CỤ THỂ HÓA CÁC QUY ĐỊNH VỀ BẢO BẢM THỰC HIỆN KẾT LUẬN, KIẾN NGHỊ SAU GIÁM SÁT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

03/12/2023

Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 vẫn chưa cụ thể hóa các quy định về bảo đảm việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát. Trong đó, việc thiếu các chế tài đủ mạnh để thực hiện đang là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân chưa được như kỳ vọng.

HĐND ĐỊA PHƯƠNG TÍCH CỰC THAM GIA CÁC CHUYÊN ĐỀ GIÁM SÁT TỐI CAO CỦA QUỐC HỘI, UBTVQH

Hoạt động giám sát của HĐND ngày càng được đổi mới, cải tiến, đạt nhiều kết quả tích cực

Giảm hiệu quả do thiếu chế tài

Qua 07 năm tổ chức triển khai thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) cho thấy, các quy định của Luật đã tạo cơ sở pháp lý khá đầy đủ và toàn diện phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, góp phần đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giám sát thời gian qua cũng còn những hạn chế nhất định, chưa thực sự đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn và nguyện vọng của Nhân dân. Hoạt động giám sát có nội dung chưa gắn kết chặt chẽ với hoạt động xây dựng pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương. Một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn; một số hoạt động giám sát đã được quy định nhưng chưa triển khai thực hiện hoặc thực hiện chưa hiệu quả; một số hoạt động giám sát chưa có hướng dẫn chi tiết dẫn tới còn khó khăn trong tổ chức thực hiện; thiếu chế tài cụ thể đối việc chậm hoặc không thực hiện kiến nghị, kết luận, yêu cầu sau giám sát…

Từ thực tế triển khai hoạt động giám sát tại địa phương, ông Duy Hoàng Dương – Trưởng Ban Pháp chế, HĐND Tp. Hà Nội cho biết, công tác giám sát có nội dung hiệu quả chưa cao, trong đó giám sát chuyên đề, tái giám sát còn ít; việc thực hiện kết luận sau giám sát của một số đơn vị còn hạn chế. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát chưa cao, một số kiến nghị sau giám sát của HĐND chưa được các cơ quan có trách nhiệm tiếp thu nghiêm túc và giải quyết có kết quả. Có những vấn đề đã được chất vấn nhiều lần trong nhiệm kỳ những chậm được giải quyết.

PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia

Cùng quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, theo Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, chức năng, quyền hạn trao cho HĐND rất nhiều, nhưng quy định hoạt động giám sát trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND chưa tương xứng, phần nào đã hạn chế hiệu quả hoạt động của HĐND như chưa cụ thể hóa các quy định về bảo đảm việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát, đặc biệt là chưa có chế tài đủ mạnh để thực hiện các kiến nghị sau giám sát. Việc đoàn giám sát phát hiện những vi phạm quản lý kinh tế, tài chính cùng những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cơ quan, công dân mới chỉ dừng lại ở yêu cầu hoặc kiến nghị. Có những sai phạm đã được cảnh báo qua giám sát của HĐND, thế nhưng đáng tiếc chỉ dừng lại ở kiến nghị. Có những kiến nghị sau giám sát của HĐND các cấp kéo dài chưa được giải quyết nhiều năm, thậm chí qua nhiều nhiệm kỳ. “Đây chính là hạn chế trong việc thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND”, PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu nhấn mạnh.

Cần cụ thể hóa quy định 

Để khắc phục bất cập này, nhiều ý kiến chuyên gia, đại biểu HĐND đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND cần quan tâm hoàn thiện các quy định liên quan đảm bảo thực hiện các Nghị quyết, kết luận, kiến nghị sau giám sát.

Theo Ths. Ngô Quyền – Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Lào Cai, Luật hoạt động giám sát cần quy định chế tài xử lý rõ ràng hơn. Lý giải đề xuất này, Ths. Ngô Quyền cho biết, khi so sánh với chức năng kiểm tra của cấp ủy, thanh tra của UBND và Kiểm toán nhà nước thì rõ ràng giám sát của HĐND chỉ kiến nghị, đề xuất. Do đó, cần sửa luật và quy định rõ Đoàn giám sát của HĐND sau khi gửi kiến nghị yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết mà cơ quan có thẩm quyền đó không tiếp thu, giải quyết thì phải chịu hậu quả gì? Hiện nay, kiến nghị gửi còn thực hiện hay không cũng chưa có bất kỳ biện pháp gì để xử lý…

Ngoài ra, theo quy định của Luật, trường hợp các cơ quân, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu trong nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát thì xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định trên còn nhiều khó khăn, do thẩm quyền của đoàn giám sát cũng chỉ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền, còn trách nhiệm xử lý của cơ quan có thẩm quyền như thế nào thì chưa được quy định cụ thể. Vì vậy, cần bổ sung quy định rõ hơn và trách nhiệm, cụ thể hóa các biện pháp chế tài đối với việc các cơ quan, tổ chức, cá nhân chậm và không thực hiện các ý kiến, kết luận giám sát hợp pháp của các cơ quan HĐND.

Cũng theo Ths. Ngô Quyền, Luật hoạt động giám sát sửa đổi bổ sung những quy định về chế tài xử lý trường hợp người đứng đầu để xảy ra sai phạm, nhất là đối với những người đứng đầu do Quốc hội và HĐND bầu, hoặc thông qua; Yêu cầu đối tượng giám sát bắt buộc phải thwujc hiện kiến nghị giám sát đối với tồn tại hạn chế được nêu trong báo cáo của Đoàn giám sát.

Nêu đề xuất, TS. Nguyễn Thị Anh Thi – Phó Chủ tịch HĐND Tp. Đà Nẵng kiến nghị, cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng quy định cụ thể biện pháp, chế tài để xử lý đối với các cơ quan, tổ chức không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm túc, không đầy đủ các kiến nghị giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND nói chung và Tổ đại biểu HĐND nói riêng sau giám sát của các đoàn giám sát mà không có lý do chính đáng.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang 

Tán thành với các quan điểm nêu trên, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cho rằng, việc thiếu các quy định, chế tài hữu hiệu đảm bảo việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát đang là vướng mắc hiện nay trong công tác giám sát không chỉ của Hội đồng Nhân dân mà cả trong hoạt động giám sát của Quốc hội.

Nhấn mạnh nếu hoạt động giám sát chỉ dừng lại ở kiến nghị, yêu cầu mà không có các chế tài cụ thể, nghiêm bảo đảm các kiến nghị sau giám sát thì hiệu quả mang lại sẽ không được như kỳ vọng, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm đề nghị, cần có nghiên cứu, đánh giá và đề xuất việc bổ sung quy định rõ ràng các chế tài xử lý đối với tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện chậm, muộn các kiến nghị giám sát của HĐND.

Một trong những vướng mắc được chỉ ra trong quá trình Tổng kết thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND cũng cho thấy, cần sớm hoàn thiện các quy định liên quan đến bảo đảm thực hiện nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị giám sát. Hiện nay, theo sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ban Chỉ đạo đã và đang khẩn trương thực hiện các nội dung, các bước về: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, trong đó tập trung xây dựng Báo cáo tổng kết thi hành Luật; Báo cáo đánh giá tác động chính sách; Tờ trình đề nghị xây dựng Luật; Đề cương chi tiết dự thảo Luật. Đồng thời, lấy ý kiến các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn ĐBQH, HĐND cấp tỉnh; các Bộ, ngành và cơ quan tổ chức có liên quan, đối tượng chịu sự tác động của chính sách;… Đồng thời, dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật tại Phiên họp tháng 3/2024. Tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Ban soạn thảo để xây dựng dự án Luật, phấn đấu trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 và thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV./.

Lê Anh

Các bài viết khác