CẦN TRIỂN KHAI ĐỒNG BỘ GIẢI PHÁP ĐỂ ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

07/07/2024

Cải cách thủ tục hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp. Nêu ra hiện trạng nhiều thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần triển khai đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng này.

THƯỜNG TRỰC ỦY BAN PHÁP LUẬT CHO Ý KIẾN VỀ CÁC BÁO CÁO KẾT QUẢ RÀ SOÁT VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT VÀ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Cải cách hành chính cần đi song song với hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng Chính phủ điện tử

Bàn về vấn đề cải cách thủ tục hành chính, đại biểu Hoàng Minh Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng, những bất cập trong thủ tục hành chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến trì trệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, làm năng suất lao động của người Việt Nam chưa cao so với mức trung bình trong khu vực.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Đại biểu lấy ví dụ, từ một hội nghị tổng kết đánh giá việc thực hiện Luật Xuất bản, một Giám đốc Nhà xuất bản đã nêu rằng, khi muốn xuất bản một quyển sách thì nhà xuất bản phải có ít nhất 100 chữ ký, thời gian xuất bản một quyển sách bị kéo chậm lại bởi rất nhiều trình tự thủ tục rối ren này. Đây là ví dụ cho thấy chậm cải cách thủ tục hành chính sẽ làm ảnh hưởng nặng nề tới năng suất lao động. Nhấn mạnh rằng việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính có thể được tiến hành một cách chủ động, đại biểu kiến nghị Chính phủ nên xem đây là một trọng tâm để thực hiện trong nửa cuối của nhiệm kỳ.

Cùng bàn về vấn đề này, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An cho rằng, trong hai năm vừa qua, việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử đã được thực hiện tích cực và mạnh mẽ, được doanh nghiệp và người dân ghi nhận, đánh giá cao, đặc biệt trong việc thu gọn đầu mối tiếp nhận hồ sơ, văn bản, số hóa để thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến, tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức cho người dân, doanh nghiệp.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An

Để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, đại biểu cho rằng  cần tiếp tục phân cấp rõ trong việc thực hiện các thủ tục hành chính; hoàn thiện pháp luật để đi song song với cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, xây dựng các cơ sở dữ liệu phục vụ tốt nhất cho Chính phủ số và chuyển đổi số, thiết lập các lộ trình cải cách hành chính phù hợp với từng địa phương, từng ngành, lĩnh vực.

Trong khi đó, đại biểu Trần Chí Cường – Đoàn ĐBQH Tp.Đà Nẵng cho rằng, việc rà soát, điều chỉnh, sửa đổi các văn bản khu vực chồng chéo, bất cập giữa các văn bản còn chậm được triển khai. Trong thời gian vừa qua Chính phủ đã nỗ lực rất lớn trong việc thực hiện rà soát để cải cách thủ tục hành chính, trong đó có việc thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về cắt giảm thủ tục và thực hiện việc giải quyết thủ tục hành chính qua mạng với việc triển khai áp dụng VNeID về cơ sở dữ liệu công dân để thực hiện thủ tục hành chính tập trung trên cổng hành chính quốc gia cũng được đẩy mạnh ở các địa phương và các bộ, ngành.

Đại biểu Trần Chí Cường – Đoàn ĐBQH Tp.Đà Nẵng

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, việc sửa đổi văn bản pháp quy phạm pháp luật chồng chéo còn chậm, cùng với đó là chậm ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành của các luật, đặc biệt những luật mới vừa ban hành, đã làm gia tăng thêm tâm lý e dè, sợ sệt, né tránh, đùn đẩy mà Chính phủ cũng đã chỉ ra trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy hành chính. Đại biểu cho rằng, với văn bản chưa được rõ ràng, quy phạm pháp luật chưa được rõ ràng. Hướng dẫn quy định chi tiết chưa được ban hành thì sẽ tạo thêm tâm lý e ngại. Do đó, đại biểu đề nghị phải rà soát các văn bản chồng chéo, trùng lắp và gây mâu thuẫn giữa các văn bản quy phạm pháp luật, sớm ban hành các quy định chi tiết các văn bản, hướng dẫn dưới luật để có thể triển khai được một cách thông thoáng, tạo một căn cứ pháp lý thực sự là điểm tựa cho hệ thống chính trị triển khai các công việc.

Cần tháo gỡ ba “điểm nghẽn” trong thực hiện cải cách hành chính

Quan tâm đến việc Chính phủ rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính theo Nghị quyết số 103/2023/QH15 về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2024, đại biểu Trần Hồng Nguyên – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận đánh giá Chính phủ đã rất quan tâm, thiết lập một chương trình để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục liên quan đến hoạt động kinh doanh, đã được triển khai trên diện rộng với số lượng lớn các quy định tại nhiều văn bản do Chính phủ ban hành và thuộc trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành, đặc biệt là các bộ, ngành có liên quan đến lĩnh vực về đầu tư kinh doanh, qua đó đã góp phần rất lớn tạo sự chuyển biến trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Đại biểu cũng cho biết, tuy thủ tục cũng đã giảm được nhiều nhưng chi phí tuân thủ giảm chưa tương xứng và theo báo cáo, hiện nay, chi phí tuân thủ mới đạt được 10%, trong khi đó yêu cầu là 20%. Đây cũng là một hạn chế, Chính phủ cũng cần quan tâm. Theo phản ánh của các Hiệp hội doanh nghiệp, thông qua VCCI các phương án cắt giảm, đơn giản hóa vẫn chưa thực sự đạt được như kỳ vọng của doanh nghiệp và trong một số trường hợp còn mang tính hình thức.

Về xử lý vướng mắc trong việc thực hiện phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính trong giai đoạn 2020 - 2025, theo kết quả theo báo cáo của Chính phủ cho thấy, kết quả cũng còn đang rất khiêm tốn, mới chỉ đạt được 29,5% so với yêu cầu, trong đó, có một số bộ chưa thực hiện phân cấp theo phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ví dụ như Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp đối với việc xử lý vướng mắc về bất cập đối với thủ tục hành chính, về giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư. Nội dung này đã được Chính phủ quan tâm chỉ đạo, Bộ Công an cũng như nhiều các bộ, ban, ngành liên quan về việc thông tin, kết nối thông tin để phục vụ cho người dân. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xem là một bước đột phá trong quản lý dân cư tại Việt Nam.

Đại biểu Trần Hồng Nguyên – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận

Theo báo cáo của Chính phủ, đến nay 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 đã hoàn thành việc tích hợp cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tuy nhiên, việc triển khai đã gặp một số vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện. Thủ tướng Chính phủ đã rất kịp thời, có Công điện số 452 về việc tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn trong việc thực hiện đề án 06. Trong đó, tập trung tháo gỡ năm điểm nghẽn về thể chế, về hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, về dịch vụ công, về cơ sở dữ liệu và nguồn lực. Cho rằng việc tháo gỡ đang được từng bước thực hiện, đại biểu cho rằng Chính phủ cần lưu tâm ba “điểm nghẽn” sau:

Thứ nhất, một số bộ, ngành chưa hoàn thành việc rà soát, đề xuất các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung để chuyển đổi quy trình, phương thức thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công từ trực tiếp sang môi trường điện tử.

Thứ hai, một số địa phương, trình độ về công nghệ thông tin của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp xử lý thực hiện thủ tục hành chính chưa đáp ứng yêu cầu.

Thứ ba, một số địa phương, giao diện cổng dịch vụ công còn phức tạp, thanh toán trực tuyến hạn chế. Các trường thông tin có sẵn trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa được tự động điền vào mẫu.

Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khắc phục, tháo gỡ những khó khăn, tồn tại ở 3 “điểm nghẽn” này để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và người dân. Theo đại biểu, nếu chúng ta kết nối thông tin mà các thông tin không kết nối với nhau, dữ liệu máy móc trục trặc sẽ ảnh hưởng đến thủ tục hành chính liên quan đến người dân. Đồng thời, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm về việc xây dựng cơ sở dữ liệu, cải cách thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực nhà ở, đất đai và y tế, do đây là ba lĩnh vực thiết thực và gắn với đời sống hàng ngày của người dân.

Hồ Hương