PHỐI HỢP CHẶT CHẼ, HIỆU QUẢ GIỮA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI VÀ MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TRONG THỰC HIỆN GIÁM SÁT, PHẢN BIỆN XÃ HỘI
Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Trong phương thức hoạt động, Quốc hội “cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” có sự phối hợp thường xuyên với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam “tổ chức liên minh chính trị”, “nơi tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân”, “nơi hiệp thương, phối hợp và thống nhất hành động” của các thành viên để cùng với Đảng và Nhà nước phấn đấu vì mục tiêu chung là giữ gìn độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Sự phối hợp này được thể hiện ở nhiều mặt, như: Phối hợp trong bầu cử để thành lập ra Quốc hội; Phối hợp củng cố, mở rộng và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; Phối hợp trong việc tổ chức cho đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri và tập hợp, phản ánh ý kiến của cử tri và Nhân dân; Phối hợp trong xây dựng chính sách, pháp luật; trong hoạt động giám sát;....
Theo PGS. TS. Bùi Xuân Đức, hoạt động phối hợp trong việc tập hợp, phản ánh ý kiến cử tri và Nhân dân là một trong những hoạt động quan trọng và có ý nghĩa nhất về phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.
Cơ chế phối hợp giữa Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong vấn đề này được quy định tại Quy chế phối hợp công tác giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nghị quyết liên tịch số 06 giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nghị quyết liên tịch số 525 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội đã thống nhất hóa quy định việc Mặt trận tổng hợp và báo cáo ra trước kỳ họp Quốc hội cả ý kiến cử tri và cả ý kiến Nhân dân.
Hội nghị liên tịch thường niên tổng kết công tác phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Theo những quy định đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hàng năm đều có Quy chế phối hợp hoạt động trong đó có sự phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn các Đoàn đại biểu Quốc hội và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp tổ chức và tiếp tục nâng cao chất lượng các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội trước và sau kỳ họp đảm bảo hiệu quả thiết thực theo tinh thần Nghị quyết liên tịch số 06 ngày 10/9/2004 trước đây và số 525 ngày 27 tháng 9 năm 2012 hiện hành của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng thời, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trạn Tổ quốc Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ, nâng cao chất lượng công tác công tác tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, xây dựng Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội tại các kỳ họp, đồng thời giám sát và đôn đốc các cơ quan chức năng trong việc giải quyết.
Nhận định hoạt động phối hợp trong việc tập hợp, phản ánh ý kiến cử tri và Nhân dân của Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mặc dù đã đạt nhiều kết quả rất tích cực nhưng cũng bộc lộ một số hạn chế, vì vậy, để tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác này trong thời giân tới, PGS. TS. Bùi Xuân Đức đưa ra một số kiến nghị, giải pháp, như sau:
PGS. TS. Bùi Xuân Đức, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Thứ nhất, cần phân định rạch ròi công tác tiếp xúc cử tri và thu thập phản ánh ý kiến nguyện vọng của cử tri của đại biểu dân cử và của cơ quan đại diện với công tác tập hợp phản ánh ý kiến Nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Công tác phản ánh ý kiến, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân đến Đảng và Nhà nước; đôn đốc, thúc đẩy các cơ quan có thẩm quyền giải quyết phải được coi là một nhiệm vụ độc lập, chủ yếu của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong giai đoạn hiện nay và phải được tập trung thực hiện, tăng cường các điều kiện để thực hiện tốt.
Thứ hai, trách nhiệm tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cần quy về một đầu mối là Đoàn đại biểu Quốc hội và tổng hợp chung tại Ủy ban thường vụ Quốc hội. Không nên để Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp và đọc Báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri ra trước kỳ họp Quốc hội mà việc này phải do các cơ quan của Quốc hội (cụ thể là Ủy ban thường vụ Quốc hội) đảm nhiệm mà để tập trung vào việc tập hợp phản ánh ý kiến các tầng lớp Nhân dân như những nhận xét, đánh giá, chính kiến của Mặt trận về các hoạt động công quyền của Đảng và Nhà nước và phản ánh dưới nhiều hình thức.
Nâng cao chất lượng báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của Nhân dân trình bày trước các kỳ họp của Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Tăng cường việc tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của hội viên, thành viên, đoàn viên, của các tổ chức thành viên của Mặt trận. Tăng cường hoạt động phản ánh trực tiếp đến các kỳ họp, phiên họp của các cơ quan tổ chức mà Mặt trận được mời tham dự, đến các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước được phân công trực tiếp theo dõi và chỉ đạo công tác Mặt trận chứ không chỉ tập trung vào các cơ quan quyền lực nhà nước và các bộ ngành như hiện nay. Ý kiến phải được tập hợp và đưa đến Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các cơ quan hữu quan thường xuyên hơn. Phát huy vai trò của các đơn vị báo chí, truyền thông của Mặt trận Tổ quốc Trung ương trong hoạt động phản ánh ý kiến nhân dân.
Thứ ba, để bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, đề cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong công tác này, cần quy định rõ và cụ thể hơn nữa những chức năng, nhiệm vụ thậm chí cả quy trình hoạt động của Mặt trận Tổ quốc các cấp trong việc chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức đảng, nhà nước trong các hoạt động tham gia xây dựng chính quyền, giám sát và phản biện xã hội, xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội trên phạm vi cả nước cũng như ở từng địa phương. Bảo đảm sự tham gia thiết thực của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đối với các kỳ họp, phiên họp của các cơ quan chính quyền nhà nước các cấp khi bàn những vấn đề có liên quan, để qua đó thể hiện, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đối với Nhà nước trước các vấn đề đang đặt ra. Việc lấy ý kiến nhân dân cũng như ý kiến Mặt trận Tổ quốc về các chương trình, dự án… phải bảo đảm thực chất, thiết thực./.