CẦN ĐẢM BẢO QUYỀN TIẾP CẬN THÔNG TIN CỦA NGƯỜI DÂN VỀ QUY HOẠCH ĐÔ THỊ VÀ QUY HOẠCH NÔNG THÔN

07/07/2024

Dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn đã được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào Kỳ họp thứ 7 và dự kiến xem xét, thông qua vào Kỳ họp thứ 8 tới. Tham gia góp ý hoàn thiện dự án Luật, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần rà soát các quy định liên quan để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật cũng như cần đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân về quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.

DỰ ÁN LUẬT QUY HOẠCH ĐÔ THỊ VÀ QUY HOẠCH NÔNG THÔN: CẦN QUY ĐỊNH PHÙ HỢP HƠN VỀ THỜI KỲ QUY HOẠCH ĐỂ ĐẢM BẢO ĐỒNG BỘ VỚI CÁC QUY HOẠCH KHÁC

Dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn gồm 06 Chương, 65 Điều, đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào Kỳ họp thứ 7 và dự kiến xem xét, thông qua vào Kỳ họp thứ 8 tới.

Quan tâm dự án Luật, đa số các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật này nhằm thể chế hóa định hướng của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện chính sách, pháp luật quy hoạch; kết hợp hài hòa giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng quy hoạch đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững tại các Nghị quyết của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển, hội nhập.

Để hoàn thiện dự án Luật, các ý kiến đề nghị cần xác định nguyên tắc cơ bản trong thực hiện quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, rà soát các quy định liên quan để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật cũng như cần đảm bảo quyền tiếp cận thông tin quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn của người dân.

Cần xác định nguyên tắc cơ bản trong thực hiện quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn

Thống nhất với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu Lê Kim Toàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, dự thảo Luật cần phải xác định rõ từ tên gọi, phạm vi điều chỉnh cho đến giải thích từ ngữ. “Điều chỉnh là quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn hay là quy hoạch đô thị và nông thôn, tức là trong quy hoạch đô thị thì có nông thôn. Tôi thấy từ tên gọi đến phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ đều chưa rõ”, đại biểu nêu quan điểm.

Đại biểu Lê Kim Toàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định

Do đó, đại biểu Lê Kim Toàn đề nghị cần phải xác định quy hoạch đô thị riêng, quy hoạch nông thôn riêng. Có những vùng trong đô thị có nông thôn và trong nông thôn thì có đô thị. Cần phải xác định rõ phạm vi điều chỉnh và nội hàm thì các nội dung sau trong dự án Luật mới rõ ràng, cụ thể.

Thứ hai, dự thảo Luật cần phải xác định nguyên tắc cơ bản trong thực hiện quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Quy hoạch đô thị thì theo các cấp đô thị, do đó chúng ta cần phải xác định các nguyên tắc. “Đã là quy hoạch đô thị thì phải hướng tới văn minh, hướng tới hiện đại và phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Còn trong quy hoạch và phát triển nông thôn phải giữ được bản sắc của làng quê Việt Nam. Đối với nhà ở nông thôn, chúng ta phải quy hoạch chung là nông thôn và phát triển nông thôn phải giữ được hồn cốt của làng quê Việt Nam”, đại biểu chia sẻ.

Dẫn chứng thực tế ở một số quốc gia phát triển, đại biểu nhận thấy, khi về vùng nông thôn, nhìn cảnh quan nông thôn của các quốc gia đó toát lên văn hóa của quốc gia và của dân tộc đó, từ bố trí không gian, cảnh quan, kiến trúc đều thể hiện được hồn cốt của quốc gia, của dân tộc. Vì vậy, trong quá trình quy hoạch nông thôn, phát triển nông thôn, đặc biệt là đô thị hóa nông thôn, đại biểu Lê Kim Toàn lưu ý cần đặc biệt quan tâm đến văn hóa, đó là hồn cốt của dân tộc nên cần phải xác định được nguyên tắc.

Thứ ba, đại biểu Lê Kim Toàn cho rằng, quy hoạch nhưng phải yêu cầu rất cao trong xây dựng kế hoạch để thực hiện quy hoạch và tính tuân thủ quy hoạch trong tổ chức thực hiện. Đặc biệt lưu ý việc điều chỉnh quy hoạch.

“Chúng ta cũng phải đưa ra những yêu cầu trong những trường hợp nào thì mới được phép điều chỉnh quy hoạch. Khi xây dựng quy hoạch ban đầu kỳ vọng rất cao, rất khó khăn mới xây dựng được một quy hoạch qua nhiều bước, nhiều quy trình. Nhưng sau điều chỉnh quy hoạch thì thủ tục ngược lại, đáp ứng những yêu cầu nhất thời, bỏ qua những nguyên tắc cơ bản ban đầu đã xác định. Cho nên, yêu cầu đã quy hoạch tốt rồi thì phải yêu cầu rất cao trong xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, đặc biệt quản lý và thực hiện quy hoạch thì mới đạt được yêu cầu”, đại biểu phân tích.

Rà soát các quy định liên quan để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật

Nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn mong muốn dự thảo Luật này có quy định để làm rõ mối quan hệ về các cấp của quy hoạch, tức là quy hoạch cấp trên, quy hoạch cấp dưới, quy hoạch cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch cấp trên và quan trọng hơn là phải điều chỉnh theo đúng quy hoạch của Luật Quy hoạch năm 2017. Đồng thời, đại biểu cho rằng, phải đảm bảo sự phù hợp của các quy hoạch, quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn phải phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung của huyện, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn

Từ ý kiến của cử tri địa phương, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân cũng đề nghị dự thảo Luật cần làm rõ quy định đối với khu vực đô thị hiện hữu đã được đầu tư xây dựng đồng bộ về công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và công trình kiến trúc từ trước có phải lập phân khu hay không. Đây là nội dung cử tri của tỉnh Bắc Kạn mong muốn gửi đến Quốc hội để có thể thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, và quan trọng là các quy hoạch này tránh sự trùng chéo, trùng lắp và đảm bảo tiết kiệm nguồn lực khi xây dựng quy hoạch.

Đồng tình với sự cần thiết của việc ban hành Luật này cũng như phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, đại biểu Trần Thị Hồng An - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi tham gia góp ý về sự phù hợp của dự án Luật với các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Đại biểu nhận thấy, dự thảo Luật này phải phù hợp với luật, các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các điều ước quốc tế có liên quan đến quyền dân sự, đến chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của con người, trong đó có các cam kết tại các điều ước quốc tế có liên quan để góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Về quy định kinh phí cho công tác lập quy hoạch được quy định tại Điều 10 và Điều 11 của dự thảo, đại biểu nêu rõ, 02 điều khoản của dự thảo Luật có nêu “kinh phí được sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước để phục vụ hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn”. Tuy nhiên, lại cũng quy định “khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước cũng như tổ chức, cá nhân nước ngoài tài trợ kinh phí hỗ trợ cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn”. Do đó, để đảm bảo việc huy động cũng như sử dụng các nguồn lực hỗ trợ này không dẫn đến hệ lụy về việc lợi dụng chính sách cũng như cài cắm lợi ích thì cá nhân, đại biểu Trần Thị Hồng An đề nghị bổ sung các quy định chặt chẽ trong việc huy động, sử dụng nguồn lực hỗ trợ khi kèm điều kiện từ nhà tài trợ cũng như quy định trách nhiệm công bố công khai, minh bạch thông tin của các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, cơ quan, đơn vị tiếp nhận nguồn lực hỗ trợ và việc sử dụng nguồn lực hỗ trợ này.

