TĂNG CƯỜNG TUYÊN TRUYỀN TÍNH ƯU VIỆT CỦA CHÍNH SÁCH BẢO HIỂM XÃ HỘI TỰ NGUYỆN
Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là một trong những dự án luật quan trọng được Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 6 và sắp sửa được trình Quốc hội tiếp tục xem xét tại Kỳ họp thứ 7 sắp tới. Dự thảo Luật sửa đổi lần này hướng đến mục tiêu nâng cao quyền lợi, mở rộng diện bao phủ và đảm bảo tính bền vững cho hệ thống bảo hiểm xã hội. Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao đời sống người dân, đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời củng cố hệ thống bảo hiểm xã hội trở nên hiệu quả và bền vững hơn.
Mở rộng diện thụ hưởng chính sách, nhất là chế độ thai sản đối với người tham gia BHXH tự nguyện
Theo đại biểu Nguyễn Thanh Cầm – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang, nhóm chính sách cơ bản nhất trong an sinh xã hội thường được nhắc đến như những trụ cột chính và lâu dài chính là BHXH, BHYT. Đối với BHXH, tỷ lệ bao phủ so với lực lượng lao động trong độ tuổi còn khá khiêm tốn (chỉ hơn 39%). Như vậy, vẫn còn một nhóm khá lớn người lao động (NLĐ) chưa tham gia BHXH và chủ yếu trong lĩnh vực phi chính thức. Đây cũng chính là thách thức lớn trong bảo đảm an sinh xã hội bền vững ở nước ta nói chung và trong phát triển đối tượng tham gia BHXH nói riêng.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang
Đại biểu nêu rõ, các chính sách an sinh xã hội, nhất là BHXH, đã giúp cho NLĐ có cuộc sống tối thiểu, ổn định, bù đắp những khó khăn nhất định khi NLĐ nghỉ hưu, góp phần bảo đảm lưới an sinh cho xã hội. Các nhóm chính sách bảo trợ xã hội giúp cho người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế, bảo đảm một phần cuộc sống. Các chính sách giảm nghèo hỗ trợ cho người nghèo thoát nghèo và vươn lên. Chính sách BHYT phát huy vai trò quan trọng đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng gia tăng và giảm chi phí khi đi khám chữa bệnh cho người dân; đồng thời cũng giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế tốt hơn, góp phần giúp những người khó khăn khi ốm đau giảm thiểu rủi ro, tránh tình trạng nghèo hóa.
Quan tâm đặc biệt đến chế độ thai sản cho phụ nữ, đại biểu phân tích, chế độ này hiện được quy định trong Bộ luật Lao động và Luật BHXH, áp dụng cho những người tham gia BHXH bắt buộc- được đánh giá khá ưu việt cả về thời gian nghỉ và tỷ lệ hưởng: Được trợ cấp một lần và hưởng nguyên lương trong thời gian nghỉ sinh con 6 tháng, có chế độ khám thai, thực hiện kế hoạch hóa gia đình...
Tuy nhiên, điều hạn chế là chế độ thai sản chỉ được áp dụng cho những người tham gia BHXH bắt buộc. Trong khi đó, phần đông phụ nữ là lao động tự do, nông dân tham gia BHXH tự nguyện lại chưa có chế độ nghỉ thai sản; không có tiền lương khi nghỉ sinh con nên điều kiện còn khá khó khăn.
Ngoài ra, hiện nay phụ nữ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số được hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con theo chính sách dân số (từ nguồn ngân sách nhà nước quy định tại Nghị định số 39/2015/NÐ-CP). Thế nhưng, chế độ còn rất khiêm tốn (chỉ 2 triệu đồng/lần sinh) và phải có cam kết không vi phạm chính sách và nguồn kinh phí phụ thuộc vào từng địa phương.
Chính vì vậy, việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách về thai sản là một yêu cầu thiết yếu. Do đó đại biểu cho rằng, chúng ta phải nhìn rộng hơn, chính sách thai sản dành cho phụ nữ chính là thể hiện sự quan tâm thực chất nhất đến với trẻ em- thế hệ tương lai của đất nước và cũng chính là vì sự phát triển bền vững của đất nước như tinh thần Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới đã đề ra.
