TỔ CHỨC CÁC CƠ QUAN CHUYÊN MÔN THUỘC CHÍNH QUYỀN TP. HÀ NỘI: CẦN QUY ĐỊNH KHUNG TỐI ĐA

27/03/2024

Thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), nhiều ý kiến đại biểu tán thành với nội dung phân quyền trong tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc chính quyền thành phố Hà Nội tuy nhiên cần quy định khung tối đa để tránh tùy tiện khi triển khai.

SỬA ĐỔI LUẬT THỦ ĐÔ: RÀ SOÁT KỸ LƯỠNG QUY ĐỊNH VỀ CƠ CHẾ THỬ NGHIỆM CÓ KIỂM SOÁT

 Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)

Tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Tư pháp), các cơ quan chính quyền thành phố Hà Nội và các Bộ, cơ quan có liên quan tổ chức nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH. Quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự luật theo hướng quán triệt các quan điểm chỉ đạo trong các nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị; bám sát 09 nhóm chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội khi đề nghị bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; tiếp thu tối đa ý kiến của các vị ĐBQH, cơ quan thẩm tra, các chuyên gia, nhà khoa học để chỉnh lý, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ, triệt để cho chính quyền thành phố Hà Nội, bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật. Theo đó, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 07 chương và 54 điều (giảm 05 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, trong đó, đã tiếp thu, chỉnh lý trong toàn bộ 54 điều, bỏ 07 điều, bổ sung mới 02 điều). 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng

Báo cáo tại Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, Thường trực Uỷ ban và các cơ quan đã thống nhất tiếp thu, chỉnh lý các quy định về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội; cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND thành phố Hà Nội, quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố và UBND phường. Nội dung tiếp thu, chỉnh lý các quy định về tổ chức bộ máy thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho thành phố Hà Nội, giúp chính quyền Thành phố chủ động hơn về tổ chức bộ máy, biên chế để có thể đảm đương một cách hiệu quả vai trò, nhiệm vụ hết sức đặc thù là Thủ đô của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Riêng đối với nội dung phân quyền về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc chính quyền thành phố Hà Nội (Điều 9), Thường trực UBPL và thành phố Hà Nội đề nghị chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng giao HĐND Thành phố quy định tiêu chí thành lập và quyết định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND Thành phố; quy định tổ chức, khung số lượng, tiêu chí thành lập cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố (khoản 4 Điều 9) để bảo đảm tính chủ động, kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn theo từng thời kỳ nhằm xây dựng, kiện toàn được bộ máy đủ khả năng thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, phân quyền bổ sung.

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Quan tâm tới nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp bày tỏ thống nhất   tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân của thành phố Hà Nội là 125 đại biểu; số lượng đại biểu chuyên trách không quá 25% đại biểu. Đại biểu cho rằng, về lâu dài mà thấy yêu cầu cần thiết thành phố Hà Nội, cấp có thẩm quyền có thể tăng số lượng đại biểu chuyên trách.

Liên quan đế vấn đề cho phép Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội thành lập cơ quan chuyên môn, đại biểu nhấn mạnh, quy định như tại dự thảo là rất cần thiết, tuy nhiên cũng cần có khung tối đa của cơ quan chuyên môn của thành phố Hà Nội là bao nhiêu để khi triển khai tránh tùy tiện trong thực thi.

Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng, đối với quận cũng nên có khung cơ quan chuyên môn và các cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp quận cũng phải có số lượng tối đa,…

Đại biểu Lê Thanh Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau 

Cùng quan điểm, đại biểu Lê Thanh Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cho rằng với đặc điểm, đặc thù của Hà Nội thì cần trao cho thành phố quyền tự tổ chức các cơ quan chuyên môn. Nhưng bên cạnh khung cứng của Chính phủ quy định, cho phép Hà Nội được tổ chức cơ quan chuyên môn phù hợp với điều kiện, đặc điểm của thủ đô.

Vì vậy, đại biểu đề xuất, quy định về nội dung này gồm 02 khoản, một khoản cứng đó là những cơ quan bắt buộc phải tổ chức thực hiện theo quy định của Chính phủ như: công an, quân đội, nội vụ, tư pháp,… mang tính bắt buộc phải thành lập; còn các cơ quan mà liên quan đến tổ chức kinh tế - xã hội, giáo dục, y tế, môi trường nên giao cho thành phố toàn quyền quyết định theo tiêu chí của Chính phủ và Chính phủ chỉ giám sát, kiểm soát, quản lý thể chế, tổ chức trong quá trình thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế 

Cũng quan tâm tới nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, việc giao thẩm quyền cho HĐND TP. Hà Nội chủ động trong việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các cơ quan, tổ chức liên quan là quá lớn. Lưu ý đây là vấn đề mới, đại biểu đề nghị cần có sự đánh giá tổng kết trước khi quy định.

Theo đại biểu, quy định việc thành lập, giải thể, tổ chức lại các cơ quan của Hà Nội không bị giới hạn bởi quy định của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, của tổ chức hành chính khác là chưa phù hợp, thiếu cơ sở pháp lý, dễ dẫn đến tăng biên chế trong hệ thống bộ máy nhà nước hiện nay. Vì vậy,  đại biểu tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị, "nên quy định thí điểm vấn đề này và có sự đánh giá, tổng kết một cách toàn diện trước khi tiến hành quy định trong luật; đồng thời, cần bổ sung quy định điều kiện thành lập mới cơ quan tổ chức cần bảo đảm biên chế và khả năng đáp ứng của ngân sách.."./.

Lê Anh