XÂY DỰNG LUẬT THỦ ĐÔ (SỬA ĐỔI): LÀM RÕ CĂN CỨ, TIÊU CHÍ ĐỂ XÁC ĐỊNH NĂNG LỰC NHÀ ĐẦU TƯ CHIẾN LƯỢC

21/12/2023

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV. Quan tâm tới dự luật, TS.Vũ Nhữ Thăng - Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng dự thảo Luật đã xác định phạm vi, đối tượng các lĩnh vực được ưu đãi để thu hút nhà đầu tư chiến lược; các điều kiện để xác định nhà đầu tư chiến lược. Tuy nhiên, cần làm rõ căn cứ, đánh giá cụ thể các tiêu chí để xác định quy mô của dự án cũng như năng lực nhà đầu tư.

SỬA ĐỔI LUẬT THỦ ĐÔ NÊN GIAO QUYỀN CHO THÀNH PHỐ HÀ NỘI CHỦ ĐỘNG QUYẾT ĐỊNH BIÊN CHẾ CÁN BỘ

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)

Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2012, có hiệu lực từ ngày 01/7/2013. Luật Thủ đô quy định về vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô, được các bộ, ngành, địa phương, nhất là thành phố Hà Nội tích cực, chủ động triển khai thi hành Luật. Tuy nhiên, qua hơn 09 năm thi hành luật, việc thực hiện một số mục tiêu, giải pháp, quy định đề ra trong Luật còn nhiều tồn tại, hạn chế trong một số lĩnh vực. Do đó, việc ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) là rất cần thiết nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị như Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” và khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện qua hơn 09 năm thi hành luật.

Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 gồm 07 chương, 59 điều; tăng 03 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, trong đó giữ nguyên 3 Điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều. Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật, đối với chính sách thuế ưu đãi đầu tư, TS.Vũ Nhữ Thăng - Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng cần xác định rõ hình thức, cách thức ưu đãi thuế phù hợp. Hiện nay, các hình thức ưu đãi thuế đang áp dụng ở Việt Nam khá đa dạng, bao gồm cả ưu đãi về thuế trực thu và ưu đãi về thuế gián thu. Cũng tương tự như nhiều nước trên thế giới, mục tiêu áp dụng chính sách ưu đãi thuế là nhằm khuyến khích các hoạt động đầu tư theo các định hướng ưu tiên của Chính phủ. Có thể thấy, các chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam chủ yếu là các loại hình ưu đãi xác định dựa trên lợi nhuận của doanh nghiệp, trong đó, ưu đãi về giảm mức thuế suất, áp dụng thời gian miễn thuế, giảm thuế là phổ biến nhất. Các hình thức ưu đãi thuế khác như giảm trừ số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp, giảm trừ thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo đầu tư hiện chưa được áp dụng.

Bên cạnh đó, cần đảm bảo thống nhất trong các văn bản pháp luật, đặc biệt là Luật thuế và các văn bản liên quan. TS.Vũ Nhữ Thăng cho biết, Luật Đầu tư đã quy định cụ thể đối tượng áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 29/2021/QĐ-TTg ngày 06/10/2021 quy định điều kiện, tiêu chí, nguyên tắc áp dụng ưu đãi đầu tư đặc biệt cho các đối tượng quy định tại Luật Đầu tư. Mặt khác, hiện nay, chính sách ưu đãi thuế, đất đai hiện hành, đặc biệt là chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đều đã được quy định cụ thể tại Luật về thuế do Quốc hội ban hành để áp dụng thống nhất, bình đẳng giữa các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh, đồng thời khuyến khích, phát triển các ngành nghề, lĩnh vực, khu vực cần ưu tiên.

TS.Vũ Nhữ Thăng - Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia

Cùng với đó, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 không quy định về nguyên tắc áp dụng pháp luật trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật văn bản chuyên ngành và văn bản quy phạm pháp luật quy định chung có sự chồng lắp khi điều chỉnh cũng một vấn đề. Vì vậy, nếu tuân thủ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì trong trường hợp luật chung và luật chuyên ngành cùng liên quan đến một vấn đề, nếu văn bản chuyên ngành ban hành sau văn bản quy định chung thì việc lựa chọn văn bản chuyên ngành để áp dụng hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc thứ ba, nhưng nếu văn bản chuyên ngành ban hành trước văn bản quy định chung thì lựa chọn văn bản nào để áp dụng là vấn đề khó khăn và tiềm ẩn khả năng áp dụng pháp luật không thống nhất.

Từ phân tích trên, để tạo tính đột phá, vượt trội cũng như sự thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, TS.Vũ Nhữ Thăng đề xuất thay vì ưu đãi thuế suất, nghiên cứu các giải pháp kéo dài thời gian áp dụng ưu đãi thuế một cách hợp lý. Đồng thời nghiên cứu áp dụng các giải pháp hỗ trợ tín dụng thuế đầu tư thay vì ưu đãi trực tiếp bằng việc giảm thuế suất và kéo dài thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi. Theo đó, Nhà nước cho phép các doanh nghiệp được giữ lại tiền thuế phải nộp để đầu tư trở lại phát triển sản xuất kinh doanh. Có thể hiểu doanh nghiệp sẽ được vay vốn một cách trực tiếp, không cần tài sản thế chấp, không phải trả lãi vay, tạo điều kiện thuận lợi về vốn, giúp doanh nghiệp đầu tư phát triển, đóng góp cho tăng trưởng nền kinh tế.

Quan tâm tới việc thu hút nhà đầu tư chiến lược, dự thảo Luật đã xác định phạm vi, đối tượng các lĩnh vực được ưu đãi để thu hút nhà đầu tư chiến lược; các điều kiện để xác định nhà đầu tư chiến lược. Tuy nhiên, TS.Vũ Nhữ Thăng cho rằng cần làm rõ căn cứ, đánh giá cụ thể các tiêu chí để xác định quy mô của dự án cũng như năng lực nhà đầu tư đảm bảo phù hợp quy hoạch tổng thể; đảm bảo yêu cầu quy mô vốn nhà đầu tư chiến lược phù hợp với từng nhóm ngành nghề ưu tiên. Mức sàn cao có thể là yếu tố cần thiết để đảm bảo được chất lượng, quy mô dự án cũng như năng lực nhà đầu tư, tuy nhiên cũng cần thu hút đủ số lượng các dự án theo mục tiêu cũng như tính đến tính khả thi và phù hợp với năng lực nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cần lưu ý việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, nếu theo quy trình thông thường thì các doanh nghiệp, tập đoàn lớn khó tham gia do không xác định được lộ trình triển khai, thời gian thực hiện dài, nguy cơ ảnh hưởng đến thương hiệu và giá trị doanh nghiệp nếu không được lựa chọn. Vì vậy cần có những quy định cụ thể hơn, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc triển khai các dự án thuộc danh mục ưu tiên.

Ảnh minh hoạ

Về huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, dự thảo Luật quy định Thành phố Hà Nội được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn trái phiếu Chính phủ phát hành không phụ thuộc vào hạn mức trần. TS.Vũ Nhữ Thăng chỉ rõ, về nguyên tắc, khi vay nợ, chính quyền địa phương phải tự cân đối ngân sách và chính quyền trung ương không chịu trách nhiệm trước những rủi ro về nợ. Việc quy định giới hạn nợ chính quyền địa phương nhằm đảm bảo kiểm soát được nợ, cũng như tránh được những rủi ro về nợ, duy trì sự ổn định về kinh tế, chính trị của địa phương nói riêng và quốc gia nói chung. Do đó đề xuất vẫn nên áp dụng mức trần vay nợ để đảm bảo khả năng trả nợ, cân đối hài hòa giữa nhu cầu đầu tư phát triển với khả năng huy động nguồn lực từ các nguồn khác và quy mô thu ngân sách.

Ngoài ra, TS.Vũ Nhữ Thăng cũng nhận thấy, dự thảo Luật có nhiều ý tưởng, đề xuất đột phá, có nhiều điểm khác biệt với nhiều luật và văn bản dưới luật hiện hành. Tuy nhiên, các vấn đề còn chưa thống nhất hoặc mâu thuẫn với các luật khác cần tính đến lộ trình và đánh giá tác động trên cơ sở tính toán đến các yếu tố về chủ trương của Đảng; luật và các văn bản dưới luật hiện hành; nguồn lực của Hà Nội; cơ chế giám sát, trách nhiệm giải trình, minh bạch.

Quy định giao quyền cho Hà Nội về quyết định biên chế cán bộ, công chức, số lượng viên chức là cần thiết, song cần làm rõ quy trình theo hướng quá trình tuyển dụng cần có sự tham gia của cơ quan đại diện Bộ Nội vụ trong hội đồng tuyển dụng nhằm tăng cường giám sát, đảm bảo tính minh bạch. Đồng thời đề nghị bổ sung điều, khoản về cơ chế minh bạch, giám sát, giải trình của các nội dung về phân cấp, phân quyền, trong đó quy định cụ thể việc thực hiện cơ chế báo cáo đối với các nội dung được phân cấp, phân quyền nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong phân cấp, phân quyền./.

Minh Thành