MỞ RỘNG DIỆN THỤ HƯỞNG CHÍNH SÁCH, THU HÚT ĐỐI TƯỢNG THAM GIA BHXH TỰ NGUYỆN
Luật sư Phan Kế Hiền – Giám đốc Công ty Luật Bảo Tín
Phóng viên: Theo chương trình lập pháp, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội tiếp tục cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV. Luật sư có đánh giá như thế nào qua hơn 7 năm triển khai thi hành Luật?
Luật sư Phan Kế Hiền – Giám đốc Công ty Luật Bảo Tín: Sau hơn 7 năm triển khai, Luật Bảo hiểm xã hội đã đi vào cuộc sống, thể hiện tính đúng đắn của chính sách, chế độ bảo hiểm, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động, bảo đảm an sinh xã hội theo đúng tinh thần Hiến pháp “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”.
Tuy nhiên, Luật Bảo hiểm xã hội được ban hành năm 2014 bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Diện bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng còn thấp; tính tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội chưa cao, tình trạng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội vẫn xảy ra ở nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương; chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa hấp dẫn; một số quy định không phù hợp với thực tiễn.
Do đó, tôi cho rằng cần thiết sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội để khắc phục những hạn chế, bất cập, bảo đảm an sinh xã hội, mở rộng quyền, lợi ích, thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội; hoàn thiện quy định quản lý nhà nước và hệ thống tổ chức thực hiện chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả.
Phóng viên: Qua thực tiễn hành nghề, theo Luật sư, đâu là những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn?
Luật sư Phan Kế Hiền – Giám đốc Công ty Luật Bảo Tín: Như đã nói trên đây, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 khi được triển khai trong thực tiễn đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập. Có thể kể đến một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, quy định điều kiện về thời gian tối thiểu được hưởng lương hưu quá chặt chẽ dẫn đến số người đang tham gia rời bỏ hệ thống bảo hiểm xã hội trước tuổi nghỉ hưu khá lớn. Theo quy định của Luật, điều kiện thời gian tối thiểu tham gia bảo hiểm xã hội để có cơ hội được hưởng chế độ hưu trí đủ 20 năm. Điều này dẫn đến nhiều người không tích lũy đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu.
Thứ hai, điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần khá dễ dàng. Sau một năm không làm việc, không tham gia bảo hiểm xã hội là người lao động có thể hưởng bảo hiểm xã hội một lần với mức hưởng bằng 1,5 tháng lương cho mỗi năm tham gia bảo hiểm xã hội trước năm 2014 và 2 tháng lương cho mỗi năm tham gia sau đó. Như vậy, với mức đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 8% tiền lương từ phía người lao động, một năm đóng 0,96 tháng lương thì việc hưởng 2 tháng lương khi nhận bảo hiểm xã hội một lần được xem như là có lãi, cùng với việc phải chờ đợi quá lâu để hưởng hưu trí sẽ khiến người lao động mong muốn được nhận bảo hiểm xã hội một lần để đáp ứng các nhu cầu trước mắt.
Thứ ba, qua thực tế triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bên cạnh các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quyền lợi đối với người lao động, vẫn còn một số doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, khiến không ít người lao động gặp khó khăn khi cần giải quyết các chế độ, như: Trợ cấp thất nghiệp, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, hưu trí, … Người lao động, một mặt do sức ép việc làm, một mặt do chưa hiểu biết đầy đủ về chính sách cho nên chưa chủ động đấu tranh với chủ sử dụng lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân.
Phóng viên: Theo Luật sư, cần có quy định cũng như giải pháp nào để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, giúp người lao động được ghi nhận thời gian tham gia bảo hiểm xã hội và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định?
Luật sư Phan Kế Hiền – Giám đốc Công ty Luật Bảo Tín: Việc thực hiện tốt chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội giúp người lao động yên tâm làm việc, gắn bó với doanh nghiệp, cống hiến để phát triển doanh nghiệp bền vững. Có thể thấy, hiện nay, pháp luật đã có những quy định cụ thể về trách nhiệm của người sử dụng lao động đối về vấn đề bảo hiểm xã hội. Ví dụ như Chương XII Bộ luật lao động năm 2019, Chương II Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quyền và trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội. Đồng thời, tại Chương III Nghị định 12/2022/NĐ-CP cũng đã quy định về hành vi vi phạm, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm.
Tuy nhiên, còn không ít doanh nghiệp chưa thực hiện đúng trách nhiệm khiến người lao động không được bảo đảm quyền lợi, gặp khó khăn khi cần giải quyết các chế độ. Do đó, hy vọng trong thời gian sắp tới, pháp luật sẽ có thể tiếp tục tăng nặng chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm của doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi của người lao động. Đồng thời, cần tiếp tục kiểm tra để phát hiện và xử lý kịp thời đối với những doanh nghiệp có hành vi vi phạm. Hiện nay, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng được chỉnh lý theo hướng bổ sung Điều 41 quy định cơ chế có tính chất "đặc thù" để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động bỏ trốn, không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Tôi cho rằng, đây là một quy định cần thiết và cần được cân nhắc đưa vào trong luật. Tuy vậy, vấn đề này cần được nghiên cứu, đánh giá tác động đầy đủ, kỹ lưỡng, rà soát từng trường hợp, điều kiện cụ thể để đưa ra giải pháp phù hợp để tránh trường hợp thiệt thòi cho người lao động.
Ngoài ra, việc nhận thức đúng về chính sách bảo hiểm xã hội cũng là cách để người lao động bảo vệ quyền lợi của mình. Do đó, các chương trình giao lưu đối thoại, tư vấn trực tiếp dành cho người lao động cũng như nhiều đối tượng khác cần được tăng cường. Công tác truyền thông cho người lao động về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế sẽ giúp họ trang bị kiến thức về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, từ đó chủ động tham gia giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tự bảo vệ quyền lợi an sinh chính đáng của bản thân.
Phóng viên: Để bảo đảm an sinh xã hội, theo Luật sư, đâu là những nội dung trọng tâm cần chú trọng trong dự thảo Luật?
Luật sư Phan Kế Hiền – Giám đốc Công ty Luật Bảo Tín: Có thể thấy, một điều luật đã được quy định nhưng nếu không khả thi trên thực tế thì chỉ là quy định trên giấy tờ. Luật Bảo hiểm xã hội là dự án luật không chỉ khó mà còn nhạy cảm, liên quan đến hàng triệu lao động. Để đảm bảo an sinh xã hội, theo tôi, dự thảo Luật cần chú trọng một số nội dung như sau:
Thứ nhất, về vấn đề giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu xuống 15 năm. Điểm này tạo điều kiện cho nhiều người lao động tham gia bảo hiểm xã hội nhưng chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội (theo như quy định hiện hành), có đủ từ 15 năm tham gia bảo hiểm xã hội có cơ hội được hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động và đồng thời khuyến khích cho những người dưới 15 năm có động lực để đóng tiếp và khi đủ thời gian quy định sẽ được hưởng lương hưu.
Thứ hai, quy định về bảo hiểm xã hội một lần, dự thảo Luật sửa đổi hiện nay đang đưa ra 02 phương án và còn đưa ra bàn bạc, thảo luận, tạo được sự đồng thuận rồi mới chính thức ban hành Luật. Theo tôi, dù là phương án nào, cũng đều hướng đến bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động. Đảng, Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách luôn hướng tới mục tiêu cao nhất là bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động, luôn mong muốn người lao động khi hết tuổi lao động được hưởng lương hưu, và đi liền với đó là tấm thẻ bảo hiểm y tế miễn phí để được chăm sóc sức khỏe khi về già...
Thứ ba, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) bổ sung chế độ thai sản cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện làm tăng sức hấp dẫn của chính sách và tăng động lực cho người dân tham gia loại hình bảo hiểm này, góp phần tăng nhanh độ bao phủ bảo hiểm xã hội.
Thứ tư, về quy định tăng cường chế tài với việc chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội của đơn vị sử dụng lao động trong dự thảo Luật. Đây là giải pháp hết sức cần thiết để tăng độ bao phủ bảo hiểm xã hội bắt buộc và đặc biệt là bảo đảm thực thi các quy định của pháp luật nghiêm túc.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Luật sư!