SỚM CỤ THỂ HÓA CHÍNH SÁCH ĐẤT ĐAI ĐỂ GIẢI QUYẾT TÌNH TRẠNG THIẾU ĐẤT Ở, ĐẤT SẢN XUẤT CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ

15/01/2024

Chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm góp ý trong phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5. Các ý kiến đề nghị cần sớm cụ thể hóa quy định của luật để giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

QUỐC HỘI NGHE BÁO CÁO GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Sớm cụ thể hóa quy định của luật để giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Góp ý về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Quàng Văn Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La nhận thấy, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm đến việc sửa đổi Luật Đất đai lần này nói chung và chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Cơ quan chủ trì thẩm tra và Ban soạn thảo đã nỗ lực cao nhất trong thực hiện nhiệm vụ; tiếp thu nhiều ý kiến, đề xuất của các vị đại biểu Quốc hội qua các đợt tiếp xúc cử tri; thể chế hóa các chủ trương tinh thần Nghị quyết số 18 của Trung ương Đảng. Do đó, dự thảo Luật trình Kỳ họp lần này đã bổ sung và có 15 điều quy định trực tiếp đối với đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 2 điều quy định riêng và 13 điều có quy định tại các điều khoản.

Đại biểu Quàng Văn Hương nêu rõ, các nội dung quy định về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, về địa bàn, đối tượng, nội dung chính sách, nguồn vốn thực hiện và trách nhiệm thực hiện của Nhà nước được bổ sung cụ thể, rõ ràng hơn. Điều này thể hiện rõ nét vai trò Quốc hội quyết định chính sách dân tộc theo khoản 5 Điều 70 Hiến pháp năm 2013 và khoản 3 Điều 7 Luật Tổ chức Quốc hội.

Đại biểu Quàng Văn Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La

Để luật bảo đảm chặt chẽ, rõ ràng, đồng bộ, thống nhất và sớm đi vào cuộc sống, đại biểu Quàng Văn Hương góp ý về việc cụ thể hóa các chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Do các điều khoản của dự thảo Luật chưa quy định cụ thể về chính sách, do đó để đảm bảo rõ ràng, thống nhất, đồng bộ, đại biểu Quàng Văn Hương đề nghị Chính phủ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 16 Luật Tổ chức Chính phủ, sớm cụ thể hóa quy định của luật, ban hành các chính sách cụ thể đối với đồng bào dân tộc thiểu số làm cơ sở giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, thúc đẩy chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Qua giám sát chương trình mục tiêu quốc gia, theo báo cáo của Chính phủ, đến nay trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, dự án 1 về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất mới thực hiện được 489/17.400 hộ, chiếm 2,81%, do đó đại biểu Quảng Văn Hương khẳng định, việc ban hành chính sách này là hết sức cấp thiết.

Về tính thống nhất giữa quy định áp dụng chung và chính sách ưu tiên đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Quàng Văn Hương nhận thấy, trong một số điều khoản về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa rạch ròi giữa quy định áp dụng chung và quy định chính sách ưu tiên có thể dẫn đến các cách hiểu khác nhau và áp dụng không thống nhất như tại khoản 7 Điều 118, giao đất không thu tiền sử dụng và điểm c khoản 1 Điều 107 về chính sách miễn giảm tiền sử dụng đất, quy định về đối tượng thì dẫn chiếu đến Điều 16, trong khi tại Điều 16, đối tượng lại bó hẹp trong phạm vi là chính sách hỗ trợ đất đai cho cá nhân là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Như vậy các cá nhân là người dân tộc thiểu số không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và ở ngoài vùng dân tộc thiểu số, miền núi đang sử dụng đất hợp pháp thì có thể được hiểu là không thuộc đối tượng được áp dụng theo Điều 118 và Điều 157. Ví dụ như khoản 5 Điều 138 quy định trường hợp hộ gia đình, cá nhân không thuộc hộ nghèo, cận nghèo, không phân biệt dân tộc có đăng ký thường trú tại địa phương thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn và được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là không có tranh chấp thì vẫn thuộc đối tượng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất. Hoặc tại điểm b khoản 1 Điều 157 về chính sách miễn giảm tiền sử dụng đất, áp dụng chung cho đối tượng là người nghèo và cũng không phân biệt dân tộc.

Toàn cảnh Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5

Do đó, đại biểu Quàng Văn Hương đề nghị tiếp tục chỉnh lý quy định rõ hơn đối với 2 nhóm đối tượng, bao gồm:

Nhóm thứ nhất: Nhóm các đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện ưu tiên nằm trong phạm vi các xã đã được phân định thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi thì được thực hiện theo quy định tại Điều 16 và một số điều khoản có dẫn chiếu ở Điều 16.

Nhóm thứ hai: Nhóm đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số không thuộc đối tượng ưu tiên và ngoài phạm vi vùng dân tộc thiểu số, miền núi, nghĩa là không thuộc đối tượng ưu tiên Nhóm 1 thì được áp dụng chung như các quy định khác của luật.

