NGHỊ QUYẾT SỐ 43/2022/QH15 CỦA QUỐC HỘI GÓP PHẦN THÁO GỠ KHÓ KHĂN, HỖ TRỢ SẢN XUẤT KINH DOANH, THÚC ĐẨY PHỤC HỒI KINH TẾ

23/10/2023

Thẩm tra tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, các chính sách triển khai thực hiện đã có tác động tích cực, góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi kinh tế, đóng góp quan trọng trong các kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và 2023, đưa đất nước ra khỏi giai đoạn khó khăn, được cử tri, Nhân dân đánh giá cao và cộng đồng quốc tế ghi nhận.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 23/10: BÁO CÁO TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KT-XH; BÁO CÁO KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 43/2022/QH15 VỀ CHÍNH SÁCH TÀI KHOÁ, TIỀN TỆ HỖ TRỢ CHƯƠNG TRÌNH PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KT-XH...

Toàn cảnh phiên họp chiều 23/10

Đề nghị Chính phủ bổ sung phân tích về những khó khăn, vướng mắc, đánh giá khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 5 năm 2021-2025

Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 23/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Đề cập về tình hình triển khai Nghị quyết số 43, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá cao những nỗ lực và sự chỉ đạo quyết liệt, tích cực, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, vai trò đầu mối của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như sự tham gia vào cuộc của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương có liên quan, UBND các tỉnh, thành phố, đã ban hành đầy đủ 17/17 văn bản theo thẩm quyền để cụ thể hóa các chính sách theo yêu cầu tại Nghị quyết số 43, tổ chức phối hợp, thực hiện và hoàn thành khối lượng lớn công việc, cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng việc triển khai ban hành một số văn bản hướng dẫn, chuẩn bị các dự án chưa kịp thời, như trình UBTVQH phân bổ danh mục các dự án quá chậm; chưa quyết liệt trong việc hoàn thiện, chủ trương đầu tư, chưa bảo đảm tính chặt chẽ, sát thực trong xác định danh mục các dự án, có nhiều điều chỉnh so với danh mục đã báo cáo Quốc hội, cho thấy công tác chuẩn bị Tờ trình để Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết chưa bảo đảm kỹ lưỡng và còn mang tính ước lệ. Một số chính sách có nguồn lực lớn nhưng kết quả thực hiện còn hạn chế.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Do đó, Ủy ban Kinh tế cho rằng, Báo cáo của Chính phủ đã đánh giá về những tồn tại, hạn chế, tuy nhiên đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ, làm rõ trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân trong việc không hoặc chậm triển khai chính sách, kết quả thấp, không khả thi và đánh giá tác động tới kết quả, hiệu quả triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Về kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, Ủy ban Kinh tế thống nhất với Báo cáo của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 43. Việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, Chính phủ chưa phân tích rõ những khó khăn, tồn tại, nhất là khả năng phục hồi của nền kinh tế thời gian qua chưa thật sự bền vững.Vì vậy, đề nghị Chính phủ bổ sung phân tích về những khó khăn, vướng mắc, đánh giá khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 5 năm 2021-2025, từ đó đánh giá hiệu quả triển khai các chính sách tới khả năng phục hồi của người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.

Nghị quyết số 43 góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi kinh tế

Về kết quả thực hiện các chính sách tại Nghị quyết số 43, Ủy ban Kinh tế cho rằng, các chính sách triển khai thực hiện đã có tác động tích cực, góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi kinh tế, đóng góp quan trọng trong các kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và 2023, đưa đất nước ra khỏi giai đoạn khó khăn, được cử tri, Nhân dân đánh giá cao và cộng đồng quốc tế ghi nhận. 

Cụ thể, đối với chính sách tài khóa, Ủy ban Kinh tế cho rằng, kết quả thực hiện các gói hỗ trợ của chính sách tài khóa đã có tác động tích cực tới người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế; trong đó một số chính sách hỗ trợ có kết quả thực hiện cao như các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí đạt 94,6% kế hoạch, trong đó chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) đạt 90% kế hoạch và hiện đã được Quốc hội cho phép tiếp tục áp dụng trong thời gian từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023 (Nghị quyết số 101/2023/QH15); chính sách cho vay thông qua Ngân hàng chính sách xã hội đạt 54,55% hạn mức tối đa, trong đó nổi bật là chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã đạt 100% kế hoạch đề ra.

Bên cạnh đó, đa số các gói hỗ trợ thuộc chính sách tài khóa giải ngân chậm, có trường hợp rất chậm như hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40 nghìn tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại giải ngân chỉ đạt 1,95% kế hoạch, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Chương trình đạt khoảng 28,9%; cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập đạt 10,8%; cho vay phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt 21,9%. Có gói hỗ trợ kinh phí tồn dư nhiều, thời gian kết thúc chính sách đã lâu, nhưng Chính phủ chậm đề xuất phương án xử lý như chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trong khi nhiều chính sách xã hội khác có nhu cầu nhưng thiếu kinh phí hoặc có kinh phí hạn chế, gây lãng phí nguồn lực ngân sách nhà nước. Việc giải ngân hết các gói hỗ trợ này theo quy định của Nghị quyết số 43 là không khả thi, cho thấy việc đề xuất, xây dựng chính sách chưa sát thực tế, quy trình thủ tục gây nhiều vướng mắc, khó khăn trong triển khai thực hiện.

Vì vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tập trung phân tích, làm rõ nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện chậm; ngoài những nguyên nhân đã chỉ ra trong báo cáo, cần đánh giá việc bám sát thực tiễn trong công tác dự báo, tính toán nhu cầu, trình tự thủ tục hỗ trợ trước khi ban hành chính sách; bổ sung đánh giá việc triển khai các chính sách chậm tác động tới đối tượng thụ hưởng và hiệu quả tổng thể của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, trong bối cảnh kinh tế thế giới, khu vực và trong nước khó khăn, thách thức; để kích cầu tiêu dùng đề nghị Chính phủ cần bổ sung đánh giá tác động và có quan điểm đối với việc gia hạn tiếp chính sách.

Đối với chính sách tiền tệ, Chính phủ đã đánh giá cơ bản tổng thể, toàn diện tình hình thực hiện chính sách tiền tệ. Về nhiệm vụ điều hành tăng trưởng tín dụng, một số ý kiến cho rằng nền kinh tế hiện nay khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn, mặc dù mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm xuống, dư nợ tín dụng đến 29/9 chỉ tăng 6,92%, cho thấy nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn tín dụng còn rất yếu.

Đối với nhiệm vụ “Tiếp tục tái cấp vốn đối với Ngân hàng chính sách Xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động”, có ý kiến cho rằng về cơ bản, khách hàng tuân thủ và trả nợ đúng, tuy nhiên, một số khách hàng không trả được nợ, làm phát sinh nợ quá hạn ảnh hưởng tới việc trả nợ tái cấp vốn cho Ngân hàng Nhà nước cũng như ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ bổ sung phân tích, đánh giá hiệu quả, tác động của các chính sách tới đối tượng thụ hưởng và khả năng phục hồi doanh nghiệp và nền kinh tế.

Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ tập trung nguồn lực, nhân lực để tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 trong thời gian còn lại của Nghị quyết (đến hết 31/12/2023); bảo đảm thực hiện ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết đã đặt ra.

Về các nội dung Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định

Thứ nhất, liên quan đến việc triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, Ủy ban Kinh tế cho rằng, trong điều kiện tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm 2023 thấp, giải ngân vốn của Chương trình chậm, đề nghị Chính phủ tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện chính sách hỗ trợ 2% lãi suất này; đối với số vốn không giải ngân hết kế hoạch sau khi kết thúc thời gian giải ngân của Chương trình, trình Quốc hội hủy dự toán, kế hoạch vốn theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Luật Ngân sách nhà nước.

Thứ hai, về việc sử dụng số vốn từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 còn dư sau khi thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, Ủy ban Kinh tế cho rằng, số kinh phí còn lại (2.920,7 tỷ đồng) là nguồn vốn tăng thu NSTW năm 2021 dự kiến bố trí hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội quy định tại Nghị quyết số 43. Theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, số vốn này không sử dụng hết sẽ bị huỷ bỏ. Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, các dự án đầu tư lĩnh vực y tế thực sự cấp bách, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.

Căn cứ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Thông báo số 2878/TB-TTKQH ngày 16 tháng 10 năm 2023 của Tổng Thư ký Quốc hội, Ủy ban Kinh tế thống nhất về chủ trương báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định về nội dung này. Chính phủ chịu trách nhiệm về tính hiệu quả, kết quả triển khai dự án được đề nghị phân bổ; bảo đảm việc triển khai thực hiện phân bổ vốn theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các Nghị quyết của Quốc hội.

Thứ ba, về đề nghị cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển cho các dự án đầu tư của Chương trình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận thấy, xét tình hình thực hiện việc triển khai các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chậm, để giảm áp lực cân đối vốn cho các năm sau, tránh tình trạng dự án dở dang, phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản, Ủy ban Kinh tế thống nhất về chủ trương cho phép trình Quốc hội kéo dài thời gian giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển bố trí cho các dự án đầu tư của Chương trình đến hết năm 2024.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện tối đa việc điều hòa vốn cho các nhiệm vụ, dự án theo quy định tại Nghị quyết số 93/2023/QH15 của Quốc hội để bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn và tăng cường tính kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công./.

Bích Ngọc