ĐẢM BẢO CHO NHỮNG NGƯỜI ĐANG ĐÓNG BHXH TIẾP CẬN VỚI MỘT TIÊU CHUẨN SINH KẾ TỐT
Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV
Luật Bảo hiểm xã hội được Quốc hội khoá XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 8 ngày 20/11/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016. Qua hơn 7 năm thi hành, luật đã đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn của chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc đóng - hưởng, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện luật hiện hành cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, bất cập. Chính vì vậy, việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Quốc hội khoá XV tại Kỳ họp thứ 6 gồm 10 chương và 136 Điều. Trên cơ sở kế thừa kết cấu của luật hiện hành, dự thảo Luật đã bổ sung 03 nội dung mới gồm trợ cấp hưu trí xã hội; quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội và đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội; bỏ Mục chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tách riêng điều quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, không quy định chung trong điều về đối tượng áp dụng; gộp các điều liên quan đến quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong một chương; không quy định chương riêng về trình tự, thủ tục bảo hiểm xã hội mà lồng ghép vào từng chế độ.
Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã khẳng định “Từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân. Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.” trong đó, nội dung quan trọng là xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng. Bao gồm, tầng 1 trợ cấp hưu trí xã hội, ngân sách nhà nước cung cấp một khoản trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu, hoặc bảo hiểm xã hội hằng tháng. Tầng 2 bảo hiểm xã hội cơ bản, bao gồm bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện. Tầng 3 bảo hiểm hưu trí bổ sung là chế độ hưu trí tự nguyện theo nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động có thêm sự lựa chọn tham gia đóng góp để được hưởng mức lương hưu cao hơn.
Tuy nhiên, để hướng tới một hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao trùm, hiện đại, bền vững, dựa trên quyền con người theo Hiến pháp và cách tiếp cận vòng đời ở Việt Nam, TS.Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XIV cho rằng cần phải hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội theo hướng nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển hệ thống thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch theo hướng mở rộng diện tham gia bảo hiểm xã hội, làm cho hệ thống bảo hiểm xã hội trở nên hấp dẫn hơn, để tiến tới bao phủ toàn bộ lực lượng lao động xã hội, ổn định việc làm, bảo đảm an sinh xã hội toàn dân.
TS.Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XIV
Theo TS.Bùi Sỹ Lợi, mục tiêu có tính chất căn bản sửa đổi luật hiện hành là bảo đảm an sinh xã hội cho toàn dân, dựa trên quyền con người theo Hiến pháp 2013; đặc biệt là phải hướng đến xây dựng sàn lương hưu nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu cho người nghỉ hưu theo nguyên tắc không để ai bị bỏ lại phía sau. Do đó, phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế phải theo hướng bắt buộc tiến tới bao phủ toàn bộ lực lượng lao động như bảo hiểm y tế toàn dân; sự cần thiết sửa đổi luật phải bảo đảm 11 nội dung cải cách theo quy định tại Nghị quyết 28/TW. Tuy nhiên, trong điều kiện đất nước đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện thể chế rất cần thiết quy định lộ trình để hướng tới hoàn thiện pháp luật.
Xu hướng tất yếu để mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội tiến tới bao phủ toàn dân là phải loại bỏ rào cản pháp lý và đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện bảo hiểm xã hội số; mở rộng quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho các nhóm lao động có khả năng tham gia, nhưng hiện không được bao phủ. Thông qua hiệu quả và kinh nghiệm thực hiện bảo hiểm y tế, từ bảo hiểm y tế tự nguyện đến bảo hiểm y tế hộ gia đình bắt buộc kết hợp với trợ cấp phí đóng bảo hiểm y tế cho 1 số nhóm đối tượng đã đem lai độ bao phủ bảo hiểm y tế đạt đích 95% dân số.
Để sớm đạt mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội hướng đến bao phủ toàn dân và bảo đảm hệ thống an sinh xã hội đa tầng, bền vững, thông qua các chính sách hỗ trợ, TS. Bùi Sỹ Lợi cho rằng cần tăng cường các chế độ trợ cấp ngắn hạn chẳng hạn như trợ cấp thai sản hoặc trợ cấp trẻ em, đồng thời có thể quy định giảm bớt quyền lợi hưởng nếu rút sớm và khuyến khích tiếp tục ở lại hệ thống bằng các nguồn lợi ưu tiên khác. Trong quá trình hội nhập, luật phải bảo đảm phù hợp với các công ước và điều ước Quốc tế mà Việt Nam ký kết. Tuy nhiên, vẫn chưa có chế độ trợ cấp gia đình, trẻ em là một trong 9 chế độ bảo hiểm xã hội tối thiểu quốc gia cần cung cấp. Nếu quy định chế độ trợ cấp trẻ em sẽ đóng một vai trò quan trọng trong khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội.
Ảnh minh hoạ
Cùng với đó, bảo đảm xây dựng hệ thống hưu trí đa tầng có liên kết chặt chẽ là cơ sở để xây dựng một hệ thống hưu trí toàn dân và đầy đủ, bền vững về tài chính trong xu hướng già hóa dân số. Trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng nhưng phải tính đến quá trình chia sẻ và phân phối lại vì bảo hiểm xã hội là trụ cột cơ bản của an sinh xã hội. Thiết kế luật bảo đảm thống nhất quản lý chung cho cả lương hưu bảo hiểm xã hội, trợ cấp hưu trí xã hội và hưu trí bổ sung, đồng thời, tuân thủ các nguyên tắc của tiêu chuẩn lao động quốc tế nhằm đạt được mục tiêu dài hạn là bảo đảm an sinh xã hội cho tất cả mọi người. Điều này sẽ giúp hình thành ba lớp đảm bảo thu nhập cho người già gồm trợ cấp xã hội từ ngân sách, hưu trí cơ bản từ quỹ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc đóng - hưởng và hưu trí bổ sung theo tài khoản cá nhân.
Bên cạnh đó, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển hệ thống thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch phải dựa trên nền tảng công nghệ số, kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia và kết nối các quy trình của Chính phủ với mục tiêu nhằm thực hiện bảo hiểm xã hội số, cải cách thủ tục hành chính, tạo sự hấp dẫn và tin cậy của người dân.
Tăng cường sự kết nối dữ liệu quốc gia trên cơ sở cập nhập số liệu người lao động tính đủ 15 tuổi trở lên có tham gia lao động có thu nhập đều thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Để giảm thiểu thủ tục hành chính có thể tích hợp việc đóng thuế và bảo hiểm xã hội thành khoản thanh toán duy nhất; phương pháp này cũng bao gồm các chính sách khuyến khích tài chính và đăng ký bảo hiểm xã hội có thể được kết hợp với quy trình đăng ký kinh doanh.
Ngoài ra, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cần xây dựng đồng bộ trên nền tảng cơ sở hạ tầng Công nghệ thông tin của ngành bảo hiểm xã hội, từ đó làm chủ công nghệ khai thác tối đa lợi ích, kết nối, chia sẻ phát triển công nghệ thông tin và bảo hiểm xã hội số. Đồng thời cần làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn chỉ đạo, giám sát hoạt động cơ quan bảo hiểm xã hội của Hội đồng quản lý và cơ cấu của bộ phận tham mưu giúp việc. Thiết kế các điều luật phải cụ thể, đơn giản dễ hiểu tránh cách hiểu khác nhau, bảo đảm kỹ thuật văn bản luật và hạn chế giao Chính phủ và các bộ ngành hướng dẫn./.