Từ phân tích trên, đại biểu Quàng Văn Hương đề nghị xem xét, bổ sung vào Điều 16 và sau khoản 8 một khoản có nội dung như sau: “Các hộ gia đình, cá nhân là người dân tộc thiểu số không thuộc đối tượng thuộc khoản 2 và khoản 3 điều này thì thực hiện theo các quy định áp dụng chung của luật này” hoặc bổ sung vào các điều khác thể hiện nội dung này cho phù hợp hoặc Nghị định của Chính phủ quy định về việc này.

Cụ thể hóa hơn chính sách bảo đảm và hỗ trợ đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai

Cùng quan tâm góp ý vào Điều 16 trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai đề nghị nghiên cứu xem xét miễn tiền sử dụng đất đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã biên giới khi được chuyển mục đích sử dụng đất từ đất không phải là đất ở sang đất ở để người dân yên tâm lao động, sản xuất, giữ đất, giữ nước, giữ rừng, giữ biên cương theo tinh thần Nghị quyết số 33 về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia xác định quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, của cả hệ thống chính trị cả nước, dựa vào dân, lấy dân làm gốc, Nhân dân là chủ thể và mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống.

Đề cập về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho rằng, so với các phiên bản trước, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã có bước tiến rõ rệt trong quy định về đất đai cho đồng bào thiểu số với nhiều chính sách mới, đặc thù, nhằm tạo cơ sở pháp lý, tháo gỡ khó khăn về đất đai, tạo sinh kế ngày càng tốt hơn cho đồng bào.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Đều 16 dự thảo Luật quy định về trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào. Theo đó, quy định “Nhà nước có chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào, có chính sách hỗ trợ đất đai cho đồng bào”. Khoản 5, khoản 6 của Điều này giao trách nhiệm cho chính quyền cấp tỉnh quyết định phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Khoản 9 Điều này giao Chính phủ quy định chi tiết.

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, hồ sơ trình Kỳ họp bất thường lần này chưa có dự thảo văn bản quy định chi tiết của Chính phủ. Dự thảo Nghị định quy định chi tiết trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 không có quy định về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số. Trong khi đó, chính sách đất đai đối với đồng bào là nội dung cơ bản của chính sách dân tộc. Theo quy định tại khoản 5 Điều 70 của Hiến pháp thì “Quốc hội quyết định chính sách dân tộc”. Do đó, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị xem xét cụ thể hóa hơn chính sách bảo đảm và hỗ trợ đất đai cho đồng bào tại Điều 16, ví dụ các vấn đề về hạn mức sử dụng đất, về diện tích tối thiểu được giao, về khu vực được giao đất làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết.

Đảm bảo quỹ đất để thực hiện chính sách đất đai cho người dân tộc thiểu số

Về thu hồi đất trong các trường hợp thực hiện quyền sử dụng đất có điều kiện, tại Điều 48 dự thảo Luật quy định về các trường hợp thực hiện quyền sử dụng đất có điều kiện. Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn nhận thấy, việc quy định tại khoản 1 Điều 48 của dự thảo Luật nhằm đảm bảo quỹ đất để thực hiện chính sách đất đai cho người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, quy định này cần được bổ sung, làm rõ một số nội dung nhằm đảm bảo tính đồng bộ, cụ thể.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn

Một là, dự thảo Luật quy định về các trường hợp thu hồi đất gồm thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh tại Điều 78; thu hồi đất về phát triển kinh tế - xã hội, về lợi ích quốc gia, công cộng tại Điều 79; thu hồi đất do vi phạm pháp luật tại Điều 81; thu hồi đất do chấm dứt sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người tại Điều 82. Trong đó, quy định tại khoản 2 Điều 82, người sử dụng đất giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất, có đơn tự nguyện trả lại đất cũng không thỏa mãn các trường hợp thu hồi đất nêu trên. Do vậy, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị cần bổ sung một khoản vào Điều 82 dự thảo về nội dung trường hợp này để đảm bảo tính bao quát và các trường hợp thu hồi đất, trên cơ sở đó hoàn thiện quy định có liên quan.

Hai là, dự thảo Luật chỉ quy định việc bồi thường tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp sử dụng đất chuyển khỏi địa bàn cấp tỉnh nơi có đất đến nơi khác sinh sống hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất mà không tặng cho, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người thuộc hàng thừa kế là đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 16. Còn đối với trường hợp người sử dụng đất chết mà không có người thừa kế thuộc hàng thừa kế là đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật này thì dự thảo Luật chỉ quy định việc thu hồi đất, không quy định việc bồi thường tài sản gắn liền với đất là chưa đảm bảo tính hợp lý trong trường hợp có tài sản trên đất và có người thừa kế nhưng không là đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 16./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức - Phạm Thắng

Các bài viết khác