THẢO LUẬN TỔ 13: PHÁT HUY TIỀM NĂNG, THẾ MẠNH CỦA CÁC ĐỊA PHƯƠNG ĐỂ TIẾP TỤC ĐÓNG GÓP VÀO SỰ PHÁT TRIỂN CHUNG CỦA ĐẤT NƯỚC

31/05/2024

Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 7, thảo luận tại Tổ 13 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đắk Lắk, Hậu Giang về dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An và dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, các đại biểu đều bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành các nghị quyết này.

CẦN THIẾT SỬA ĐỔI, HOÀN THIỆN CÁC CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ, TẠO TIỀN ĐỀ CHO SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TP. ĐÀ NẴNG

THÍ ĐIỂM BỔ SUNG MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ PHÁT TRIỂN TỈNH NGHỆ AN LÀ CẦN THIẾT

Sáng 31/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường

Trước đó, trong phiên họp toàn thể tại hội trường, Quốc hội đã nghe trình bày các Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An và dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Thảo luận tại Tổ 13 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đắk Lắk, Hậu Giang, các đại biểu đều bày tỏ nhất trí cao với việc Quốc hội xem xét, sửa đổi nghị quyết liên quan đến quy định một số chính sách đặc thù cho tỉnh Nghệ An và thành phố Đà Nẵng nhằm điều chỉnh và triển khai thi hành những chính sách mới, đồng thời phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương này để tiếp tục đóng góp vào phát triển chung kinh tế - xã hội của đất nước.

Đa số ý kiến phát biểu đều bày tỏ đồng tình với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và tạo điều kiện cho tỉnh Nghệ An chủ động, linh hoạt trong việc triển khai các chương trình phát triển, thu hút các nhà đầu tư, tăng tính hấp dẫn và tháo gỡ những khó khăn, bất cập.

Ảnh minh họa các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ 13

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho biết dự thảo Nghị quyết có 08 điều quy định 04 nhóm lĩnh vực về quản lý tài chính ngân sách nhà nước về quản lý đầu tư, quản lý đô thị, tài nguyên rừng và tổ chức bộ máy và biên chế với 16 chính sách cụ thể. Trong đó có 02 chính sách khá tương đồng, tương tự với các nghị quyết đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại một số địa phương khác như chính sách về phí và lệ phí được quy định cho Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Thanh Hóa, Cần Thơ, Khánh Hòa hay chính sách về tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công nhóm B thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi thành dự án độc lập áp dụng tương tự như nghị quyết dành cho tỉnh Khánh Hòa. Đại biểu Nguyễn Thị Xuân cho rằng hai chính sách này phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh Nghệ An. Nếu được Quốc hội đồng ý sẽ giúp cho tỉnh Nghệ An có thêm nguồn lực phát triển và góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công.

Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết có các chính sách mới đề xuất phù hợp với thực tế của tỉnh như cho phép Nghệ An khi xác định số bổ sung cân đối ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương không tính đối với nguồn thu thuế từ các cơ sở thủy điện hay là nguồn thu nội địa từ hoạt động khai thác khoáng sản…là phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh Nghệ An nhằm thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, phát huy được tiềm năng, lợi thế, thế mạnh của tỉnh.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn khẳng định hai Tờ trình của Chính phủ đều có cơ sở chính trị và cơ sở thực tiễn chặt chẽ. Hồ sơ của các dự thảo Nghị quyết cơ bản đáp ứng quy định tại Điều 64 và Điều 13 của Luật Ban hành văn bản quy pháp luật.  Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cũng cho rằng Nghị quyết thí điểm nên cần phải xác định rõ thời điểm kết thúc.

Đối với các nhóm chính sách về phát triển thành phố Đà Nẵng, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa chỉ rõ có 21 chính sách, trong đó, có 6 chính sách hoàn toàn tương tự với các tỉnh, thành phố khác, 10 chính sách tương tự có điều chỉnh và 5 chính sách mới. Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nhấn mạnh sự quan tâm và bày tỏ nhất trí với việc thí điểm thành lập khu thương mại tự do Đà Nẵng. Đại biểu làm rõ, khu thương mại tự do Đà Nẵng là khu chức năng có ranh giới địa lý, được thành lập để thực hiện thí điểm các cơ chế chính sách nhằm mục tiêu thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao. Tuy nhiên, hiện nay chưa có khái niệm pháp lý hay cơ chế pháp lý đầy đủ để điều chỉnh về khu thương mại tự do. Do đó việc thí điểm tại Đà Nẵng lần này một mặt góp phần phát triển Đà Nẵng, mặt khác góp phần để có cơ sở thực tiễn hoàn thiện thể chế pháp luật về khu thương mại tự do.

Ngoài ra, cũng có ý kiến lưu ý đối với những đề xuất chính sách mới, nhất là những chính sách có phạm vi rộng, có tác động đến thu ngân sách cần có bổ sung đánh giá tác động cụ thể hơn, nhiều chiều, làm rõ những mặt tích cực và cả những thách thức./.

Bảo Yến