TRIỂN KHAI HOÀN THIỆN CƠ BẢN CÁC NỘI DUNG ĐỀ TÀI CẤP BỘ ĐẶC BIỆT TRONG NĂM 2024

26/12/2023

Đề tài cấp bộ đặc biệt “Quốc hội Việt Nam – 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển” là công trình nghiên cứu khoa học hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội khóa I. Xác định rõ việc triển khai đề tài là nhiệm vụ chính trị, có ý nghĩa lịch sử, trong năm 2023, Ban Chủ nhiệm đề tài, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH, VPQH và Viện NCLP đã chủ động, triển khai các nội dung công việc, bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ; dự kiến năm 2024 sẽ hoàn thiện cơ bản các nội dung đề tài.

Hoàn thành các nhiệm vụ nghiên cứu Đề tài của năm 2023 theo đúng Kế hoạch

Phiên họp thứ tám của Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Vừa qua, báo cáo sơ kết hoạt động năm 2023, kế hoạch triển khai năm 2024 của đề tài cấp bộ đặc biệt “Quốc hội Việt Nam – 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển” tại phiên họp thứ tám của Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển – Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học nêu rõ: Thực hiện kết luận của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Thông báo số 1644/TB-VPQH ngày 13/7/2023 của VPQH; thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định – Chủ nhiệm đề tài tại Thông báo số 1007/TB-VPQH ngày 5/5/2023 và Thông báo số 2374/TB-VPQH ngày 13/9/2023 của Văn phòng Quốc hội, căn cứ Kế hoạch số 03/KH-BCNĐT ngày 31/7/2023 của Ban Chủ nhiệm đề tài, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội đã khẩn trương, chủ động nghiên cứu và tổ chức nghiên cứu các nội dung được phân công; gắn kết việc triển khai nghiên cứu đề tài với các hoạt động phục vụ kỷ niệm 80 năm Quốc hội Việt Nam theo kế hoạch chung của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, cơ bản hoàn thành các hoạt động nghiên cứu trong năm 2023 đúng thời hạn, bảo đảm chất lượng.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển – Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Nêu một số kết quả triển khai nổi bật, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết: Ban Chủ nhiệm đề tài đã tổ chức Phiên họp thứ nhất, Phiên họp thứ hai để triển khai Kế hoạch nghiên cứu; bám sát và cho ý kiến về tiến độ triển khai thực hiện đề tài; Đã có 14/14 cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội ban hành Kế hoạch triển khai đề tài quy định chi tiết, cụ thể từng công việc, thời hạn hoàn thành và người thực hiện;…

Phiên họp thứ nhất triển khai Kế hoạch nghiên cứu đề tài cấp bộ đặc biệt "Quốc hội Việt Nam: 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển"

Bên cạnh đó, Viện Nghiên cứu lập pháp và Ban Chủ nhiệm đề tài phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật, Ban Công tác đại biểu và Văn phòng Quốc hội tổ chức thành công 03/03 cuộc Hội thảo khoa học thuộc phạm vi hoạt động của đề tài năm 2023. Các cuộc hội thảo đã diễn ra sôi nổi, có nhiều ý kiến chất lượng. Các chuyên gia, nhà khoa học gồm các cán bộ đã công tác lâu năm trong khối các cơ quan của Quốc hội đã có những phát biểu tâm huyết, đi sâu vào trọng tâm, trọng điểm của đề tài. Kết quả của ba cuộc hội thảo là nguồn cung cấp tư liệu, tài liệu tham khảo phục vụ quá trình nghiên cứu đề tài.

 Ban Chủ nhiệm đề tài phối hợp với Ủy ban Pháp luật, Ban Công tác đại biểu và Văn phòng Quốc hội tổ chức thành công 03 cuộc Hội thảo 

Ngoài ra, đến nay, Viện Nghiên cứu lập pháp và Ban Chủ nhiệm đề tài cũng đã nhận được 20/20 báo cáo chuyên đề (07/07 cơ quan đã nộp sản phẩm) cần hoàn thành trong tháng 10/2023 theo Thuyết minh đề tài và Kế hoạch triển khai đề tài. Các báo cáo đều được cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và thành viên Ban Chủ nhiệm đề tài tổ chức nghiên cứu công phu, nghiêm túc, bảo đảm chất lượng, yêu cầu.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển nhấn mạnh, với việc xác định rõ việc triển khai đề tài cấp bộ đặc biệt “Quốc hội Việt Nam – 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển” là nhiệm vụ chính trị, có ý nghĩa lịch sự, mang tính chuyên môn cao, trong điều kiện khối lượng công việc của các cơ quan đều rất lớn, Viện Nghiên cứu lập pháp và Ban Chủ nhiệm đề tài đã hoàn thiện đầy đủ các thủ tục để triển khai thực hiện đề tài; Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các thành viên Ban Chủ nhiệm đề tài đã tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công việc được phân công, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ nghiên cứu của năm 2023 theo Kế hoạch đề ra.

Năm 2024 - trọng điểm để hoàn thiện cơ bản các nội dung Đề tài.

Về kế hoạch triển khai Đề tài năm 2024, Viện trưởng Nguyễn Văn Hiển cho biết, Ban Chủ nhiệm đề tài, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội  và từng cá nhân thành viên tiếp tục tích cực triển khai thực hiện các công việc được phân công, bảo đảm đúng tiến độ và yêu cầu như: Tổ chức nghiên cứu, xây dựng các báo cáo chuyên đề; Tổ chức Hội thảo khoa học; Xây dựng và biên tập bài báo khoa học; Xây dựng Danh mục, báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu;…

Theo Viện trưởng năm 2024 sẽ là năm trọng điểm để Ban Chủ nhiệm đề tài hoàn thiện cơ bản các nội dung của đề tài. Vì vậy, để bảo đảm yêu cầu, tiến độ và chất lượng theo đúng Thuyết minh, Kế hoạch triển khai đề tài, trong năm 2024, Viện Nghiên cứu lập pháp sẽ tiếp tục chủ động đôn đốc, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan được phân công để hoàn thành các nội dung công việc; hoàn thiện các thủ tục nghiệm thu sản phẩm giai đoạn năm 2024; thực hiện chế độ báo cáo thường xuyên, định kỳ;…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - Chủ tịch Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tiếp tục kế thừa và phát huy những kết quả đạt được của năm 2023, trong năm 2024, các cơ quan, thành viên đề tài thực hiện đầy đủ các công việc theo Thuyết minh đề tài và Kế hoạch triển khai, bảo đảm tiến độ và chất lượng sản phẩm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng lưu ý, các cơ quan và thành viên Ban Chủ nhiệm đề tài cần tiếp tục tích cực, phối hợp chặt chẽ với Ban Chủ nhiệm đề tài và Viện Nghiên cứu lập pháp trong quá trình triển khai thực hiện; hoàn thiện các sản phẩm theo yêu cầu cho đến khi đề tài được nghiệm thu.

Thay mặt Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao vai trò của cơ quan thường trực của đề tài – Viện nghiên cứu lập pháp đã làm rất tốt nhiệm vụ là cơ quan đầu mối tham mưu, xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện đề tài. Thời gian qua, Viện đã có nhiều nỗ lực, cải tiến và đổi mới trong triển khai các nhiệm vụ cũng như trong công tác tham mưu, đưa lại những kết quả hết sức thiết thực./.

Lê Anh - Ngọc Thúy