TẠO ĐIỀU KIỆN ĐỂ NGHỆ AN CÓ CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ, VƯỢT TRỘI GẮN VỚI PHÁT TRIỂN RỪNG

06/06/2024

Thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần tận dụng thế mạnh về rừng của tỉnh Nghệ An để tạo điều kiện cho tỉnh có những chính sách đặc thù, vượt trội gắn với phát triển rừng nhằm mang lại nguồn thu không chỉ cho địa phương mà còn cho quốc gia, từ đó có chính sách đầu tư phát triển, đảm bảo phát triển bền vững.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: TRÊN CƠ SỞ THÍ ĐIỂM CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH, SẼ TỔNG KẾT THỰC TIỄN ĐỂ ĐƯA VÀO LUẬT

PHÁT HUY TIỀM NĂNG, THẾ MẠNH CỦA CÁC ĐỊA PHƯƠNG ĐỂ TIẾP TỤC ĐÓNG GÓP VÀO SỰ PHÁT TRIỂN CHUNG CỦA ĐẤT NƯỚC

Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An

Chiều ngày 6/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Dự thảo Nghị quyết quy định 04 nhóm lĩnh vực với tổng số 14 chính sách, bao gồm: (i) Quản lý tài chính - ngân sách nhà nước (04 chính sách); (ii) Quản lý đầu tư (06 chính sách); (iii) Quản lý đô thị, tài nguyên rừng (02 chính sách); (iv) Tổ chức bộ máy và biên chế (02 chính sách).

Một trong những vấn nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm trong quá trình thảo luận về dự thảo Nghị quyết là chính sách quản lý tài nguyên rừng. Theo đó, chính sách này cho phép tỉnh Nghệ An được giữ lại và sử dụng nguồn kinh phí trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thu từ các dự án phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh không có điều kiện tự trồng rừng thay thế phải nộp tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh để thực hiện biện pháp lâm sinh khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung hoặc khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên.

Quan tâm tới nội dung này, đại biểu Lê Hoàng Hải - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho biết, Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu đến năm 2030, Nghệ An là tỉnh phát triển khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ, giá trị hệ sinh thái rừng, biển, đảo, văn hóa, lịch sử và truyền thống, nhất là văn hóa xứ Nghệ được bảo tồn và phát huy.

Đại biểu Lê Hoàng Hải - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai

Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo Nghị quyết, đại biểu nhận thấy, giá trị hệ sinh thái rừng chưa được làm nổi bật tại chính sách quản lý tài nguyên rừng. Theo đại biểu, tỉnh Nghệ An là địa phương có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 1 triệu hecta đất có rừng và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá là một trong những tỉnh có độ che phủ rừng tốt, lớn nhất cả nước.

Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã nhận định trong tương lai, thị trường mua bán tín chỉ carbon sẽ ngày càng sôi động. Vì vậy, ngành nông nghiệp, lâm nghiệp Việt Nam cần phải đón đầu xu hướng này để tăng cao lợi nhuận từ bây giờ. Do đó, đại biểu cho rằng, cần tận dụng thế mạnh về rừng của Nghệ An để tạo điều kiện cho tỉnh có những chính sách đặc thù, vượt trội gắn với phát triển rừng để mang lại nguồn thu không chỉ cho địa phương mà còn cho quốc gia, từ đó có chính sách đầu tư phát triển cho địa phương, đảm bảo phát triển bền vững.

Thêm vào đó, đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế ủng hộ việc thông qua chính sách sử dụng nguồn kinh phí trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khai thác đối với tỉnh Nghệ An. Theo đại biểu, hiện nay toàn tỉnh Nghệ An có hơn 72.000 hecta đất lâm nghiệp chưa có rừng, do đó việc cho phép tỉnh Nghệ An giữ lại và sử dụng nguồn kinh phí trồng rừng thay thế khi chuyển đến mục đích sử dụng khác để thực hiện biện pháp trồng rừng mới là khả thi, hiệu quả và cũng phù hợp với khoản 1, khoản 3 Điều 21 Luật Lâm nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế 

Bên cạnh đó, với diện tích rừng lớn nhất nước, tỉnh Nghệ An cũng có mạng lưới bộ máy, Ban Quản lý, bảo vệ rừng nhiều nhất, tuy nhiên chính sách, cơ sở hạ tầng, điều kiện hoạt động chưa đáp ứng thực tiễn. Để bảo đảm chặt chẽ, minh bạch, đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung nguyên tắc sử dụng kinh phí từ Quỹ bảo vệ và phát triển rừng vào khoản 2 Điều 5 của dự thảo Nghị quyết như sau: “Việc sử dụng nguồn kinh phí trồng rừng thay thế bằng biện pháp lâm sinh khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải đảm bảo nguyên tắc bằng với diện tích rừng thay thế theo quy định của Luật Lâm nghiệp. Số kinh phí còn lại được bố trí để thực hiện phát triển cây giống, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ bảo vệ và phát triển rừng”.

Trước đó, khi thảo luận tại tổ về nội dung này, có ý kiến đề nghị cân nhắc chỉnh lý theo hướng được dùng để trồng diện tích rừng tương xứng với phân loại rừng đã được chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác rõ ràng hơn, đảm bảo việc sử dụng kinh phí phù hợp với nguồn thu. Mặt khác, có đại biểu cho rằng, cần xác định phân cấp tăng thẩm quyền cho các địa phương trong việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng và xem xét việc đẩy mạnh phân cấp tăng thẩm quyền cho địa phương được áp dụng cơ chế đặc thù trong việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng; bổ sung quy định nguyên tắc trong việc chuyển mục đích đất rừng tại Luật Lâm nghiệp vào dự thảo Nghị quyết là chuyển mục đích phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, mang lại hiệu quả tích cực, không ảnh hưởng đến nâng lên trật tự xã hội, cũng như bảo đảm an ninh lương thực, ổn định đời sống cho nhân dân.

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội trường và các ý kiến thảo luận tại tổ để xây dựng Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét, quyết định./.

Minh Thành

Các bài viết khác