PGS. TS DOÃN HỒNG NHUNG: LỰA CHỌN PHƯƠNG ÁN TỐI ƯU NHẤT VỀ NHỮNG VẤN ĐỀ CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

02/11/2023

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 6, ngày 3/11, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Quan tâm tới nội dung này, PGS. TS Doãn Hồng Nhung, giảng viên cao cấp Trường Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội kỳ vọng các vị đại biểu Quốc hội sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm, trí tuệ tập thể đóng góp ý kiến sâu sắc, tâm huyết nhằm tìm phương án phù hợp, khả thi nhất đối với một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự luật.

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ VIỆC GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, tư liệu sản xuất cơ bản, là không gian phát triển và là nguồn lực to lớn của đất nước. Trong thời gian qua, thực hiện Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý, sử dụng đất đai đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình tổ chức thi hành Luật đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế; nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ và bền vững; việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp; suy thoái, ô nhiễm, sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng…

Vì vậy, tại kỳ họp thứ 4, Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Với vị trí vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống pháp luật, có ảnh hưởng trực tiếp tới mọi lĩnh vực cũng như đời sống nhân dân, dự án luật dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình 03 kỳ họp.

PGS. TS Doãn Hồng Nhung, giảng viên cao cấp Trường Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội 

Phóng viên: Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội khóa XV dự kiến xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6. Đây là dự án luật vô cùng quan trọng có tác động trực tiếp tới toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội. Qua theo dõi thông tin về dự án luật, bà có đánh giá như thế nào về quá trình soạn thảo, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật?

PGS.TS Doãn Hồng Nhung, giảng viên cao cấp Trường Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội: Tại kỳ họp thứ 4, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Thực hiện Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15, tại Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 31/12/2022, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân được thực hiện từ ngày 03/01/2023 đến ngày 15/3/2023.

Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đã được triển khai nghiêm túc, đồng bộ, dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, chuyên sâu, bảo đảm thực chất và hiệu quả với nhiều hình thức đa dạng, phong phú đến tận cơ sở xã, phường, thị trấn, khu dân cư, tổ dân phố. Từ đó, đã huy động được hầu hết các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, các giai tầng trong xã hội tham gia, thu hút được sự quan tâm đông đảo của các tầng lớp Nhân dân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, thực sự trở thành sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng. Các ý kiến tham gia của Nhân dân đều thể hiện sự quan tâm sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm. Theo đó, đã có 12.107.457 lượt ý kiến  góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiếp tục thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được chỉnh lý trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 và ý kiến Nhân dân. Tiếp đó, ngay sau khi kết thúc kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm khẩn trương, tích cực triển khai việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật đồng thời Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiều lần thảo luận, cho ý kiến; tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lấy ý kiến về dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý.

Có thể thấy, quá trình soạn thảo cũng như tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được thực hiện vô cùng công phu, kỹ lưỡng, thu hút được sự tham gia góp ý của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân cả nước. Theo đó, mỗi phiên bản dự thảo trình qua các lần lấy ý kiến đều cho thấy sự thay đổi về chất lượng, nội dung với nhiều quy định được tiếp thu, chỉnh lý phù hợp hơn với thực tiễn. Trong đó, nhiều nội dung trọng tâm liên quan đến vấn đề về thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; đã có sự tiếp thu chọn lọc và chỉnh lý nhiều nội dung được cân nhắc các ý kiến góp ý của cử tri, Nhân dân, các nhà khoa học,…

Phóng viên: Tiếp cận Dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, bà có nhận định gì về những nội dung được bổ sung, sửa đổi lần này?

PGS.TS Doãn Hồng Nhung, giảng viên cao cấp Trường Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội: Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý (Phiên bản luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 26)  đã rà soát, chỉnh sửa, bổ sung nhiều nội dung nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 về “tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” (Nghị quyết số 18-NQ/TW).

Đồng thời, so với Luật Đất đai 2013, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có nhiều quy định mới về quản lý sử dụng đất đai như: Bỏ khung giá đất, cách tính giá đất theo giá thị trường, vấn đề thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai… Trong đó, một số chính sách về đất đai thay đổi sẽ có tác động mạnh mẽ tới thị trường bất động sản, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản;..

Luật đất đai có tầm ảnh hưởng lớn, chi phối điều tiết rất nhiều ngành luật khác có liên quan.  Nội dung sửa đổi tại dự thảo Luật được đề xuất từ việc nghiên cứu, tổng kết thực tiễn nhằm khắc phục các vướng mắc, bất cập, bảo đảm thể chế hóa kịp thời Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng như các nghị quyết, kết luận khác của Trung ương, Bộ Chính trị. Đặc biệt, đối với hoạt động của các doanh nghiệp thì Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp, Luật Quy hoạch, Luật đấu thầu, Dự án Luật khai thác Tài nguyên và Khoáng sản có tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia trong quan hệ kinh doanh của doanh nghiệp rất lớn thì Luật đất đai sửa đổi cũng cần đảm bảo sự đồng bộ, tương thích của các luật liên ngành.

Sửa đổi toàn diện Luật Đất đai

Những điểm mắc lớn có thể đề cập đến như các vấn đề liên quan đến Khung và Bảng giá đất trong thực thi luật dẫn đến tình trạng là người dân không kê khai trung thực  giá trị mua bán để tránh thuế dẫn đến việc khó có được thông tin thống kê chính xác về  giá trị bất động sản trong giao dịch. Bảng và Khung giá đất hiện tại thấp hơn thực tế nhiều lần cũng dẫn đến việc khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng khi người dân không hợp tác với Nhà nước vì giá được thanh toán thấp nhiều lần so với thị trường. Việc công bố và xác định giá đất đã được ủy quyền cho UBND cấp huyện. Đây cũng là vấn đề cần được nghiên cứu thận trọng và có quy định cụ thể trong thực tiễn.

Bên cạnh đó, kiểm soát quyền lực trong thu hồi đất là vấn đề cấp thiết. Nhiều tầng lớp nhân dân, trí thức cũng như các doanh nghiệp rất mong muốn trong lần sửa đổi Luật đất đai lần này bảng giá đất sẽ “mang hơi thở của cuộc sống” và có sức sống tiềm tàng để khơi dậy tiềm năng có được từ đất đai chứ không nên chỉ khô cứng trên bàn giấy. Đây phải là động lực để các doanh nghiệp vững bước trong thời kỳ hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế hiện nay. Triển khai có hiệu quả ứng dụng  chỉ số PAPI  vào việc đánh giá hiệu quả quản trị Hành chính công ở Việt Nam. Đồng thời, là công cụ kiểm soát có hiệu quả quản lý đất đai về công bố công khai Quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất tại UBND tỉnh. Công bố bảng giá đất công khai trên cổng thông tin của UBND  huyện  đã  giúp cho người dân và doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất,kinh doanh…

Điểm vướng lớn thứ hai mà các doanh nghiệp và thị trường Bất động sản  kỳ vọng vào dự án Luật đất đai sửa đổi sắp tới sẽ giải quyết là việc chưa có quy định rõ ràng, cụ thể liên quan đến các mô hình đầu tư kinh doanh bất động sản kiểu mới như Condotel; Officetel; Shophouse,… khiến cho các doanh nghiệp phát triển các sản phẩm trên vẫn đang loay hoay chờ hành lang  pháp lý.

Một điểm vướng nữa mà doanh nghiệp mong chờ Luật đất đai sửa đổi sẽ giải quyết triệt để là tình trạng chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn giữa Luật đất đai và các Luật khác như các Luật đầu tư, Luật  đấu thầu, Luật kinh doanh bất động sản, Luật Du lịch … Những điểm ngẽn trong quy định pháp luật sẽ dần được tháo  gỡ.

Việc sửa đổi Luật đất đai năm 2013 phụ thuộc vào từng bước, từng giai đoạn để rà soát, chỉnh sửa, bổ sung. Tôi cho rằng, việc này cần phải triển khai quyết liệt, triệt để, hướng sửa đổi phải đa dạng, nhiều chiều và cơ bản để hạn chế tối đa các điểm còn khiếm khuyết thiếu tính khả thi trong Luật đất đai năm  2013.

Phóng viên: Theo Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ tiến hành Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Vậy, bà có kỳ vọng gì về phiên thảo luận quan trọng này?

PGS.TS Doãn Hồng Nhung, giảng viên cao cấp Trường Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội: Dự án Luật Đất đai có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống pháp luật và có tầm ảnh hưởng lớn. Do đó, tôi kỳ vọng trong phiên thảo luận toàn thể về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) các vị đại biểu Quốc hội sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm, trí tuệ tập thể đóng góp ý kiến sâu sắc, tâm huyết nhằm tìm phương án phù hợp, khả thi nhất đối với những nội dung còn ý kiến khác nhau để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Tôi cũng kỳ vọng, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có trách nhiệm, dự án Luật Đất đai sửa đổi được thông qua sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hội nhập. Đồng thời; giải quyết các chồng chéo, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn; tăng cường quản lý đất đai cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế... hài hòa quyền, lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. Thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản lành mạnh. Phát huy nguồn lực đất đai, tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao;…

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn PGS. TS Doãn Hồng Nhung.

Lê Anh