HOÀN THIỆN CƠ CẤU TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CÁC CƠ QUAN CỦA QUỐC HỘI TĂNG TÍNH CHUYÊN NGHIỆP, CHUYÊN SÂU, KHOA HỌC

04/01/2024

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà, Học viện Hành chính quốc gia, các khóa Quốc hội gần đây số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tăng ở Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đã góp phần quan trọng trong việc giúp Quốc hội ban hành số lượng luật, pháp lệnh lớn, đảm bảo ngày càng có chất lượng; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước đáp ứng yêu cầu thực tiễn có tính khả thi và hiệu quả cao; hoạt động giám sát được tăng cường về số lượng, chất lượng và thường xuyên hơn.

TIẾP TỤC HOÀN THIỆN VỊ TRÍ PHÁP LÝ CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI, NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CƠ QUAN QUYỀN LỰC CAO NHẤT CỦA NHÂN DÂN

Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội đã quy định về tổ chức của Quốc hội gồm các chủ thể: Đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội. Trong đó, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội là cơ quan của Quốc hội, có chức năng, nhiệm vụ cơ bản là thẩm tra, giám sát, kiến nghị, trình dự án luật. Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp, báo cáo công tác trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có cơ quan thường trực gồm: Chủ tịch Hội đồng Dân tộc/Chủ nhiệm Ủy ban, Phó Chủ tịch/Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách. Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội lập các Tiểu ban để nghiên cứu, chuẩn bị các vấn đề thuộc lĩnh vực hoạt động của Hội đồng, Ủy ban.

Tổ chức của Quốc hội liên tục được đổi mới.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Khoa Nhà nước pháp luật và lý luận cơ sở, Học viện hành chính quốc gia đánh giá, Luật Tổ chức Quốc hội ngày càng được hoàn thiện, nhiều quy định trước đây nằm trong Quy chế hoạt động ban hành kèm theo Nghị quyế của Quốc hội, trong Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được tổng kết, đánh giá đưa vào Luật Tổ chức Quốc hội. Qua tổng kết thi hành 02 bản Hiến pháp, 03 lần sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội cho thấy, tổ chức của Quốc hội liên tục được đổi mới. Về Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hiến pháp năm 1992, Luật Tổ chức Quốc hội năm 1992 đã đánh dấu bước đổi mới căn bản về cơ quan thường trực của Quốc hội, thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều hoạt động chuyên trách. Đây là tiền đề quan trọng trong tổ chức bộ máy, nhân sự của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Khoa Nhà nước pháp luật và lý luận cơ sở, Học viện hành chính quốc gia

Theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2007, Hội đồng Dân tộc và Ủy ban của Quốc hội tăng từ 8 cơ quan lên 10 cơ quan; đồng thời tăng số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, số lượng thành viên Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Quốc hội. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội cũng được thay đổi cho phù hợp hơn, lĩnh vực phụ trách được thay đổi cho phù hợp với tình hình mới.

Tuy nhiên, nguyên tắc phân định chức năng, nhiệm vụ của các Ủy ban vẫn có một số điều chưa rõ, có sự giao thoa giữa các Ủy ban; một ủy ban thực hiện nhiệm vụ gắn với nhiều bộ, ngành; một bộ, ngành thuộc lĩnh vực hoạt động gắn với nhiều Ủy ban.

Tiếp đó, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 đã quy định cụ thể hơn về cơ cấu tổ chức và hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số; nhiệm kỳ của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội theo nhiệm kỳ Quốc hội.

Các cơ quan của Quốc hội bắt đầu có đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách từ Quốc hội khóa IX, số lượng ban đầu khoảng 5% tổng số đại biểu, tập trung chủ yếu ở Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và tăng qua các nhiệm kỳ, trong đó Quốc hội khóa XI tăng mạnh về số lượng đại biểu chuyên trách lên ít nhất 25% tổng số đại biểu Quốc hội và tiếp tục tăng lên ít nhất 35% vào 40% ở Quốc hội khóa XIV và XV (theo Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2020).

Số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tăng ở Quốc hội khóa XI gồm cả số lượng chuyên trách ở Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, nhưng từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tăng chủ yếu ở Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đã góp phần quan trọng trong việc giúp Quốc hội ban hành số lượng luật, pháp lệnh lớn, đảm bảo ngày càng có chất lượng; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước đáp ứng yêu cầu thực tiễn, có tính khả thi và hiệu quả cao; hoạt động giám sát được tăng cường về số lượng, chất lượng và thường xuyên hơn.

Quy định của Hiến pháp và pháp luật về tổ chức và hoạt động của Quốc hội ngày càng được đổi mới và hoàn thiện theo hướng phân định khá rõ về chức năng, nhiệm vụ

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, quy định của Hiến pháp và pháp luật về tổ chức và hoạt động của Quốc hội ngày càng được đổi mới và hoàn thiện theo hướng phân định khá rõ về chức năng, nhiệm vụ, góp phần quan trọng nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đáp ứng tốt hơn vị trí, vai trò của Quốc hội trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và yêu cầu của thực tiễn đặt ra. Phương thức hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội luôn được đổi mới, hoàn thiện, thích ứng linh hoạt trước những vấn đề thực tiễn đặt ra, nhất là vào thời điểm đại dịch COVID-19. Đã có nhiều cải tiến từ cách thức tổ chức đến tiến hành các kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Quốc hội có chuyển biến mạnh mẽ (nhất là kỳ họp cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV được tổ chức kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung), kịp thời thích ứng với xu thế phát triển của thời đại, tạo tiền đề quan trọng để tiếp tục xây dựng và phát triển Quốc hội điện tử trong thời gian tới.

Làm rõ chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, lĩnh vực hoạt động bảo đảm bao quát hết các lĩnh vực hoạt động.

Tuy vậy, theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Khoa Nhà nước pháp luật và lý luận cơ sở, Học viện hành chính quốc gia, trong nhiều nhiệm kỳ, đại biểu Quốc hội tái cử chỉ chiếm hơn 30%, đa số đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách, còn có đại biểu “gánh” nhiều cơ cấu nên phần nào giảm tính tiêu biểu, đại diện của đại biểu Quốc hội, ảnh hưởng đến hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Hơn nữa, một số tiêu chí trong việc tổ chức, xác định chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn, đối tượng, quyền hạn của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội chưa thật rõ, nguồn lực các cơ quan này còn hạn chế. Cơ cấu Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội còn nhiều thành viên kiêm nhiệm (khoảng 70%) nên ảnh hưởng tới hoạt động. Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội còn trực tiếp thực hiện nhiều công việc mang tính kỹ thuật lập pháp mà chưa có cơ quan chuyên nghiệp hỗ trợ.

Vì vậy, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà nêu một số giải pháp tiếp tục tăng tính chuyên nghiệp hơn nữa của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trong giai đoạn tới. Trong đó, nghiên cứu hoàn thiện tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn các cơ quan của Quốc hội theo hướng chuyên nghiệp, bao quát lĩnh vực. Làm rõ chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, lĩnh vực hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội để bảo đảm công tác chuyên môn, chuyên sâu, tránh chồng chéo, đảm bảo bao quát hết các lĩnh vực hoạt động.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, cần từng bước hoàn thiện Quy chế hoạt động, đảm bảo nâng cao năng lực của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội theo hướng tăng tính chủ động, trách nhiệm, chuyên sâu, chuyên nghiệp.

Có thể nghiên cứu bên cạnh một số Ủy ban đã được quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội còn có một số Ủy ban do Quốc hội thành lập tùy thuộc từng nhiệm kỳ Quốc hội khi thấy cần thiết, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn, trong đó thành lập các cơ quan của Quốc hội không phải thiết chế Ủy ban.

Kiện toàn cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và trình tự, thủ tục hoạt động của Tiểu ban trong thực hiện nhiệm vụ giúp Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Đổi mới phương thức, cách thức tổ chức hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, từng bước hoàn thiện Quy chế hoạt động, đảm bảo nâng cao năng lực của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội theo hướng chủ động, trách nhiệm, nghiên cứu từ sớm, từ xa, chuyên sâu, tăng tính chuyên nghiệp, tính khoa học, tính nhạy bén, bao quát được tình hình, lĩnh vực hoạt động, phản ánh sâu sắc ý chí, nguyện vọng của cử tri.

Lan Hương

Các bài viết khác