ƯU TIÊN PHÂN BỔ NGÂN SÁCH CHO ĐỊA PHƯƠNG KHÓ KHĂN TRONG THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI

24/06/2024

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), các ĐBQH cho rằng, cần có sự nghiên cứu phân bổ ngân sách cho địa phương khó khăn, khu vực biên giới trong thực hiện công tác phòng, chống mua bán người cũng như hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 24/6: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI (SỬA ĐỔI)

Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 24/6, dưới sự điều hành của  Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đóng góp cho dự án Luật là cần có sự ưu tiên phân bổ ngân sách cho địa phương khó khăn, khu vực biên giới thực hiện công tác phòng, chống mua bán người.

Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)

Để công tác phòng, chống mua bán người được thực hiện hiệu quả, đại biểu Chamaléa Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại các quy định về các chính sách của dự án Luật này cho phù hợp với thực tế và phù hợp với các quy định pháp luật khác. Ví dụ như tại khoản 4, Điều 5 dự thảo Luật quy định: “Hằng năm, Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người, ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”. Tuy nhiên, ở khu vực biên giới, tình hình mua bán người cũng xảy ra nghiêm trọng, diễn biến rất phức tạp nên cần bổ sung khu vực này vào khu vực được ưu tiên bố trí ngân sách Nhà nước hằng năm.

Mặt khác, tại điểm d, khoản 1, Điều  60 của dự thảo Luật quy định trách nhiệm của UBND các cấp: “Trình Hội đồng Nhân dân cùng cấp bố trí kinh phí thực hiện công tác phòng, chống mua bán người cho các cơ quan, đơn vị ở địa phương theo quy định của Luật Ngân sách và các văn bản hướng dẫn thi hành”. Theo đại biểu Chamaléa Thị Thủy, Ban soạn thảo dự án Luật nên nghiên cứu lại điều khoản này. Bởi vì nếu giao cho các địa phương tự bố trí kinh phí thực hiện công tác phòng, chống mua bán người sẽ rất khó cho các địa phương, nhất là các các địa phương nguồn thu ngân sách thấp.

Đại biểu Chamaléa Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận

Đồng thuận với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật bổ sung khu vực biên giới được hưởng chế độ ưu tiên, được Nhà nước bố trí ngân sách hằng năm cho công tác phòng, chống mua bán người. Bởi lẽ rằng, ở khu vực biên giới có nhiều xã, thôn, buôn vẫn không phải là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để thụ hưởng chính sách này. Mặt khác, ở khu vực này, nhiều nơi trình độ dân trí còn thấp, tình trạng di cư trái pháp luật đến chiếm tỉ lệ khá cao, làm cho công tác quản lý nhà nước gặp nhiều khó khăn và cũng ở khu vực. Do vậy, Ban soạn thảo dự án Luật cần nghiên cứu kỹ hơn về vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt đề nghị Ban soạn thảo cũng cần làm rõ việc ưu tiên bố trí ngân sách cho công tác này được thực hiện như thế nào để dễ dàng thực hiện khi luật có hiệu lực thi hành. Trong dự luật cũng không có quy định Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này nên đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm một nội dung "Chính phủ cần có quy định hướng dẫn cụ thể cho việc bố trí nguồn kinh phí".

Để góp phần hoàn thiện dự án Luật, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu thống nhất với những nội dung trong dự án Luật và cho rằng chính sách ưu tiên bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là chính sách mới, hoàn toàn đúng đắn và phù hợp thực tế, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta trong công tác phòng, chống mua bán người tại những địa bàn này.

Đại biểu Lê Thị Ngọc Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu

Tuy nhiên, qua tổng kết thực tiễn, vấn nạn mua bán người không chỉ xảy ra ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà trong thực tế hiện nay, vấn đề mua bán người diễn ra rất phức tạp và trên phạm vi cả nước. Chính vì vậy, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh đề nghị Chính phủ cần quy định thêm ưu tiên bố trí ngân sách cho những vùng có tình hình mua bán người xảy ra nghiêm trọng, phức tạp, vùng biên giới, hải đảo nhằm tạo động lực và điều kiện thuận lợi cho các vùng này thực hiện tốt nhiệm vụ trong công tác phòng, chống mua bán người, góp phần làm giảm, làm dừng tình trạng mua bán người trong thời gian tới.

Sẽ kiềm chế gia tăng của tội phạm mua bán người, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội

Với những ý kiến đóng góp của các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang khẳng định: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) được ban hành sẽ là một bước phát triển trong hoạt động lập pháp của Nhà nước ta nói chung và trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người nói riêng, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân. Đặc biệt, sẽ kiềm chế gia tăng của tội phạm mua bán người, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang làm rõ những ý kiến của các ĐBQH xung quanh dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)

Các ý kiến của ĐBQH đều thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm cao để hoàn thiện dự thảo luật. Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ báo cáo Chính phủ và phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng để chỉnh lý, hoàn thiện quy định trong dự án Luật. Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật sẽ có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra của Quốc hội và các cơ quan liên quan tiếp thu tối đa, giải trình thấu đáo, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 theo đúng chương trình của Quốc hội.

Kết luận Phiên thảo luận về nội dung trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thường trực Ủy ban Tư pháp phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến của các ĐBQH để hoàn thiện dự án Luật. Bên cạnh đó là tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến chuyên gia để trao đổi, làm rõ thêm các nội dung của dự thảo luật, nhất là các vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm phát biểu ý kiến.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định 

Trên cơ sở đó, các cơ quan hoàn thiện dự án Luật và báo cáo tiếp thu, giải trình để trình Hội nghị ĐBQH chuyên trách. Sau đó, tiếp tục hoàn thiện dự thảo gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH, ĐBQH, các cơ quan, tổ chức có liên quan trước khi hoàn chỉnh để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 8 diễn ra vào tháng 10/2024./.

Bích Lan