QUỐC HỘI VIỆT NAM – NHÌN LẠI NĂM 2023 (BÀI 2): DẤU ẤN GIÁM SÁT - CHỮ “DÂN” LUÔN ĐẶT TRONG MỌI QUYẾT SÁCH, HÀNH ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI

08/02/2024

Trước thềm Xuân Giáp Thìn, Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có vinh dự cùng các phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn báo chí ở trung ương có được buổi gặp gỡ Chủ tịch Quốc hội. Có lẽ đây là lần đầu tiên người đứng đầu Quốc hội dành riêng cho phóng viên, báo chí một buổi làm việc, không còn là trả lời những câu hỏi được chuẩn bị sẵn mà Chủ tịch Quốc hội trực tiếp trao đổi, chia sẻ những câu chuyện hậu trường để có được một nội dung trình Quốc hội hay một quyết định được thông qua.

QUỐC HỘI VIỆT NAM – NHÌN LẠI NĂM 2023, BƯỚC TIẾP CHẶNG ĐƯỜNG KHÔNG NGỪNG ĐỔI MỚI, GHI DẤU ẤN TOÀN DIỆN CÁC MẶT CÔNG TÁC

Cải tiến, đổi mới, tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát

Với mục tiêu “không ngừng đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”, hoạt động giám sát của Quốc hội trong năm 2023 tiếp tục được củng cố, tăng cường với nhiều cách làm mới, ngày càng thể hiện tính linh hoạt, nhạy bén trước những vấn đề lớn, nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước được cử tri, Nhân dân, các đại biểu Quốc hội quan tâm. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xây dựng, triển khai Chương trình giám sát hằng năm, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn; hoạt động của các Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; xem xét các báo cáo; giám sát văn bản quy phạm pháp luật; công tác điều hòa hoạt động giám sát,… góp phần triển khai có hiệu quả Kết luận số 843-KL/ĐĐQH15 ngày 03/8/2022 của Đảng đoàn Quốc hội về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của Quốc hội.

Công tác giám sát tiếp tục được đổi mới về nội dung, phương thức giám sát, tập trung vào các vấn đề bất cập, bức xúc, thời sự; lựa chọn vấn đề đang trong quá trình tổ chức thực hiện và chú trọng tái giám sát.

Năm 2023, lần đầu tiên Quốc hội giám sát giữa kỳ, đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.” Quốc hội đã giao Chính phủ khẩn trương xây dựng dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất theo trình tự, thủ tục rút gọn; trong đó có cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện quyết định danh mục, cơ cấu, phân bổ sử dụng vốn ngân sách nhà nước…

Để ra được những quyết sách kịp thời như thế này xuất phát từ việc chuẩn bị “từ sớm, từ xa”. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, giám sát đã được xác định là một nội dung trọng tâm và then chốt. Thực hiện tốt chức năng giám sát sẽ tác động tích cực tới việc thực hiện các chức năng lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Giám sát của năm 2023 nói chung và từ đầu nhiệm kỳ đã chú trọng vào diện giám sát và giám sát hoạt động. Tức giám sát những cái gì đang diễn ra. Điều này thể hiện rõ nét hơn cho triết lý giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là: Giám sát không phải chỉ để chỉ ra khuyết điểm, sai phạm mà giám sát cũng là để kiến tạo, phát triển.

Với sự đổi mới về tư duy, cách tiếp cận trong lựa chọn nội dung giám sát, tiến hành giám sát ngay trong giai đoạn đầu triển khai các chương trình, dự án, các luật, nghị quyết, chú trọng những vấn đề “nóng”, cấp thiết về quốc kế nhân sinh, qua giám sát, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời đôn đốc những khâu, những việc, những cơ quan còn chậm trễ trong triển khai; cùng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương tháo gỡ những vướng mắc phát sinh, tạo chuyển biến ngay trong quá trình giám sát, bảo đảm thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách quan trọng đã được Đảng, Quốc hội quyết định, đồng thời, sẵn sàng điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới quy định để khắc phục những điểm chưa phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đất nước.

Quốc hội cũng đã tổ chức thành công việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 và Kỳ họp thứ 6 với 911 lượt đăng ký, 264 lượt chất vấn, 87 lượt tranh luận. Đặc biệt tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành về việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề, chất vấn của Quốc hội của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 với 21 lĩnh vực thuộc 04 nhóm nội dung (kinh tế tổng hợp; kinh tế ngành; nội chính, tư pháp; văn hóa, xã hội).

 Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã tổ chức thành công việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Kết quả hoạt động chất vấn được đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước và dư luận xã hội ghi nhận, đánh giá cao. Hoạt động chất vấn ngày càng đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả cao, được đổi mới qua từng kỳ họp, phiên họp. Việc lựa chọn và quyết định nội dung chất vấn rất “đúng” và “trúng”, vừa có tính thời sự cấp bách, vừa mang tính chiến lược, lâu dài, tiếp tục chất vấn lại nhiều vấn đề đã được giám sát, chất vấn nhưng chưa có sự chuyển biến. Việc áp dụng phương thức “hỏi nhanh - đáp gọn”, tăng cường tranh luận, phản biện, đi đến cùng vấn đề đặt ra, mang lại những hiệu quả thiết thực.

Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ tiến hành rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thành lập 01 tổ công tác do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm tổ trưởng và tích cực phối hợp với Chính phủ. Kết quả rà soát cho thấy hệ thống pháp luật cho đến nay cơ bản đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tuân thủ Hiến pháp và các quy định, phù hợp với các cam kết, điều ước quốc tế.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành về việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề, chất vấn của Quốc hội của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 với 21 lĩnh vực thuộc 04 nhóm nội dung.

Như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội khóa mới phải lấy đổi mới công tác giám sát như là khâu trọng tâm, then chốt để đổi mới tổ chức hoạt động của Quốc hội. Với tinh thần đó, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặc biệt quan tâm đến việc hoàn thiện thể chế, quy định pháp luật về hoạt động giám sát. Quốc hội đang nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết hướng dẫn tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội….Đồng thời, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân với nhiều điểm mới, với kết quả nổi bật, đồng đều ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, góp phần tạo “làn gió tươi mới” trong hoạt động của cơ quan dân cử ở địa phương.

Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị cử tri ngày càng được tăng cường và trở thành hoạt động thường xuyên. Lần đầu tiên, Quốc hội tổ chức thảo luận tại Hội trường về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri và lần đầu tiên trong nhiệm kỳ này, Quốc hội tiến hành thảo luận Báo cáo kết quả giám sát về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, được dư luận xã hội, cử tri ghi nhận, đánh giá cao. Điều này không chỉ là việc Quốc hội tiếp tục phát huy, kế thừa những đột phá của năm trước để đưa vấn đề đưa công tác dân nguyện của Quốc hội từ hàng tháng đến thảo luận tại hội trường, có truyền hình phát thanh trực tiếp mà tiếp tục khẳng định Quốc hội là cơ quan dân cử là của dân, đại diện cho dân, có trách nhiệm gắn bó với cử tri và Nhân dân. Chữ “Dân” luôn đặt trong mọi quyết sách, hành động của Quốc hội.

BÀI 1: NĂM 2023 - NĂM CỦA SỰ KIỆN '"NHỮNG LẦN ĐẦU TIÊN" CỦA QUỐC HỘI 

Bảo Yến - Trọng Quỳnh