Cần quy định rõ việc công khai quy hoạch để đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân

Đại biểu Trần Thị Hồng An - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Liên quan đến Điều 52 và Điều 53 của dự thảo Luật quy định về cơ sở dữ liệu quy hoạch đô thị và nông thôn cũng như khả năng tiếp cận thông tin của người dân, đại biểu nhận thấy, vấn đề tiếp cận thông tin quy hoạch là nội dung được cử tri và người dân hết sức quan tâm và đây cũng là điều kiện đảm bảo quyền giám sát của nhân dân trong quá trình thực hiện quy hoạch, quản lý, phát triển đô thị, nông thôn, đảm bảo phòng ngừa các tiêu cực.

Tuy nhiên, để đảm bảo khả năng tiếp cận thông tin của người dân, đại biểu Trần Thị Hồng An đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát, đối chiếu với các quy định có liên quan tại Luật Tiếp cận thông tin cũng như Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (mà Quốc hội mới ban hành khóa XV) về thời điểm cũng như về hình thức và trách nhiệm trong việc công bố quy hoạch để từ đó nghiên cứu quy định bổ sung các nội dung này hoặc dẫn chiếu đến các quy định của 02 luật trên.

Ngoài ra, đại biểu Trần Thị Hồng An đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định trong dự thảo Luật để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống các văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực quy hoạch đất đai, xây dựng do có nhiều nội dung quy định về công tác quy hoạch được thể hiện tại các văn bản pháp luật liên quan nêu trên để tránh chồng chéo cũng như gây lãng phí trong khâu tổ chức thực hiện.

Nhất trí sự cần thiết để ban hành Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, đại biểu Nguyễn Thanh Phong - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long góp ý tại Điều 1 phạm vi điều chỉnh, đề nghị bổ sung thêm cụm từ “theo dõi, giám sát thực hiện quy hoạch”, vì đây là vấn đề người dân rất quan tâm.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phong - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long

Cùng bàn về quy định tiếp cận, cung cấp thông tin quy hoạch, đại biểu Nguyễn Thanh Phong cho rằng, cần quy định rõ việc công khai quy hoạch trên cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, phải được đăng tải đầy đủ cả quyết định, bản đồ, thuyết minh của tất cả các đồ án quy hoạch mới cũng như điều chỉnh quy hoạch tổng thể, điều chỉnh cục bộ để người dân cập nhật được thông tin quy hoạch.

Tại khoản 5 Điều 16 về trách nhiệm tổ chức quy hoạch đô thị và nông thôn, dự thảo Luật đề cập đến trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã. Đại biểu Nguyễn Thanh Phong đề nghị nên giao lại thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện vì ở cấp xã còn gặp nhiều khó khăn về nguồn nhân lực, trình độ, năng lực dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện.

Về thời hạn, thời kỳ quy hoạch tại khoản 5 Điều 21, đại biểu nhận thấy, Luật Đất đai năm 2024 vừa thông qua chưa có hiệu lực thì quy định thời kỳ quy hoạch sử dụng đất cấp huyện là 10 năm, tầm nhìn quy hoạch sử dụng đất là 20 năm. Như vậy, giữa các loại quy hoạch về thời kỳ, thời hạn chưa giống nhau. Do đó, đại biểu Nguyễn Thanh Phong đề nghị cần điều chỉnh thời hạn quy hoạch của dự án Luật đồng bộ với thời kỳ quy hoạch sử dụng đất cho phù hợp.

Liên quan đến khoản 1 Điều 36, việc lấy ý kiến các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, chuyên gia được quy định các bước lập quy hoạch hoặc các bước thẩm định quy hoạch. Đại biểu Nguyễn Thanh Phong đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ phần lấy ý kiến dân cư đối với nhiệm vụ quy hoạch chung, còn quy hoạch phân khu chỉ quy định trong bước lập quy hoạch nhằm mục đích giảm bớt các thủ tục, đẩy nhanh tiến độ trong công tác lập quy hoạch./.

Bích Ngọc