THÀNH LẬP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH ĐÔ THỊ PHẢI ĐẶT TRONG TỔNG THỂ SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP HUYỆN, CẤP XÃ GIAI ĐOẠN 2023-2030

25/11/2023

Sáng 25/11, theo chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 19, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định dự phiên họp.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH DỰ PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 19 CỦA ỦY BAN PHÁP LUẬT

Cùng dự có các Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên Ủy ban Pháp luật; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Về phía tỉnh Bắc Giang có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương; Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang và lãnh đạo các Sở, ngành.

Ủy ban Pháp luật họp phiên toàn thể lần thứ 19

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng nêu rõ Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thị xã Việt Yên thuộc tỉnh Bắc Giang trên cơ sở nguyên trạng 171,01 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 229.162 người của huyện Việt Yên; đồng thời, thành lập 09 phường (Bích Động, Nếnh, Tăng Tiến, Hồng Thái, Quảng Minh, Ninh Sơn, Vân Trung, Quang Châu, Tự Lạn) trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 02 thị trấn (Bích Động, Nếnh) và 07 xã (Tăng Tiến, Hồng Thái, Quảng Minh, Ninh Sơn, Vân Trung, Quang Châu, Tự Lạn) thuộc huyện Việt Yên.

Việc thành lập thị xã Việt Yên trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện Việt Yên là cần thiết, đáp ứng yêu cầu quản lý kinh tế, quy hoạch xây dựng, kiến trúc, quản lý dân cư, phòng chống các tệ nạn, bảo đảm trật tự công cộng, cảnh quan, bảo vệ môi trường, đáp ứng nguyện vọng của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương. Để đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa thì Việc thành lập 09 phường thuộc thị xã Việt Yên là cần thiết, Thứ trưởng Bộ Nội vụ nêu rõ.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng trình bày Tờ trình của Chính phủ

Sau khi thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số và số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trực thuộc, nhưng tăng 01 thị xã (thị xã Việt Yên) và giảm 01 huyện (huyện Việt Yên); có 10 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 01 thành phố (Bắc Giang), 01 thị xã (Việt Yên) và 08 huyện (Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang, Yên Dũng, Tân Yên và Hiệp Hoà); 209 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 19 phường, 15 thị trấn và 175 xã (tăng 09 phường, giảm 02 thị trấn và 07 xã). Tỷ lệ đô thị hoá (sau khi thành lập thị xã Việt Yên và 09 phường thuộc thị xã Việt Yên) là 22,61%.

Liên quan đến phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện Việt Yên theo Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, huyện Việt Yên không thuộc đối tượng sắp xếp. Đối với cấp xã thuộc huyện Việt Yên: Có 04 xã thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025 (Tăng Tiến, Hồng Thái, Quảng Minh, Vân Hà) và 01 xã thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2026-2030 (xã Ninh Sơn). Trong đó, các xã Tăng Tiến, Hồng Thái, Quảng Minh và Ninh Sơn đã được quy hoạch thành phường trong giai đoạn 2023-2030. Khi 04 xã này khi thành lập phường thì không phải sắp xếp theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15. Riêng xã Vân Hà là đơn vị hành chính có vị trí biệt lập, nằm trong vùng thoát lũ, tỉnh Bắc Giang đề nghị không sắp xếp xã Vân Hà trong giai đoạn 2023-2025.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đã được chuẩn bị kĩ lưỡng, chu đáo, đầy đủ và có điểm tiến bộ là ngoài hồ sơ trình còn kèm theo dự thảo kế hoạch tổ chức triển khai. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, những tháng cuối năm 2023 và năm 2024 là thời gian phải khẩn trương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã với phạm vi 58 tỉnh, 34 huyện, 1.068 xã và cần tiếp tục rà soát. Khối lượng công việc là rất lớn, vì vậy, đòi hỏi phải có cách thực hiện, triển khai công việc phù hợp, linh hoạt đáp ứng yêu cầu đề ra.

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; ghi nhận hồ sơ Đề án được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng đã bảo đảm theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 133 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Điều 29 của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13. Đề án đã dự kiến các giải pháp sắp xếp tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn và kèm theo dự thảo Kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Ủy ban Ủy ban Pháp luật Lê Xuân Thân

Các đại biểu cho rằng việc thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang phù hợp với các quy hoạch, đáp ứng yêu cầu tổ chức quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn đã được đô thị hóa, tạo điều kiện phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Khu vực dự kiến thành lập thị xã Việt Yên và các phường cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13, Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Ủy viên Ủy ban Pháp luật Lê Xuân Thân – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa tán thành nhất trí cao với Tờ trình Chính phủ, nhận thấy sự phát triển của Việt Yên cùng với Bắc Giang – tỉnh đã được Thủ tướng phê duyệt mục tiêu phát triển đến năm 2030 trở thành đô thị loại 1 và đô thị trung tâm khu vực Đông Bắc. Do đó, đại biểu nhất trí về các tiêu chí, nội dung như Tờ trình và những công việc cần phải làm để Việt Yên phát triển.

Ủy ban Ủy ban Pháp luật Phạm Văn Hòa phát biểu

Ủy viên Ủy ban Pháp luật Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp bày tỏ ấn tượng trước sự phát triển của Việt Yên trong thời gian qua. Huyện cũng đã được quy hoạch có 11 khu công nghiệp, hiện đang có 4 khu công nghiệp đi vào hoạt động cho thấy định hướng phát triển công nghiệp, đô thị của địa phương. Tỉ lệ đô thị hóa đạt gần 85%. Qua đối chiếu các tiêu chuẩn nhận thấy đạt 5/5 tiêu chuẩn theo quy định gồm các tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, đơn vị hành chính trực thuộc, phân loại đô thị và cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, đại biểu nhất trí với sự cần thiết thành lập thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, qua thảo luận, Ủy ban Pháp luật tán thành cao với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết, các điều kiện về thành lập thị xã Việt Yên và 9 phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Nhận thấy việc thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, tiêu chí theo Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 và Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn đô thị; tuân thủ các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Hồ sơ, trình tự, thủ tục được thực hiện bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Ủy ban Pháp luật nhất trí trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét  ban hành Nghị quyết về thành lập thị xã Việt Yên và 9 phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận nội dung thảo luận

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng lưu ý Bắc Giang cần khẩn trương xây dựng, hoàn thiện phương án tổng thể, đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của tỉnh để trình cấp có thẩm quyền, bảo đảm tiến độ theo đúng quy định. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh các phương án phải bám sát yêu cầu của Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; hạn chế việc thành lập đơn vị hành chính trong giai đoạn này làm ảnh hưởng đến việc tiến hành sắp xếp sau này; thành lập đơn vị hành chính phải đặt trong tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính; việc trình các trường hợp đặc thù phải bảo đảm tính thuyết phục.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định dự và phát biểu tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Pháp luật

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì, điều hành thảo luận tại phiên họp

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng trình bày Tờ trình

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Tô Văn Tám báo cáo về ý kiến nghiên cứu ban đầu của Thường trực Ủy ban Pháp luật

Ủy ban Ủy ban Pháp luật Tạ Thị Yên - Phó trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang Lại Ánh Dương giải trình làm rõ một số nội dung Ủy ban Pháp luật quan tâm về số liệu thống kê dân số, số liệu thu chi ngân sách, việc lấy ý kiến cử tri, về triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030

Các đại biểu tham dự phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng gợi ý nội dung thảo luận

Các đại biểu tham dự phiên họp

Ủy viên Ủy ban Pháp luật Đặng Bích Ngọc - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình phát biểu tại phiên họp

Ủy viên Ủy ban Pháp luật Nguyễn Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang phát biểu.

Bảo Yến - Phạm Thắng