ĐBQH TRẦN THỊ DIỆU THÚY: CẦN QUYẾT LIỆT XEM XÉT TĂNG LƯƠNG CŨNG NHƯ ĐẢM BẢO LƯƠNG TỐI THIỂU VÙNG CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

25/10/2023

Đánh giá về tình hình thực hiện kinh tế - xã hội thời gian qua, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy - Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh góp ý xoay quanh các vấn đề về lao động, việc làm. Đại biểu đề nghị cần có giải pháp căn cơ để tạo việc việc làm cho người lao động; quyết liệt xem xét tăng lương theo Nghị quyết của Trung ương cũng như đảm bảo lương tối thiểu vùng theo quy định; đồng thời đề xuất sửa Luật Bảo hiểm xã hội, tăng cơ hội cho người lao động khi họ duy trì đóng bảo hiểm xã hội suốt vòng đời lao động.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 23/10: BÁO CÁO TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KT-XH; BÁO CÁO KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 43/2022/QH15 VỀ CHÍNH SÁCH TÀI KHOÁ, TIỀN TỆ HỖ TRỢ CHƯƠNG TRÌNH PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KT-XH...

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Qua báo cáo của Chính phủ xoay quanh các vấn đề lao động, việc làm và những hạn chế, yếu kém tồn tại hiện nay chưa giải quyết được, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh thống nhất với Báo cáo của Chính phủ đánh giá về các vấn đề này, đặc biệt là những trọng tâm của Chính phủ đặt ra để cuối năm nay và những năm tiếp theo cần đầu tư tập trung.

Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy, phần giải pháp căn cơ trong Báo cáo của Chính phủ để giải quyết các vấn đề lao động, việc làm chưa rõ, dẫn đến việc tổ chức thực hiện và giải quyết các vấn đề thuộc trọng trách của Chính phủ cũng như các bộ, ngành đối với các vấn đề này cũng chưa rõ.

Đánh giá về chỉ số CPI của Chính phủ trong báo cáo 9 tháng đầu năm chỉ có khoảng 3,16%, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy nhận thấy, nếu tính về chỉ số CPI như vậy thì lượng tăng giá tiêu dùng không cao. Vì theo phản ánh của người lao động, đặc biệt những người lao động ở những khu đô thị lớn như Thành phố Chí Minh, Hà Nội hoặc các vùng khác tập trung đông người lao động, chỉ số giá tiêu dùng thiết yếu hằng ngày, lương của họ không đảm bảo trang trải.

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy băn khoăn chỉ số giá tiêu dùng mà Chính phủ đánh giá dựa trên các mặt hàng nhu yếu phẩm và các hàng hóa khác có thể chưa tương đồng với mức sống và yêu cầu đời sống thiết yếu hằng ngày của người dân. Do đó, đề xuất cần đánh giá lại kỹ vấn đề này. Bởi vì người lao động ở Thành phố Chí Minh 6 tháng đầu năm cho rằng, lương của họ không đủ sống và bắt buộc phải thay đổi môi trường sống và lao động, đặc biệt họ phải rời bỏ Thành phố Chí Minh về lại quê hương, hoặc tìm kiếm một phương thức sống khác ở các tỉnh, do đó cần phải đánh giá kỹ hơn.

Đánh giá liên quan đến các giải pháp và vấn đề tạo việc làm cho người lao động, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy nhận thấy giải pháp của Chính phủ đề ra chưa căn cơ, như vậy sẽ dẫn đến các vấn đề về về môi trường lao động. “Trong 9 tháng đầu năm, đánh giá của Thành phố Chí Minh là dấu hiệu xuất hiện quay trở lại các đơn hàng. Nhưng ở đây lại xuất hiện một tình tiết mới, đó là người lao động không ở lại Thành phố Hồ Chí Minh để làm việc mà họ quay về địa phương, không quay lại nữa, dẫn đến có một số lĩnh vực, ngành nghề không thể tuyển được lao động, thiếu người lao động để lao động sản xuất, phục vụ cho nhu cầu chung của xã hội”, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy phân tích.

Từ các vấn đề mà báo cáo của Chính phủ nêu và những vấn đề trong quá trình theo dõi các ý kiến của cử tri Thành phố Chí Minh, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy đề xuất một số nội dung sau:

Thứ nhất là đối với lương, đại biểu hoàn toàn thống nhất với đề xuất của Chính phủ trong báo cáo của Chính phủ là cần quyết liệt xem xét tăng lương theo Nghị quyết của Trung ương cũng như đảm bảo lương tối thiểu vùng theo quy định. Tuy nhiên đại biểu Trần Thị Diệu Thúy đề nghị xem xét tăng lương phải sớm hơn. Bởi vì chỉ số CPI của Chính phủ đánh giá không tương đồng với đời sống thực tiễn của người lao động, dẫn đến vấn đề lương của người lao động không đủ sống. Lương của cán bộ, công chức ở Thành phố Chí Minh có thể cầm cự được là nhờ có Nghị quyết 54 và Nghị quyết 98 giúp cho người cán bộ, công chức và người lao động trong khu vực Nhà nước có thêm khoản thu nhập tăng thêm. Tuy nhiên, nhóm của công chức ở những tỉnh, ngành, khu vực khác không có điều kiện được thu nhập tăng thêm thì không thể vượt qua được.

Đối với lương tối thiểu vùng của người lao động, đại biểu cho rằng, nếu như chúng ta cứ lần lữa và để cho người lao động tự cầm cự với nguồn thu nhập của mình như hiện nay thì người lao động cũng không thể tiếp tục bám trụ tại các thành phố lớn, họ buộc phải quay trở về địa phương - nơi sinh sống và trưởng thành để quay lại với các nghề nghiệp cũ. Do đó, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy đề xuất Chính phủ cần xem xét và chỉ đạo sớm có các chủ trương liên quan đến tăng lương, trong đó tăng lương cho khu vực nhà nước và tăng lương tối thiểu vùng cho khu vực lao động sản xuất, từ đó mới giúp cho người lao động, tạo niềm tin để họ tiếp tục bám trụ vào sản xuất tại các vùng tập trung đông các khu công nghiệp, khu chế xuất như Thành phố Hồ Chí Minh.

Thứ hai là vấn đề về hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu cho biết, trong báo cáo của Chính phủ có nêu hạn chế trong nhiều khu vực tăng số lượng rút bảo hiểm xã hội một lần. Mục tiêu trong thời gian tới đó là hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần. Tuy nhiên, theo đánh giá của tổ chức Công đoàn Thành phố Hồ Chí Minh và các cán bộ công đoàn tại cơ sở, việc hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần này khó có thể thực hiện được.

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy nhận thấy, vấn đề không phải là hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần, vấn đề là trong quá trình cần tính toán để đề xuất sửa Luật Bảo hiểm xã hội, cần tăng cơ hội cho người lao động khi họ duy trì đóng bảo hiểm xã hội suốt vòng đời lao động. Cần xem xét cân nhắc khi họ hoàn thành quá trình lao động thì sẽ được hưởng như thế nào; lương hưu cộng với các khoản phúc lợi xã hội đi kèm bao gồm dành cho dưỡng lão, dành cho người già neo đơn hoặc khoản bảo hiểm y tế hoặc những khoản điều trị chế độ cao dành cho những người bị những bệnh hiểm nghèo hoặc những chế độ phúc lợi khác dành cho người lao động… Đại biểu cho rằng, có như vậy mới níu giữ thật sự và xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội để tạo sự hấp dẫn của bảo hiểm xã hội. “Không phải ai tham gia bảo hiểm xã hội cũng sẽ được hưởng như những người tham gia suốt vòng đời của bảo hiểm, như vậy mới là vấn đề căn cơ”, đại biểu nêu rõ.

Thứ ba là vấn đề về cán bộ, công chức, đại biểu nhận thấy, hiện nay công chức nói chung ngại sáng tạo, ngại đề xuất, ngại thực hiện các nhiệm vụ mà pháp luật không cho phép.

Liên quan đến Nghị định của Chính phủ về hướng dẫn liên quan đến thực hiện Quyết định 14 về bảo vệ người có sáng kiến, sáng tạo, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy cho rằng, cán bộ, công chức là đoàn viên công đoàn sẵn sàng tham gia thực hiện nhiệm vụ, tuy nhiên, khi tham gia thì họ vẫn còn băn khoăn, dựa vào nghị định và Quyết định 14 thì không có cơ sở để họ an tâm, tin tưởng, bởi cách xây dựng nội dung, tổ chức thực hiện, hoặc để giải quyết và xử lý các vấn đề liên quan thì 3 quan điểm này hoàn toàn khác nhau, làm cho cán bộ, công chức không an tâm. Bên cạnh đó, còn do không có hệ thống văn bản nào để bảo vệ.

Đại biểu đề nghị cần xây dựng một hệ thống cán bộ, công chức năng động, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đồng thời bày tỏ băn khoản cùng với việc xây dựng hệ thống đó thì ai sẽ cùng với cán bộ, công chức, người lao động để cùng chịu trách nhiệm, ai sẽ cùng bảo vệ họ không?./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức