PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: TRÊN CƠ SỞ THÍ ĐIỂM CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH, SẼ TỔNG KẾT THỰC TIỄN ĐỂ ĐƯA VÀO LUẬT

01/06/2024

Ngày 31/5, phát biểu thảo luận tại Tổ 10 về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh: Việc thí điểm các cơ chế, chính sách là chủ trương chung của Đảng, Nhà nước, Quốc hội; trên cơ sở thí điểm, sẽ tổng kết thực tiễn rồi mới đưa vào luật.

THẢO LUẬN TỔ 10: NGHIÊN CỨU BỔ SUNG CÁC CHÍNH SÁCH THU HÚT MẠNH MẼ NHÀ ĐẦU TƯ CHIẾN LƯỢC VÀO THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên thảo luận tổ (Tổ 10)

Tại Kỳ họp thứ 7, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Bên cạnh đề xuất áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù đã được cho phép áp dụng tại một số tỉnh, thành phố trong thời gian qua, 02 dự thảo nghị quyết cũng đề xuất một số cơ chế, chính sách mới, được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá mới trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, góp phần vào động lực tăng trưởng của cả vùng.

Phân tích về sự cần thiết, cũng như sự khác biệt trong 02 dự thảo nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, 02 dự thảo Nghị quyết này có tính chất vừa sửa đổi, vừa bổ sung cho hai Nghị quyết cũ. Việc thí điểm các cơ chế, chính sách là chủ trương chung của Đảng, Nhà nước, Quốc hội; trên cơ sở thí điểm, tổng kết thực tiễn sau đó mới đưa vào luật.

Đối với tỉnh Nghệ An, dự thảo Nghị quyết lần này bổ sung thêm một số cơ chế, chính sách để thí điểm, nhưng Nghị quyết số 36/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An vẫn giữ nguyên vì đã thực hiện đến năm thứ 3, còn hơn 2 năm nữa để tiếp tục thực hiện, dự thảo nghị quyết lần này bổ sung thêm một số cơ chế, chính sách nữa. Vì vậy hai nghị quyết thí điểm tồn tại song song với nhau, các chính sách đi liền với nhau và thời hạn là 5 năm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, việc thí điểm các cơ chế, chính sách là chủ trương chung của Đảng, Nhà nước, Quốc hội; trên cơ sở thí điểm, tổng kết thực tiễn rồi mới đưa vào luật.

Đối với thành phố Đà Nẵng trước đây đã có Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, vừa qua Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 79-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó đã chỉ rõ, Nghị quyết 119/2020/QH14 có hai nội dung: thứ nhất là thí điểm mô hình chính quyền đô thị của Đà Nẵng (tức là đô thị hai cấp, khác với các địa phương); thứ hai là một số cơ chế về kinh tế - xã hội. Việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị cho kết quả tốt, vì vậy sau khi tổng kết sẽ thực hiện luôn và sửa đổi, bổ sung cơ chế mới. Như vậy, sẽ có một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 119/2020/QH14, vì vậy bản chất dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An về bản chất là khác nhau.

Dự thảo Nghị quyết của thành phố Đà Nẵng lần này sẽ áp dụng luôn mô hình chính quyền đô thị, như vậy bố trí bộ máy khác biệt, giảm rất nhiều cán bộ, quy trình phân cấp xử lý công việc rất khác và nếu thành công sau này sẽ áp dụng với các đô thị khác. Còn đối với các cơ chế chính sách phát triển kinh tế - xã hội cũng mở rộng nhiều chính sách hơn. Trong đó, có những chính sách đã áp dụng với các tỉnh khác được giữ nguyên và một số chính sách được điều chỉnh để phù hợp với mô hình của thành phố Đà Nẵng. Trong số những chính sách mới, có chính sách thí điểm khu thương mại tự do, trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực. Tuy nhiên, đây mới chỉ là thí điểm, sau này khi thực hiện phải có dự án, đề án cụ thể và trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng

Theo Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, các nội dung của chính sách trong dự thảo Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách của Nghị quyết số 119/2019/QH14 của Quốc hội đang thực hiện có hiệu quả; bỏ các nội dung, chính sách không còn phù hợp khi thực hiện chính thức tổ chức chính quyền đô thị; Đề xuất cơ chế chính sách đặc thù sửa đổi bổ sung theo 02 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 30 chính sách cụ thể. Trong đó, có 05 chính sách đề xuất mới theo thực tế của thành phố, gồm:

Chính sách 1: Thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng.

Chính sách 2: Thành phố được thực hiện thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đối với dự án trung tâm logistics.

Chính sách 3: Phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo

Chính sách 4: Đầu tư, quản lý, khai thác và xử lý tài sản kết cấu hạ tầng, trang thiết bị phục vụ phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Chính sách 5: Tổ chức sự nghiệp công lập được giao quản lý và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp đã được đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công thì được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và được cho thuê lại đất.

Đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, trong 14 chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An thì có 10 chính sách đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại các địa phương khác, hoặc được áp dụng có điều chỉnh, bổ sung đề phù hợp với thực tiễn của địa phương; 4 chính sách mới phát triển mang tính đặc thù riêng của tỉnh Nghệ An cũng rất phù hợp với thực tiễn, gồm:

Chính sách 1: Cho phép tỉnh Nghệ An khi xác định số bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương không tính đối với nguồn thu thuế từ các cơ sở sản xuất thủy điện, nguồn thu nội địa từ hoạt động khai thác khoáng sản (không bao gồm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp) trên địa bàn miền Tây Nghệ An để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội địa bàn miền Tây Nghệ An.

Chính sách 2: Cho phép tỉnh Nghệ An được giữ lại và sử dụng nguồn kinh phí trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thu từ các dự án phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh không có điều kiện tự trồng rừng thay thế phải nộp tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh để thực hiện biện pháp lâm sinh khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung hoặc khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên.

Chính sách 3: Tỉnh Nghệ An được phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương theo nguyên tắc, tiêu chí và định mức quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026-2030 để đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm trên địa bàn tỉnh và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn miền Tây Nghệ An.

Chính sách 4: Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An có không quá 05 Phó Chủ tịch.

Lan Hương - Trọng Quỳnh

Các bài viết khác