GÓC NHÌN: MỘT SỐ GÓP Ý HOÀN THIỆN DỰ THẢO LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN (SỬA ĐỔI)
Tại Phiên khai mạc kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khóa XV, Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2023 và đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 của Chính phủ trình bày cho thấy, mặc dù đã hết sức cố gắng, hành động quyết liệt, thực thi hàng loạt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, nhưng thực tế kết quả tăng trưởng GDP năm 2023 được dự báo trên 5%, không đạt mục tiêu mà Quốc hội đề ra (6,5%), kéo theo GDP 3 năm 2021-2023 chỉ đạt khoảng 5,4%; kết quả này đặt ra thách thức rất lớn đối với việc đạt mục tiêu tăng trưởng GDP giai đoạn 2021-2025 là 6,5-7%. Cùng với việc tăng trưởng GDP có xu hướng chậm lại qua các giai đoạn (2006-2010 đạt 7,01%, 2011-2015 đạt 5,91%, 2016-2020 đạt 5,99%, 2021-2023 dự kiến 5,4%), chỉ tiêu năng suất lao động nhiều năm không đạt, gần nhất là 2 năm liên tiếp 2021, 2022 và dự kiến cả năm 2023 (cụ thể, năm 2021, chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội chỉ đạt 4,71% so với mục tiêu 4,8%; năm 2022 đạt 4,8% so với mục tiêu khoảng 5,2%; năm 2023 ước đạt 3,8-4,8% trong khi chỉ tiêu Quốc hội giao là 5-6%).
Tăng trưởng GDP cả nước giai đoạn 2011 - 2022.
Như vậy, việc tăng trưởng GDP có dấu hiệu loay hoay ở mức dưới 6% trong hơn 10 năm qua, trước áp lực phải nhanh chóng tạo đột phá để phát triển, giúp vượt bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần những giải pháp hết sức cấp bách để thúc đẩy tăng năng suất lao động, trong đó chìa khóa là tập trung đầu tư và tạo đột phá mạnh mẽ trong lĩnh vực khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (ĐMST), tận dụng tối ưu lợi thế thời kỳ dân số vàng của nước ta hiện nay. Bài học của Hàn Quốc hay Singapore cho thấy, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo chính là nhân tố quan trọng nhất để giúp các quốc gia này trở thành các nước phát triển, thu nhập cao (thế giới chỉ có 13 quốc gia thoát bẫy thu nhập trung bình thành công, trong đó, châu Á có 5 quốc gia và vùng lãnh thổ là Nhật, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, HongKong).
Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp đầu tư nâng cao các chỉ số khởi nghiệp và ĐMST, trong đó nổi bật là việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, xây dựng 40 nền tảng công nghệ số quốc gia, giúp các tổ chức, người dân, doanh nghiệp đạt được các kết quả quan trọng trong phòng chống dịch covid-19, duy trì phục hồi và phát triển kinh tế. Để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho ĐMST, Việt Nam đã bước đầu tập hợp được hàng nghìn chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước. Đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao cùng các khu công nghệ cao được xây dựng (đặc biệt là việc khánh thành và đi vào hoạt động của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc ngày 28/10/2023), các chương trình hỗ trợ DN chuyển đổi số, phối hợp nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp sáng tạo giữa các cơ quan Nhà nước, viện nghiên cứu giúp thay đổi quy trình công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu cắt băng khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc ngày 28/10/2023
Theo báo cáo của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Việt Nam đã có nhiều tiến bộ vượt bậc về chỉ số ĐMST, là quốc gia đứng đầu nhóm 30 quốc gia có thu nhập trung bình thấp về ĐMST và giữ vị trí thứ 42/132 thế giới 2 năm 2019 và 2020, vị trí 44/132 năm 2021, cao hơn Ấn Độ (thứ 48) và Philippin (thứ 50) (Trung Quốc thứ hạng 14). Kết quả nêu trên cho thấy, chiến lược phát triển khởi nghiệp, ĐMST của Việt Nam đang đi đúng hướng, từ đầu tư nguồn lực đến xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao.
Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, mặc dù đã đạt được các kết quả tích cực từ chiến lược phát triển khởi nghiệp và ĐMST, nhưng chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện rất chậm, năng suất lao động còn thấp, kết quả vận dụng các phát minh sáng chế vào thực tiễn nền kinh tế còn hạn chế, chưa có đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng; khả năng phát minh và làm chủ công nghệ nguồn, công nghệ lõi, nền tảng còn là một khoảng trống lớn (một ví dụ điển hình là, chúng ta đang đề ra mục tiêu rất lớn về chuyển đổi năng lượng sang năng lượng xanh, tái tạo tại quy hoạch điện 8, nhưng thực tế hiện nay, ta vẫn phải nhập khẩu thiết bị, chưa làm chủ được công nghệ vận hành cốt lõi của điện gió, mặt trời hay điện khí, vẫn phụ thuộc vào nhà cung cấp nước ngoài mỗi khi có sự cố, điều này tác động tiêu cực đến khả năng bảo vệ an toàn hệ thống năng lượng quốc gia). Do vậy, thời gian tới, cần tập trung nguồn lực để thúc đẩy mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa để lĩnh vực khởi nghiệp, ĐMST trở thành nguồn động lực chính để vượt qua bẫy thu nhập trung bình trong vòng 10 năm tới, trong đó cần nghiên cứu, triển khai 04 nhóm giải pháp chính sau đây:
Việt Nam có tiềm năng to lớn về năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió.
Thứ nhất, tạo sự thống nhất, xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo của toàn hệ thống chính trị về việc vận hành chính sách, hệ thống quản trị công, xây dựng hạ tầng phục vụ nghiên cứu, ứng dụng KHCN và cung cấp nhân lực nghiên cứu sáng tạo, có lộ trình cụ thể, khả thi, phù hợp điều kiện của đất nước.
Thứ hai, xây dựng và hoàn thiện khung thể chế mới, hạ tầng kỹ thuật phù hợp, cơ chế phối hợp vận hành quy trình nghiên cứu và vận dụng kết quả ĐMST, tích hợp hiệu quả mối quan hệ giữa KH-CN từ các viện nghiên cứu, trường đại học, các DN, giữa cá nhân, tổ chức phát minh và tổ chức thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Thứ ba, cần ưu tiên tập trung xây dựng và phát triển các trung tâm khởi nghiệp, ĐMST, trước hết là tại các khu vực kinh tế lớn như Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Trước mắt cần vận dụng sáng tạo Nghị quyết 98 để TP.Hồ Chí Minh sớm có thêm nhiều trung tâm ĐMST, đồng thời nghiên cứu, đưa ngay các cơ chế chính sách có tính ưu đãi đặc biệt để hình thành các trung tâm ĐMST vào dự thảo Luật Thủ đô mà Quốc hội sẽ xem xét sửa đổi trong kỳ họp này, đặc biệt là cơ chế thu hút nhân tài và môi trường làm việc sáng tạo.
(để so sánh: Tp Thẩm Quyến có diện tích, dân số và điều kiện tự nhiên khá tương đồng với TP.Hồ Chí Minh, họ có 1500 vườn ươm công nghệ và khởi nghiệp, hơn 20 ngàn bằng sáng chế mỗi năm, ngân sách dành cho R&D là 5% GDP, đóng góp của công nghệ cao chiếm 33% GDP và hơn 60% sản lượng công nghiệp; GRDP là 432 tỷ USD, gấp 7 lần TP.Hồ Chí Minh).
Thứ tư, huy động và có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là các Tập đoàn lớn trên thế giới xây dựng và vận hành các trung tâm R&D tại Việt Nam. Chúng ta cần nhiều hơn nữa các R&D như của tập đoàn Samsung, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao như điện tử, bán dẫn, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, công nghệ chuỗi khối, hóa chất cơ bản, công nghệ sinh học …; giúp Việt Nam sớm thành công trong việc gia tăng năng suất lao động, đổi mới mô hình tăng trưởng, làm chủ các công nghệ nền tảng và phát minh sáng chế, phát triển nhanh và bền vững, vượt qua bẫy thu nhập trung bình để đạt được các mục tiêu phát triển của nước ta đến năm 2030 và 2050.
|
TS.Nguyễn Mạnh Hùng
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội
Đại biểu Quốc hội Tp.Cần Thơ.
|