đường” và “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường”.

Khai mạc Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ hai

Toàn cảnh Phiên thảo luận Tổ trong khuôn khổ Chương trình Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ II - năm 2024

Tiếp nối và phát huy những thành công rất tốt đẹp của Phiên họp “Quốc hội trẻ em” lần thứ I - năm 2023 và để chuẩn bị cho Phiên họp toàn thể giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II diễn ra vào ngày mai (sáng 29/9), chiều 28/9, tại Nhà Quốc hội, các đại biểu trẻ em tham gia Phiên họp thảo luận tại Tổ với 02 chủ đề: “Phòng, chống bạo lực học đường” và “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường”.

306 đại biểu “Quốc hội trẻ em” được chia thành 12 Tổ, mỗi Tổ có từ 24-26 thành viên là đại biểu trẻ em, mỗi đại biểu trẻ em phát biểu ý kiến trong 3 phút. Dưới sự điều phối của Tổ trưởng, Tổ phó, các ý kiến thảo luận tại Tổ sẽ được thư ký tổ dưới sự hướng dẫn của Dẫn trình viên tổng hợp ý kiến, ghi biên bản Phiên thảo luận. Tổ trưởng kết luận sơ bộ nội dung thảo luận của mỗi chủ đề; đồng thời trình bày dẫn giải các vấn đề tiếp thu để báo cáo trong Phiên họp toàn thể vào sáng mai.

Các đại biểu trẻ em tham dự Phiên thảo luận tại Tổ 10

Tham gia thảo luận tại Tổ, các đại biểu trẻ em tập trung thảo luận về các nội dung liên quan đến 02 chủ đề của Phiên họp toàn thể giả định. Phòng, chống bạo lực học đường và phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường là những vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống và tương lai của trẻ em Việt Nam. Do đó, qua tiếp xúc cử tri trẻ em tại địa phương, các ý kiến đã làm rõ những nguyên nhân khách quan, chủ quan, đồng thời đề xuất các giải pháp mang tính căn cơ, thiết thực để kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan.

Về chủ đề phòng, chống bạo lực học đường, các đại biểu trẻ em đã nêu lên thực trạng bạo lực học đường đang là vấn đề nhức nhối, gây bức xúc không chỉ trên thế giới mà ngay ở Việt Nam. Bạo lực học đường không chỉ là dùng vũ lực gây thương tích trên cơ thể mà còn là dùng lời nói, ngôn từ tiêu cực, ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần của học sinh.

Đại biểu trẻ em phát biểu ý kiến tại Phiên thảo luận tại Tổ 2

Chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường hiện nay, các đại biểu trẻ em cho rằng, nguyên nhân là do nhà trường chưa thực sự sát sao trong côn tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc quản lý học sinh; hành vi bạo lực học đường chưa có tính răn đe mạnh mẽ dẫn đến sau khi bị xử lý, một số học sinh tiếp tục hành vi bạo lực học đường. Về phía gia đình, mối quan hệ cha mẹ bất hòa khiến trẻ lớn lên với tâm lý không ổn định, hình thành những suy nghĩ tiêu cực, từ đó gây tổn thương cho những người xung quanh; cha mẹ chưa thực sự quan tâm tới con cái, thiếu sự giám sát cũng tăng khả năng khiến trẻ hình thành những tư tưởng bạo lực…

Từ thực trạng trên, các đại biểu trẻ em đề xuất các giải pháp nhằm phòng, chống bạo lực học đường như cần nghiên cứu, hoàn thiện các quy định cụ thể về phòng, chống bạo lực học đường, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục, giáo viên chủ nhiệm, nơi để xảy ra hành vi bạo lực học đường; nâng cao nhận thức cho đội ngũ giáo viên, cha mẹ học sinh, giáo dục đạo đức, kĩ năng, lối sống cho học sinh.

Một số ý kiến cho rằng, nhà trường có thể xây dựng Cổng thông tin phòng, chống bạo lực học đường nhằm đánh giá, sàng lọc, phát hiện và dự báo sớm những nguy cơ bạo lực, tổn thương sức khỏe tâm thần; tiếp nhận phản ánh nhanh các nguy cơ xảy ra bạo lực học đường. Đồng thời cần tăng cường mối liên hệ, phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường trong quản lý giáo dục học sinh, nắm bắt tình hình, thông tin…

Bàn về chủ đề 2 “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường”, các ý kiến chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến việc học sinh sử dụng thuốc lá, chất kích thích trong môi trường học đường là do thuốc lá điện tử dễ tiếp cận vì giá rẻ hoặc do căng thẳng từ môi trường sống, do sự nhận thức, giáo dục của gia đình chưa đúng, do muốn khẳng định bản thân, tò mò và chạy theo xu hướng cũng như không hiểu rõ tác hại lâu dài của thuốc lá, chất kích thích đối với sức khỏe.

Các đại biểu tham dự Phiên thảo luận tại Tổ 6

Nhấn mạnh cần có các giải pháp căn cơ cho vấn đề này, các đại biểu trẻ em đề nghị cần phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành để cấm bán thuốc lá điện tử cho người dưới 18 tuổi và xử phạt hành vi bán thuốc lá điện tử cho trẻ em; thiết lập các quy định rõ ràng để học sinh thay đổi nhận thức.

Một số ý kiến cũng cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền tác hại của thuốc lá điện tử trong trường học; chú trọng thực hiện các chương trình giáo dục nhằm ngăn ngừa học sinh sử dụng thuốc lá điện tử như tổ chức các hội thảo, diễn đàn có các chuyên gia; nên đưa phòng, chống tác hại của thuốc lá và chất kích thích vào các môn học chính khóa một cách sinh động, thú vị và đưa thêm các hoạt động ngoại khóa về phòng, chống thuốc lá điện tử, chất kích thích…

Tiếp theo Chương trình sáng 29/9, tại Nhà Quốc hội, Phiên họp Quốc hội trẻ em giả định Phiên chất vấn và trả lời chất vấn về công tác phòng chống bạo lực học đường, phòng chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường (do trẻ em điều hành). Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Phiên họp.

Một số hình ảnh của Phiên thảo luận tại 12 Tổ:

Các đại biểu trẻ em tham dự Phiên thảo luận tại Tổ 1

Đại biểu trẻ em phát biểu ý kiến thảo luận tại Tổ 2

Quang cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 3

Các đại biểu trẻ em tham dự Phiên thảo luận tại Tổ 4

Đại biểu trẻ em tại Tổ 5 phát biểu ý kiến

Các đại biểu trẻ em thảo luận tại Tổ 6

Quang cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 7

Các đại biểu trẻ em phát biểu ý kiến trong Phiên thảo luận tại Tổ 10

Các đại biểu tham dự Phiên thảo luận tại Tổ 12./.

Bích Ngọc - Phạm Thắng

Các bài viết khác