TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 09/11: QUỐC HỘI BIỂU QUYẾT THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2024

09/11/2023

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, 14h00 chiều 09/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 09/11: THẢO LUẬN Ở HỘI TRƯỜNG VỀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA NGHỊ QUYẾT 53/2017/QH14 NGÀY 24/11/2017 CỦA QUỐC HỘI

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp 

Theo đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Tiếp theo, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

14h00: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

Điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, theo Chương trình Kỳ họp, chiều nay, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Tiếp đến, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

14h01: Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024

Trình bày báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Trên cơ sở 321 ý kiến nhất trí, 63 ý kiến tham gia của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết. 

Theo đó, về mục tiêu tổng quát, đa số ý kiến đồng ý với Mục tiêu tổng quát. Một số ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung cụ thể như: “chăm lo các” đối tượng chính sách; “tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tư pháp”, quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. UBTVQH xin tiếp thu và thể hiện như dự thảo Nghị quyết.

Một số ý kiến đề nghị rà soát rút ngắn, lựa chọn nội dung trọng điểm; tránh dàn trải, trùng với các nhiệm vụ, giải pháp; đề nghị bổ sung nội dung: “tập trung thúc đẩy phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch”; “bảo đảm môi trường đầu tư, thu hút và giữ chân nhà đầu tư FDI”; “tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về cơ chế, chính sách”; “tăng cường công tác tiếp công dân”... Về vấn đề này, UBTVQH đã rà soát khái quát, ngắn gọn, súc tích, tổng quan nhất về mục tiêu năm 2024, là cơ sở để triển khai 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Những nội dung cụ thể đã được tiếp thu, thể hiện tại các nhiệm vụ, giải pháp.

Về các chỉ tiêu chủ yếu, một số ý kiến cho rằng trong bối cảnh hiện nay, xây dựng mục tiêu tăng trưởng khoảng 6,0 - 6,5% là khá cao, nên ở mức thấp hơn, khoảng từ 5-6%. Giải trình về vấn đề này, UBTVQH nêu rõ, chỉ tiêu tăng trưởng GDP được xây dựng trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, có tính đến những yếu tố thuận lợi, khó khăn của năm 2024, bám sát định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Việc đặt chỉ tiêu ở mức cao thể hiện quyết tâm của Chính phủ, phấn đấu đạt được mục tiêu đề ra, đồng thời để bảo đảm hài hòa, linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu, do đó, xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Nghị quyết. 

Tại nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ tư, UBTVQH đã sửa đổi, bổ sung nội dung: Thúc đẩy phát triển và quản lý chặt chẽ các thị trường “thương mại điện tử”, tiền tệ, chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản...; tăng cường liên kết giữa tổ chức kinh tế tập thể, “hợp tác xã” với các thành phần kinh tế.

Tại nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ năm, UBTVQH đã sửa đổi, bổ sung nội dung: Hoàn thiện việc biên soạn các bộ sách giáo khoa “còn lại” đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng; “khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.

Tại nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ sáu, UBTVQH đã sửa đổi, bổ sung nội dung: “đẩy mạnh phong trào thể dục, thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao”; “quan tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần của người dân, trẻ vị thành niên”; “Sơ kết 05 năm thực hiện Chiến lược phát triển Dân số Việt Nam đến năm 2030”; “nâng cao hiệu quả phòng, chống xâm hại, bạo lực, tai nạn, thương tích trẻ em, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”.

Tại nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ bảy, UBTVQH đã sửa đổi, bổ sung nội dung: “Tập trung hoàn thiện trình Quốc hội Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”; ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, nhất là hạn hán, xâm nhập mặn, “sụt lún”, sạt lở bờ sông, bờ biển, sạt lở đất, nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng ven biển, “khu vực Bắc Trung Bộ”, khu vực Tây Nguyên, miền núi phía Bắc…

Thay mặt UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng giải trình một số nội dung. Trong đó, có ý kiến đề nghị chỉ đưa vào Nghị quyết các nhiệm vụ, giải pháp sẽ được thực hiện trong năm 2024; đề nghị ghi rõ thời gian hoàn thành, khắc phục việc nói chung chung, hạn chế sử dụng các cụm từ “khẩn trương”, “sớm”, “tích cực”. Trên cơ sở định hướng các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ sẽ xây dựng, ban hành Nghị quyết triển khai, trong đó sẽ cụ thể hóa cả về tiến độ, thời gian của các nhiệm vụ, giải pháp, giao cho các Bộ, ngành và địa phương, do đó, xin Quốc hội cho giữ nội dung như dự thảo Nghị quyết.

Có ý kiến đề nghị bỏ nội dung “phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất để tăng khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, thực hiện đúng chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, việc tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tăng khả năng tiếp cận vốn, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế. NHNN cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng có các giải pháp tiết giảm chi phí quản lý để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Theo đó, xin Quốc hội cho giữ nguyên như dự thảo Nghị quyết.

