GÓC NHÌN: THÍ ĐIỂM THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ VỀ GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ - THÁO GỠ NÚT THẮT, KHƠI THÔNG NGUỒN LỰC PHÁT TRIỂN “XƯƠNG SỐNG” CỦA NỀN KINH TẾ

17/12/2023

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV thống nhất thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Để việc thực hiện Nghị quyết được hiệu quả, Cổng TTĐTQH trân trọng giới thiệu bài viết: “Thí điểm thực hiện chính sách đặc thù về giao thông đường bộ: Tháo gỡ nút thắt, khơi thông nguồn lực phát triển “xương sống” của nền kinh tế” của đại biểu Thạch Phước Bình - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh.

GÓC NHÌN: “ĐẠI GIÁM SÁT” THỰC THI KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC TẠI MỘT KỲ HỌP

Qua hơn 12 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và 11 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nước ta đã có bước phát triển mạnh mẽ. Hệ thống quốc lộ cơ bản đã hoàn thiện, gồm các trục dọc, trục ngang, trục hướng tâm cũng như hệ thống đường vành đai, kết nối thuận lợi với hệ thống cao tốc và đường địa phương; các trục quốc lộ cơ bản đã kết nối đến các cảng biển loại I và các cửa khẩu quốc tế, thuận lợi cho giao lưu đối ngoại.

Nhiều công trình trọng điểm, hiện đại đã được hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng như các tuyến cao tốc: Hà Nội - Lào Cai, Bắc Giang - Lạng Sơn, Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Móng Cái, La Sơn - Túy Loan, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, các hầm Đèo Cả, Hải Vân, Cù Mông, các cầu lớn vượt sông, biển như cầu Tân Vũ - Lạch Huyện, Bạch Đằng, Nhật Tân, Cao Lãnh, Vàm Cống... đến nay đã phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực có tuyến đi qua. Thực tiễn cho thấy, kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá, làm nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó, giao thông vận tải đường bộ là lĩnh vực trọng yếu của quá trình phân phối và lưu thông hàng hóa, giúp các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giao thương, vận chuyển... diễn ra thuận lợi, linh hoạt và liên tục.

Tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần thúc đẩy phân phối và lưu thông hàng hóa, giúp các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giao thương, vận chuyển... diễn ra thuận lợi, linh hoạt và liên tục.

Bên cạnh những kết quả đạt được như trên, quá trình triển khai áp dụng các quy định của pháp luật phát sinh những nội dung chưa thực sự phù hợp với bối cảnh và tình hình thực tế đầu tư phát triển các dự án đường bộ cần có giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo thực hiện thành công các mục tiêu Đảng và Quốc hội đã đề ra, nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đa dạng hóa và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn ngân sách nhà nước từ Trung ương đến địa phương cũng như nguồn lực tài chính từ khu vực tư nhân, các tổ chức tín dụng. Cụ thể:

Một là, về tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia trong các dự án PPP. Quy định hiện hành khống chế tỷ lệ vốn nhà nước tham gia không vượt quá 50% tổng mức đầu tư dự án PPP. Hiện nay, có một số dự án đang chuẩn bị đầu tư triển khai giai đoạn tới nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, có nhu cầu vận tải giai đoạn đầu chưa cao; có một số dự án đi qua khu vực đồng bằng có nhu cầu giải phóng mặt bằng nhiều, chiếm tỷ lệ cao trong tổng mức đầu tư dự án. Nếu áp dụng đúng tỷ lệ này, các dự án PPP sẽ phải kéo dài thời gian hoàn vốn, khó khăn trong việc huy động vốn từ các nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng.

Hai là, về thẩm quyền đầu tư dự án quốc lộ, cao tốc qua các địa phương. Theo quy định Luật Giao thông đường bộ, Luật Xây dựng, hệ thống quốc lộ do Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm tổ chức quản lý, thực hiện đầu tư xây dựng. Luật Ngân sách Nhà nước cũng quy định, việc đầu tư, nâng cấp mở rộng tuyến đường quốc lộ thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương, do Bộ Giao thông Vận tải quản lý, quyết định đầu tư và bố trí vốn thực hiện… Như vậy, các quy định pháp luật nêu trên không cho phép địa phương là cơ quan chủ quản, sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư các dự án đầu tư quốc lộ, cao tốc thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương.

Quy định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào các dự án PPP không vượt quá 50% tổng mức đầu tư khiến việc tìm kiếm nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa.

Ba là, về các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương và sử dụng ngân sách của địa phương này hỗ trợ địa phương khác. Luật Đầu tư công và các Nghị định hướng dẫn không quy định về việc giao một địa phương quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án thực hiện trên địa bàn hai địa phương. Luật Ngân sách nhà nước quy định không được sử  dụng ngân sách địa phương này để chi cho địa phương khác. Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định những vấn đề liên quan đến phạm vi từ hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan nhà nước ở Trung ương, trừ trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ có quy định khác.

Bốn là, về việc khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công các dự án giao thông đường bộ. Khi triển khai thi công các dự án giao thông đường bộ, nguồn cung cấp vật liệu cho dự án còn khó khăn, bất cập. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 64 Luật Khoáng sản, đối với các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án nhưng không nằm trong diện tích đất của dự án xây dựng công trình phải tiến hành thủ tục cấp phép. Trong khi đó, thủ tục câp phép mỏ mới theo quy định của Luật Khoáng sản còn phức tạp, kéo dài qua nhiều khâu, nhiều cấp, chưa đáp ứng tiến độ triển khai các dự án. Trước thực trạng đó, việc cho phép triển khai thực hiện thí điểm một số chính sách đặc thù về giao thông đường bộ là hết sức cần thiết nhằm tháo gỡ nút thắt, khơi thông nguồn lực phát triển “xương sống” của nền kinh tế.

Chiều 28/11/2023, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thống nhất thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Qua thảo luận, xem xét kỹ lưỡng, thận trọng, chiều ngày 28/11/2023, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thống nhất thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, với 464 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỉ lệ 93,93%). Theo đó, 05 cơ chế, chính sách đặc thù sẽ được áp dụng bao gồm:

Thứ nhất, tăng tỉ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Một số dự án đầu tư theo phương thức này, tỉ lệ vốn của Nhà nước tham gia sẽ được vượt quá 50% tổng mức đầu tư. 02 dự án được thí điểm là cao tốc đường bộ Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) sẽ có tỉ lệ vốn góp nhà nước lên 70%; dự án đường ven biển Thái Bình tỉ lệ vốn góp nhà nước là 80%, lấy từ ngân sách địa phương.

Thứ hai, thẩm quyền thực hiện đầu tư dự án quốc lộ, đường cao tốc đi qua các địa phương. Thủ tướng xem xét quyết định giao UBND cấp tỉnh có khả năng bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư đối với bảy dự án đường quốc lộ, đường cao tốc đi qua địa phương mình. Nhóm này có 02 dự án ở Bình Phước và các dự án ở Khánh Hòa, Sơn La, Ninh Bình, Hậu Giang, Cần Thơ.

Thứ ba, các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương. Thủ tướng xem xét, quyết định giao một UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án giao thông đường bộ với một số dự án qua nhiều địa phương và sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ vốn đầu tư cho địa phương khác để đầu tư thực hiện dự án qua các địa phương với 14 dự án.

Thứ tư, cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Nhà đầu tư, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ 21 dự án hạ tầng giao thông đường bộ. Việc khai thác khoáng sản được thực hiện đến khi hoàn thành dự án. Trường hợp không phải lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản thì không phải thực hiện thủ tục lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Nhà thầu phải cam kết bảo vệ môi trường, bố trí kinh phí và thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường, chịu sự quản lý, giám sát đối với việc khai thác, sử dụng khoáng sản theo quy định của pháp luật. Nộp thuế, phí và nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.

Thứ năm, sử dụng nguồn dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022. Căn cứ nguồn vốn và số vốn dự kiến cho dự án từ nguồn dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022, cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư sáu dự án; nguồn vốn và số vốn còn thiếu so với dự kiến tổng mức đầu tư của dự án được bố trí bằng nguồn vốn hợp pháp khác. Bên cạnh đó, 06 dự án khác được cấp có thẩm quyền điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư tương ứng với số vốn ngân sách Trung ương bố trí tăng thêm cho dự án từ nguồn dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022. Các dự án sử dụng nguồn dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất xem xét, quyết định đưa vào sử dụng nguồn dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày thông qua và được thực hiện đến hết ngày 30/6/2025. Quốc hội giao Chính phủ, các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các nội dung, chính sách quy định tại Nghị quyết này, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, khả thi và tiến độ; không để trục lợi chính sách, thất thoát, lãng phí. Bộ Giao thông vận tải, địa phương tiếp nhận công trình sau khi cơ quan chủ quản hoàn thành việc xây dựng, quyết toán dự án để quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì theo quy định. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được giao làm cơ quan chủ quản thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao tại Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và quy định của pháp luật có liên quan; thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan được giao làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án; kiểm tra, giám sát, thanh tra bảo đảm không để xảy ra việc trục lợi chính sách, lợi ích nhóm, thất thoát, lãng phí; chịu trách nhiệm về đề xuất Thủ tướng Chính phủ quyết định giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Qua nghiên cứu nội dung nghị quyết, các vị đại biểu và nhiều chuyên gia cho rằng, đây là cơ chế linh hoạt để các địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án, đảm bảo việc giải ngân nguồn vốn đã được Chính phủ giao theo tiến độ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện liên kết vùng giữa các địa phương và đảm bảo đồng bộ cấp đường theo toàn tuyến. Về nguồn vật liệu, thực tế các mỏ vật liệu đang khai thác tại địa phương có công suất khai thác nhỏ lẻ, phân tán, không tập trung, trong khi trình tự thủ tục cấp mỏ mới theo quy định của Luật Khoáng sản mất rất nhiều thời gian. Do đó, khi áp dụng cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ làm vật liệu xây dựng thông thường sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, giúp cho các bộ, ngành, địa phương bớt gặp khó khăn, hoàn thành dự án theo kế hoạch.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc thí điểm cho Thủ tướng Chính phủ giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm chủ đầu tư cao tốc qua nhiều địa phương, sẽ giúp cho các địa phương có một sự chủ động nhất định để triển khai các dự án đi qua nhiều địa phương. 05 chính sách đặc thù về đầu tư cho dự án giao thông đường bộ sẽ tạo cơ hội, động lực phát triển giao thông đường bộ mạnh mẽ thời gian tới. Công tác giải phóng mặt bằng sẽ có thể được triển khai nhanh hơn, nguồn nguyên vật liệu các địa phương cũng phối hợp sẽ có thể trơn tru hơn. Bởi vì, từ trước đến nay, hầu hết các dự án quốc lộ, cao tốc, dự án có tính kết nối vùng cao... đều do Bộ Giao thông vận tải đảm nhận với vốn đầu tư nhà nước. Giờ đây khi các dự án này được xem xét giao cho địa phương đảm nhận thì rất khả thi. Đồng thời tăng tính chủ động cho địa phương hơn, động lực của các địa phương cũng rõ ràng hơn bởi vì một tuyến quốc lộ, cao tốc đi qua địa phương nào đó nhất định mang lại lợi ích kết nối giao thông thông suốt, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển mạnh mẽ. Chính vì lẽ đó, địa phương sẽ có động lực tích cực tham gia, đẩy nhanh quá trình hoàn thiện.

Tuy nhiên, để triển khai có hiệu quả 05 cơ chế, chính sách đặc thù này thì ngay từ đầu, Nhà nước phải đặt rõ mục tiêu, phân rõ trách nhiệm cho các đơn vị để tránh nảy sinh tính “cục bộ”. Nhà nước cũng cần có quy chuẩn và quy trình thực hiện dự án chung mà các địa phương phải tuân thủ. Điều này nhằm đảm bảo tính đồng bộ trong khâu triển khai thực hiện dự án, chất lượng đường sá khi kết nối lại thông suốt, vận hành đem lại hiệu quả cao, tránh tình trạng “mỗi nơi mỗi kiểu”. Địa phương cấp tỉnh được giao đầu tư quốc lộ, cao tốc phải đảm bảo đủ năng lực đảm nhận. Cùng với đó, địa phương cũng chịu trách nhiệm chính khi xảy ra bất cứ vấn đề gì trong quá trình triển khai như chậm tiến độ, chất lượng chưa đạt quy chuẩn.../.

            

Đại biểu Thạch Phước Bình

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh