PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI: TIẾP TỤC HOÀN THIỆN ĐỀ CƯƠNG ĐỀ ÁN QUỐC HỘI ĐIỆN TỬ ĐẢM BẢO TIẾN ĐỘ ĐƯỢC GIAO

04/01/2024

Chiều ngày 4/1, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì phiên họp của Thường trực Ban chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP CỦA THƯỜNG TRỰC BAN CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG VÀ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN QUỐC HỘI ĐIỆN TỬ

Toàn cảnh phiên họp

Tham dự cuộc họp có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng; thành viên Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc…

Tại Phiên họp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng đã báo cáo về kết quả triển khai một số dự án ứng dụng công nghệ thông tin thuộc Đề án; xin ý kiến về dự thảo Tờ trình về Đề cương Đề án. Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 626/NQ-UBTVQH15 thành lập Ban Chỉ đạo, trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo Văn phòng Quốc hội tham mưu xây dựng Đề án; tổ chức họp cho ý kiến về Đề cương Đề án; xin ý kiến Bộ Thông tin và Truyền thông; nghiên cứu, học tập kinh nghiệm tại Hàn Quốc; tổ chức Hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp lớn về công nghệ thông tin về Đề cương Đề án…

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, Văn phòng Quốc hội đã xin ý kiến Lãnh đạo Quốc hội và đề nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm tra. Trên cơ sở các ý kiến tham gia, Văn phòng Quốc hội đã báo cáo giải trình và tiếp thu tối đa ý kiến để bổ sung vào Đề cương, qua đó đã hoàn thành Hồ sơ Đề cương Đề án cơ bản.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng 

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, trên cơ sở các ý kiến tham gia và các quy định pháp luật hiện hành, Văn phòng Quốc hội đề nghị tên Đề án là Đề án xây dựng Quốc hội điện tử, hướng đến Quốc hội số giai đoạn 2023 – 2026, định hướng đến năm 2030.

Đề án được xây dựng nhằm chuyển hoạt động của các cơ quan lên nền tảng số; tạo ra các phương thức quản lý, lãnh đạo mới; các công việc đều được quản lý dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin và nền tảng dữ liệu số, rút gọn tối đa các quy trình, thủ tục hành chính; tạo môi trường tương tác hai chiều giữa Quốc hội và cử tri. Đồng thời, từng bước chủ động hội nhập, tham gia vào các hoạt động của các tổ chức có liên quan đến nghị viện điện tử; chuyển đổi số thành công các hoạt động của Quốc hội, trọng tâm là hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Phát biểu tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, Tổ giúp việc cần rà soát, nghiên cứu tiếp thu ý kiến tại cuộc họp để xây dựng tiêng hai Tờ trình xin ý kiến Đảng đoàn Quốc hội và Tờ trình xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan có thẩm quyền; đồng thời đề nghị, cần đưa hệ thống phần mềm quản lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, quản lý, theo dõi ý kiến, kiến nghị của cử tri, vận hành một số hình thức trợ lý ảo vào các hạng mục sẽ đầu tư trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao và ghi nhận nỗ lực của các cơ quan chức năng trong thời gian qua, đặc biệt Văn phòng Quốc hội dù khối lượng công việc rất lớn nhưng đã rất trách nhiệm trong thực hiện phần công việc được giao, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị để hoàn thành Đề cương Đề án.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải 

Trên cơ sở các kết quả đã đạt được, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Thường trực Ban Chỉ đạo và các đơn vị hữu quan để hoàn thiện trình Đề cương Đề án trình Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong các tháng đầu năm 2024, qua đó bảo đảm trong 6 tháng đầu năm sẽ giải quyết dứt điểm được một số công việc thuộc nhiệm vụ được giao.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh xây dựng Đề án Quốc hội điện tử hướng đến Quốc hội số là xu hướng tất yếu của Quốc hội ở tất cả các nước, do vậy đề nghị, Tổ giúp việc tiếp thu ý kiến góp ý với Đề cương Đề án, chú ý rà soát để tổng hợp đầy đủ các dự án công nghệ thông tin đang triển khai sẽ được tích hợp vào Đề án; lựa chọn các dự án, hệ thống phần mềm được đầu tư thực hiện trong trước mắt hay dài hạn bảo đảm phù hợp với đòi hỏi thực tế của từng phân kỳ đầu tư cụ thể…

Trong đó, với phân kỳ đầu tư 2023 – 2026, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý, cần rà soát lại để đưa ra các thứ tự ưu tiên đầu tư phù hợp nhằm đáp ứng tốt nhất đòi hỏi của thực tế; nghiên cứu thực hiện thí điểm vận hành trợ lý ảo để hỗ trợ cho hoạt động của đại biểu Quốc hội...

Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng 

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy

Các đại biểu tại phiên họp

Trên cơ sở các kết quả đã đạt được, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Thường trực Ban Chỉ đạo và các đơn vị hữu quan để hoàn thiện trình Đề cương Đề án trình Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong các tháng đầu năm 2024, qua đó bảo đảm trong 6 tháng đầu năm sẽ giải quyết dứt điểm được một số công việc thuộc nhiệm vụ được giao

Thu Phương - Minh Thành

Các bài viết khác