Đại biểu nhấn mạnh, để đảm bảo an sinh xã hội, chúng ta cần chú trọng vào những thời điểm quan trọng và có nhiều khó khăn nhất trong cuộc đời con người. Đối với phụ nữ và nhiều gia đình trẻ có thể đó chính là thời gian sinh nở, nuôi con nhỏ. Do đó, cần thiết kế chính sách hỗ trợ cho phụ nữ và các gia đình vào đúng thời điểm quan trọng này và mức hỗ trợ phải thực sự thỏa đáng.
Đồng bộ các giải pháp để thu hút đối tượng tham gia BHXH tự nguyện
Cũng có những nghiên cứu chuyên sâu về nội dung BHXH tự nguyện, ThS. Đào Hồng Chuyên - Trường Đại học Lao động - Xã hội cho biết, trên thực tế, số lượng người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp (1,3 triệu người/ 16,74 triệu người tham gia BHXH). Bên cạnh đó, việc áp dụng mức đóng BHXH tự nguyện theo chuẩn nghèo mới, cùng với những tác động của Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, nên việc phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình gặp nhiều khó khăn, số tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình giảm sâu so với cuối năm 2021.
Như vậy, so với tiềm năng, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện phát triển còn chậm do một số nguyên nhân sau: Nhóm lao động phi chính thức làm việc theo chế độ linh hoạt là rất khó quản lý, họ hưởng lương, thu nhập khác từ nhiều nguồn khác nhau, không ổn định, không cố định về không gian, thời gian cụ thể. Nhận thức của người lao động về lợi ích của BHXH tự nguyện còn hạn chế, nhiều người chưa có hiểu biết rõ ràng về chính sách BHXH; mặt khác, thói quen phòng ngừa rủi ro chưa được hình thành, người lao động chỉ thực sự thấy cần bảo hiểm khi rủi ro hoặc sự cố xảy ra.
Cần mở rộng diện thụ hưởng chính sách, tăng quyền lợi để thu hút đối tượng tham gia BHXH tự nguyện
Bên cạnh đó, tiền lương/thu nhập của người lao động thấp, dẫn đến việc hạn chế trong đóng BHXH tự nguyện. Điển hình như năm 2019, tiền lương bình quân của người làm công hưởng lương là 6,64 triệu đồng/tháng, thu nhập bình quân đầu người đạt 4,2 triệu đồng/tháng…
Ngoài ra, sự cạnh tranh của các sản phẩm bảo hiểm thương mại. Ngoài chế độ hưu trí của loại hình BHXH tự nguyện, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cũng cung cấp cho người lao động các sản phẩm bảo hiểm cho tuổi già. Chính sách BHXH chưa đảm bảo sự ổn định. Các chế độ BHXH dài hạn (hưu trí, tử tuất) có đặc điểm là thời gian đóng và thời gian hưởng có sự tách bạch và phát sinh trong thời gian dài.
Cũng bàn về vấn đề này, ThS. Nguyễn Hương Liên - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp đã đưa ra một số giải pháp phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện trong tình hình mới:
Một là, tăng mức hỗ trợ mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện, nhất là đối tượng không thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo; có chính sách linh hoạt hơn về mức hỗ trợ, quy định mức hỗ trợ tối thiểu để địa phương nào có điều kiện, kinh tế phát triển thì có cơ chế để hỗ trợ thêm một phần mức đóng BHXH tự nguyện.
Hai là, các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.
Ba là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện của cơ quan BHXH thông qua việc tăng cường phối hợp chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hỗ trợ nghiệp vụ, cải cách thủ tục hành chính để phục vụ tốt nhất quyền lợi của người tham gia BHXH tự nguyện.
Bốn là, tăng cường đào tạo nghiệp vụ chuyên môn cho mạng lưới đại lý để nắm bắt được nội dung của chính sách BHXH tự nguyện. Đồng thời, trang bị kỹ năng khai thác, phát triển người tham gia, nhất là triển khai các hoạt động tuyên truyền linh hoạt phù hợp với yêu cầu phòng chống dịch bệnh.
Năm là, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức truyền thông chính sách BHXH tự nguyện phù hợp với thực tế của mỗi vùng, miền, địa phương để mỗi người dân hiểu rõ được những lợi ích thiết thực khi tham gia BHXH tự nguyện.