Một số ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung về: quản lý hiệu quả hoạt động thương mại trên các nền tảng số; rà soát các dự án đầu tư chậm triển khai; ban hành thủ tục xác nhận mức độ sử dụng năng lượng tái tạo; ban hành cơ chế về điện mặt trời áp mái; triển khai thí điểm mô hình nhà máy điện ảo; đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phát triển các trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; gỡ cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban châu Âu...

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, các ý kiến của các đại biểu Quốc hội là xác đáng, đây là những vấn đề cụ thể, cần quan tâm, quyết liệt xử lý. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội, Nghị quyết cần ngắn gọn, súc tích, các giải pháp tổng thể đã bao quát các định hướng chính sách lớn để trên cơ sở đó Chính phủ sẽ chủ động điều hành theo thẩm quyền. Bên cạnh đó, một số nội dung sẽ được rà soát, nghiên cứu thể hiện trong Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn và Nghị quyết chung của Kỳ họp. Do vậy, xin không bổ sung vào dự thảo Nghị quyết, đồng thời đề nghị Chính phủ lưu ý, quan tâm, có giải pháp thực hiện các kiến nghị nêu trên.

14h16: Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết này. 

Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 447 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 90,49 %). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

14h18: Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)

Trình bày Tờ trình về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, việc xây dựng dự án Luật này là cần thiết nhằm thể chế hóa các nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Đồng thời phát huy thế mạnh và khắc phục tồn tại, hạn chế của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân hiện hành; đáp ứng đòi hỏi của tình hình, nhiệm vụ mới và tham khảo có chọn lọc thành tựu khoa học pháp lý tiên tiến trên thế giới.

Dự án Luật hướng đến mục tiêu hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của Tòa án nhân dân; xây dựng hệ thống Tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Kết cấu của dự thảo Luật gồm gồm 154 Điều được bố cục thành 09 chương; trong đó, bổ sung 54 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên: 07 điều. 

Về những nội dung sửa đổi, bổ sung lớn của dự thảo Luật, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 05 nội dung lớn về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án; hoàn thiện tổ chức bộ máy của Tòa án; đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Tòa án; Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia và Đổi mới chế định nhân dân tham gia xét xử.

Cụ thể, về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án, dự thảo Luật bổ sung 02 nhiệm vụ, quyền hạn mới cho Tòa án, đó là: (1) “Giải quyết, xét xử vi phạm hành chính theo quy định của luật” để cụ thể hóa Nghị quyết số 27-NQ/TW; (2) “Giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử” vì đây là nhiệm vụ mà tất cả các Hội đồng xét xử đang thực hiện từ trước đến nay khi xét xử các vụ án.  Dự thảo Luật quy định Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ. Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát thu thập; tài liệu, chứng cứ mà các bên đã thu thập, giao nộp cho Tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng và kết quả tranh tụng để giải quyết, xét xử. 

Về hoàn thiện tổ chức bộ máy của Tòa án, dự thảo Luật quy định: (1) Tổ chức lại bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân cấp cao; (2) Đổi mới Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền xét xử; (3) Thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt.

Về đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Tòa án, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao cho biết, đổi mới ngạch, bậc của các chức danh tư pháp Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký để khắc phục những hạn chế, bất cập của quy định hiện hành trong việc điều động, bố trí, thực hiện chính sách cho Thẩm phán, nâng cao niềm tin của người dân đối với các cấp xét xử; khuyến khích Thẩm phán chuyên tâm phấn đấu cho hoạt động xét xử để trở thành các chuyên gia có trình độ cao. 

Về Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, thành phần của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia (Điều 38, 39). Theo đó, Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia có chức năng tuyển chọn, trình Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm Thẩm phán, xem xét giải quyết các khiếu nại liên quan đến bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật Thẩm phán; giám sát việc phân bổ biên chế, kinh phí, nguồn lực cho các Toà án nhân dân; bảo vệ Thẩm phán… để tăng cường tính khách quan, minh bạch trong việc cấp, phân bổ kinh phí, biên chế cho các Toà án, qua đó bảo đảm độc lập trong hoạt động của Thẩm phán và độc lập giữa các cấp Toà án; phòng ngừa khả năng người lãnh đạo quản lý sử dụng công tác bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật hoặc những biện pháp hành chính khác như một công cụ để tác động, làm ảnh hưởng đến tính độc lập của Thẩm phán khi xét xử. Đây là bước đi cụ thể nhằm thể chế hóa nhiệm vụ “Hoàn thiện cơ chế để khắc phục tình trạng quan hệ giữa các cấp tòa án là quan hệ hành chính, bảo đảm độc lập giữa các cấp xét xử và độc lập của thẩm phán, hội thẩm khi xét xử” được đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Về đổi mới chế định nhân dân tham gia xét xử, nhằm thể chế hóa chủ trương: “Ðổi mới và nâng cao hiệu quả cơ chế Nhân dân tham gia xét xử tại tòa án” được đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW và khắc phục những vướng mắc, bất cập của thực tiễn, Dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung quy định: (1) Tiêu chuẩn về độ tuổi đối với Hội thẩm; (2) Tiêu chuẩn của Hội thẩm Toà án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt; (3) Quy trình lựa chọn, giới thiệu, bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm; (4) Quản lý Hội thẩm; (5) Phân công ngẫu nhiên Hội thẩm giải quyết vụ án; (6) Chế độ và các điều kiện bảo đảm hoạt động của Hội thẩm và Đoàn Hội thẩm;….

14h37: Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)

Trình bày báo cáo thẩm tra Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) năm 2014 nhằm đẩy mạnh cải cách tư pháp, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Dự thảo Luật phù hợp với các nghị quyết, văn kiện của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và cơ bản tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Để bảo đảm tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật, Ủy ban Tư pháp đề nghị Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) tiếp tục rà soát các luật có liên quan, nhất là các luật trong lĩnh vực tư pháp và đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Hồ sơ dự án Luật đã được TANDTC chuẩn bị công phu, cơ bản đáp ứng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thảo luận.

Về nội dung Tòa án thực hiện quyền tư pháp (khoản 1 Điều 3), đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp tán thành cần quy định nội dung Tòa án thực hiện quyền tư pháp trong dự thảo Luật, với lý do: Hiến pháp năm 2013 quy định: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”, nhưng từ đó đến nay nội dung Tòa án thực hiện quyền tư pháp chưa được cụ thể hóa nên chưa được hiểu thống nhất. Quy định nội dung Tòa án thực hiện quyền tư pháp để thể chế hóa Nghị quyết 27 và cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013. 

Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát khoản 1 Điều 3 dự thảo Luật để quy định đầy đủ, cụ thể nội dung Tòa án thực hiện quyền tư pháp, bảo đảm sự liên thông, kết nối với các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án tại khoản 2 Điều 3 dự thảo Luật.

Một số ý kiến cho rằng, Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức Chính phủ không quy định nội dung quyền lập pháp, quyền hành pháp. Khi xây dựng và ban hành Nghị quyết 27, Ban Chấp hành Trung ương Đảng không đưa nội dung Tòa án thực hiện quyền tư pháp vào Nghị quyết. Việc làm rõ nội dung Tòa án thực hiện quyền tư pháp là vấn đề lớn, phức tạp, có liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của TAND và các cơ quan tư pháp khác nhưng vẫn chưa có sự thống nhất cao. Do đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị không quy định nội dung này trong dự thảo Luật, mà cần xác định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Tòa án để quy định cho phù hợp và có cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả. 

Về điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ (Điều 15), Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với dự thảo Luật, theo đó: Đối với vụ án hình sự: việc khởi tố, điều tra, truy tố thuộc trách nhiệm của Cơ quan điều tra (CQĐT) và Viện kiểm sát (VKS). Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ do CQĐT và VKS thu thập trong hồ sơ vụ án, sau khi đã kiểm tra, làm rõ tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa để ra phán quyết về vụ án; nếu thiếu chứng cứ hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm... thì Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Đối với vụ việc dân sự, vụ án hành chính: nghĩa vụ thu thập chứng cứ (TTCC) và chứng minh thuộc về đương sự. Tòa án không có trách nhiệm TTCC mà chỉ hướng dẫn, yêu cầu các đương sự TTCC; nếu đương sự là người yếu thế trong xã hội thì Tòa án hỗ trợ đương sự TTCC.  

Có ý kiến không tán thành với dự thảo Luật, với lý do: Theo quy định của Bộ luật TTHS, Bộ luật TTDS, Luật Tố tụng hành chính thì Tòa án chỉ tiến hành TTCC trong trường hợp nhất định, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta. Theo đó: đối với vụ án hình sự nếu tại phiên tòa phát sinh vấn đề cần xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ thì Tòa án tạm ngừng phiên tòa để thực hiện; vụ việc dân sự, vụ án hành chính thì Tòa án chỉ TTCC nếu đương sự không thu thập được và có yêu cầu. Việc TTCC ở nước ngoài thì Tòa án thông qua cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam yêu cầu cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thu thập. Nghị quyết 27 yêu cầu: “Nghiên cứu làm rõ… những trường hợp Tòa án thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử”. Do đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị quy định những trường hợp Tòa án TTCC để thể chế hóa Nghị quyết 27 và phù hợp với điều kiện của nước ta.

14h54: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tiếp theo chương trình Kỳ họp, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Phiên họp tại hội trường chiều 09/11 đến đây kết thúc.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội