HỘI THẢO THAM VẤN Ý KIẾN VÀO HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VÀ HĐND

29/12/2023

Sáng 29/12, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến vào Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo.

GÓC NHÌN: CÔNG TÁC LẬP HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Toàn cảnh Hội thảo

Đồng chủ trì Hội thảo có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo.

Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng; Thường trực Hội đồng Dân tộc; một số thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập; đại diện Thường trực các Ủy ban của Quốc hội; đại diện Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Ninh Bình…; lãnh đạo, chuyên viên Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội.

Cần rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 cho phù hợp thực tiễn

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và theo kế hoạch công tác, hôm nay, Hội đồng Dân tộc tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến về hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm khẳng định, đây là diễn đàn quan trọng trong quy trình lấy ý kiến để Hội đồng Dân tộc, Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập dự án Luật cũng như các cơ quan liên quan của Quốc hội, Chính phủ, các địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, thảo luận đối với các vấn đề liên quan trong hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm 

Nêu rõ thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đã không ngừng tăng cường, đổi mới hoạt động giám sát, ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác này và đạt được nhiều kết quả quan trọng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân được thông qua năm 2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016, đã là cơ sở pháp lý quan trọng, toàn diện cho việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, làm rõ tính chất, vị trí pháp lý, trình tự thủ tục và góp phần đổi mới căn bản chất lượng hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử trên nhiều lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm chỉ rõ, sau hơn 07 năm thi hành, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 cũng đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc cần phải rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với bối cảnh, tình hình thực tiễn hiện nay. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Hội đồng Dân tộc là cơ quan chủ trì lập đề nghị, soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Triển khai ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc đã thành lập ngay và phân công nhiệm vụ cho Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập lập đề nghị xây dựng Luật; ban hành Kế hoạch lập đề nghị xây dựng Luật, Kế hoạch tổng kết thi hành Luật.

Hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật đã cơ bản hoàn chỉnh về thành phần, tương đối kỹ lưỡng về nội dung, thể thức

Sau chưa đến 02 tháng từ Phiên họp thứ nhất, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập đã rất khẩn trương triển khai nhiều công việc phục vụ hoàn thiện bước đầu Hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật, nhất là đã cơ bản hoàn thành tổng kết thi hành Luật trong phạm vi toàn quốc, chuẩn bị dự thảo Báo cáo tổng kết công phu, chi tiết, gồm gần 80 trang và các Phụ lục kèm theo; cơ bản đã đánh giá, tổng hợp đầy đủ các thông tin, số liệu và nhất là các kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của các cơ quan, địa phương.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Trên cơ sở tổng kết thi hành Luật, các tài liệu khác của hồ sơ lập đề nghị cũng đã tiếp tục được hoàn thiện gồm: Báo cáo đánh giá tác động chính sách; Tờ trình lập đề nghị xây dựng Luật và dự thảo Đề cương chi tiết Luật, Báo cáo nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về hoạt động giám sát của Quốc hội, Nghị viện một số quốc gia. Các tài liệu này cũng đã được đăng tải lấy ý kiến rộng rãi trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội, gửi lấy ý kiến các cơ quan hữu quan, đối tượng chịu tác động để tiếp tục hoàn thiện, trước khi gửi thẩm tra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 2/2024 theo kế hoạch.

Nhấn mạnh đến thời điểm này, hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật đã cơ bản hoàn chỉnh về thành phần, tương đối kỹ lưỡng về nội dung, thể thức, tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng, để đảm bảo chất lượng gửi thẩm tra, cũng như trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hồ sơ lập đề nghị cần tiếp tục được hoàn thiện hơn nữa, nhất là đối với các vấn đề lớn như sự cần thiết, cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn và phạm vi sửa đổi, bổ sung...

Một số nội dung cần quan tâm thảo luận

Nội dung của Hội thảo tập trung vào các vấn đề liên quan đến hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên, các vấn đề lớn, quan trọng khác trong hồ sơ lập đề nghị xây dựng luật, nếu cần thiết cũng đề nghị các đại biểu góp ý tại Hội thảo. Do đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm gợi ý một số vấn đề cần quan tâm, nghiên cứu, thảo luận như sau:

Thứ nhất, về sự cần thiết ban hành Luật tại Tờ trình: Đề nghị các đại biểu cho ý kiến về cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn của việc sửa đổi, bổ sung Luật hoạt động giám sát, nhất là về cơ sở sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân.

Thứ hai, về các chính sách trong đề nghị xây dựng Luật: Đề nghị các đại biểu cho ý kiến đối với 05 chính sách đề xuất trong đề nghị xây dựng Luật. Các chính sách này đã đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân chưa?

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo Hội thảo

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị đánh giá về sự cần thiết, tính hợp lý, phù hợp, khả thi của các chính sách, nhất là các vấn đề mới như: việc mở rộng nội hàm hoạt động giải trình thành cả hoạt động lập pháp (như trong Báo cáo đánh giá tác động nêu); tính khả thi của quy định xử lý kỷ luật cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện “không đúng, không đầy đủ” kết luận giám sát; tính thống nhất của các quy định về hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân ở những tỉnh, thành đang thí điểm mô hình chính quyền đô thị; tính hợp lý của đề xuất chất vấn thủ trưởng các cơ quan thuộc ngành dọc của trung ương tại địa phương khi có nhiều ngành hiện nay đã và đang tiến tới tổ chức ngành dọc theo cụm gồm một số tỉnh... Các giải pháp đối với từng chính sách được đưa ra đã đảm bảo tính hợp lý, phù hợp chưa?

Thứ ba, dự kiến đề cương Luật đã đảm bảo giải quyết các đầy đủ vấn đề nêu ra tại Báo cáo đánh giá tác động chính sách chưa? Các nội dung sửa đổi, bổ sung trong đề cương Luật có nội dung nào nằm ngoài 05 chính sách đã được đề xuất không? Và tính thống nhất của các quy định trong Đề cương dự thảo Luật đã được đảm bảo chưa?

Ngoài ra, đề nghị các đại biểu tham gia về các nội dung khác liên quan đến hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật.

Tiếp theo chương trình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo Hội thảo.

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân, các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến vào các nội dung liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sẽ tiếp tục cập nhật thông tin chi tiết từ Hội thảo./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức